Đánh thức tiềm năng du lịch Kon Chư Răng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong 2 ngày làm việc và khảo sát thực tế tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (xã Sơn Lang, huyện Kbang), đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan sớm quy hoạch chi tiết khu bảo tồn này thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.


Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Kon Chư Răng được biết đến với những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn và nhiều thác nước hùng vĩ. Đặc biệt mới đây, Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu của UNESCO đánh giá, KBTTN Kon Chư Răng hội đủ các tiêu chí của 1 di sản thiên nhiên, địa chất và môi trường. Kết hợp với phần di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ của thị xã An Khê, khu vực này đang được xúc tiến công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

Tiềm năng phát triển du lịch

Sáng 29-3, từ trụ sở KBTTN Kon Chư Răng, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng đoàn công tác bắt đầu hành trình băng rừng, vượt suối. Ngoài việc khảo sát thực tế tìm hiểu sự đa dạng sinh học nơi đây, Bí thư Tỉnh ủy cũng muốn tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngọn thác 50 hoang sơ, hùng vĩ nằm giữa mênh mông đại ngàn.

 

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng lãnh đạo một số ban, ngành đi khảo sát thác 50 ở Kon Chư Răng. Ảnh: Đức Thụy
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cùng lãnh đạo một số ban, ngành đi khảo sát thác 50 ở Kon Chư Răng. Ảnh: Đức Thụy

Đi cùng Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang, Giám đốc KBTTN Kon Chư Răng Trịnh Viết Ty giới thiệu: KBTTN Kon Chư Răng nằm ở giữa khu rừng nguyên sinh rộng 200.000 ha của 4 tỉnh là Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định. Trong đó, diện tích rừng Ban Quản lý KBTTN Kon Chư Răng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trạm Lập quản lý rộng khoảng 80.000 ha. Khu vực này, tỉnh Gia Lai đang xúc tiến làm thủ tục đề nghị công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Riêng Ban Quản lý KBTTN Kon Chư Răng quản lý, bảo vệ hơn 15,4 ha rừng đặc dụng với độ che phủ xấp xỉ 99,5%. Đây là khu rừng có giá trị khoa học với hệ sinh thái đa dạng và là nơi lưu trữ, bảo tồn giá trị sinh học của các hệ động thực vật thu hút nhiều nhà khoa học đến tham quan và nghiên cứu; chứa đựng nhiều tiềm năng du lịch sinh thái với vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên.

Ông Ty cho biết, nơi đây có thể phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch tìm hiểu nghiên cứu khoa học; du lịch dã ngoại, tham quan giải trí, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng; du lịch văn hóa bản xứ; du lịch liên kết các tour về thăm chiến trường xưa… Đặc biệt, khu vực này có nhiều sông suối, thác nước rất đẹp như: sông Côn, suối Đá, suối Đak Phan, thác 3 tầng, thác 50, thác Trại Dầm… Các ngọn thác này có độ cao 40-50 mét, quanh năm đều có nước đổ từ trên cao xuống, được bao quanh bởi những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Ngoài ra, theo thống kê, KBTTN Kon Chư Răng có 546 loài thực vật bậc cao (18 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 7 loài nằm trong Sách đỏ thế giới). Đối với hệ động vật có 392 loài, trong đó có 15 loài thú và 14 loài chim được ghi trong Sách đỏ thế giới.

 

Đường vào thác 50. Ảnh: Đức Thụy
Đường vào thác 50. Ảnh: Đức Thụy

Trong khi đó, ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng vui mừng thông báo: Sau chuyến khảo sát mới đây, các chuyên gia của UNESCO khẳng định Kon Chư Răng hội đủ các tiêu chí về di sản thiên nhiên, địa chất, môi trường. Khu vực này chứa đựng các giá trị về đa dạng sinh học, có những lớp đá tối cổ của trái đất với niên đại từ 1,4 đến 2,5 tỷ năm. Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cùng với di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo, di chỉ khảo cổ của thị xã An Khê hợp thành một khu vực đủ sức trở thành Công viên địa chất toàn cầu, trong đó lấy Kon Chư Răng làm vị trí trung tâm. “Nếu được công nhận là công viên địa chất toàn cầu, được công nhận xây dựng thương hiệu toàn cầu, mặc nhiên chúng ta được quảng bá hình ảnh của mình ra thế giới, qua đó nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam. Quan trọng hơn, gắn liền với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên thì người dân ở vùng này cũng được hưởng lợi. Đây chính là điều kiện thuận lợi rất lớn để phát triển du lịch Gia Lai thành ngành kinh tế mũi nhọn”-ông Vũ cho biết.

Mất gần 4 giờ với các phương tiện như xe bán tải, xe máy “tăng bo” và cuối cùng là đi bộ dưới tán rừng nguyên sinh rậm rạp, nhiều đồi dốc, dây leo chằng chịt..., cả đoàn mới đến nơi. Tất cả mọi người đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thác 50 và thiên nhiên nơi đây. Ông Nguyễn Tấn Thành-Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai đánh giá: Cảnh quan thiên nhiên tại Kon Chư Răng rất đẹp và hùng vĩ mà ít nơi nào có được, đặc biệt với hệ thống thác nước được bao phủ bởi rừng nguyên sinh.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

 

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang trao đổi với các thành viên trong đoàn về giải pháp phát triển du lịch ở Kon Chư Răng. Ảnh: Đ.T
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang trao đổi với các thành viên trong đoàn về giải pháp phát triển du lịch ở Kon Chư Răng.  Ảnh: Đ.T

Tuy có rất nhiều tiềm năng về du lịch nhưng lâu nay du khách đến với Kon Chư Răng chủ yếu là tự phát, bởi theo cách nói của Bí thư Huyện ủy Kbang Trương Văn Đạt, nơi đây chưa có sản phẩm du lịch gì, các dịch vụ kèm theo cũng không có. Các tuyến, tour du lịch của tỉnh cũng như huyện Kbang chưa phát triển đồng bộ; chưa được đầu tư đúng mức để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh. Một trong những nguyên nhân gây cản ngại là cơ sở hạ tầng, đường giao thông đến các điểm du lịch chưa có. “Đây là khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt, rất khó để làm thay đổi hiện trạng của rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng. Việc mở đường phục vụ du lịch cũng phải nghĩ đến vấn đề đụng tới rừng tự nhiên, việc này Chính phủ chỉ đạo phải hạn chế tối đa”-ông Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết.

Ông Nguyễn Tấn Thành-Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai đề xuất: Để thu hút được khách du lịch, trước mắt phải có hệ thống giao thông, đường mòn dẫn đến những thắng cảnh này. Nên kết hợp trục đường chính với đường nhánh để những phương tiện thô sơ khác như: xe gắn máy, xe đạp, xe ngựa có thể đưa du khách đến các điểm thác. “Cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, xã hội hóa các nguồn lực tạo ra các sản phẩm du lịch; phải làm từng bước, dễ làm trước, từ đó phát triển rộng hơn mới thu hút được khách du lịch”-ông Thành đề xuất.

Qua buổi làm việc và khảo sát thực địa, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đánh giá cao sự đa dạng sinh học và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của KBTTN Kon Chư Răng. Để phát huy lợi thế này, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các sở, ngành của tỉnh và huyện Kbang sớm triển khai các điều kiện để Kon Chư Răng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là cơ hội thuận lợi cho việc phát triển du lịch của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung.

Trước mắt, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần quy hoạch chi tiết KBTTN Kon Chư Răng thành điểm du lịch, từ đó vận động, kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa tạo ra các sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Tham mưu cho tỉnh chiến lược khai thác và phát triển du lịch nơi đây; hướng dẫn huyện Kbang, thị xã An Khê sớm triển khai xây dựng và tạo ra các sản phẩm du lịch, từng bước hình thành các điểm du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh và sinh thái, du lịch cộng đồng ở khu vực phía Đông của tỉnh.  

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang yêu cầu các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất cho tỉnh phương án sửa chữa các tuyến đường giao thông trong Khu bảo tồn nhưng không tác động, hủy hoại đến tài nguyên rừng, tạo thuận lợi cho du khách đi lại bằng các phương tiện thô sơ như: xe máy, ngựa đến các điểm thác. Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan sớm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế để phát triển ngành du lịch trên địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Phan Xuân Vũ khẳng định: “Chuyến khảo sát của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã đặt nền tảng cho việc quy hoạch và khai thác du lịch vùng này. Trước mắt, ngoài việc hình thành bộ máy, cơ sở vật chất thì phải tháo gỡ ách tắc trong việc xây dựng đường giao thông. Bên cạnh việc đẩy mạnh việc xúc tiến quảng bá tiềm năng thế mạnh về du lịch, tìm các nhà đầu tư chiến lược thì các địa phương như: Kbang, Kông Chro, thị xã An Khê phải chủ động liên kết tạo ra các sản phẩm du lịch thu hút du khách trong tỉnh rồi từng bước lan tỏa dần”.

 Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Với diện tích hơn 413.511 ha, cao nguyên Kon Hà Nừng sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng nhiều thắng cảnh phù hợp cho du lịch sinh thái. (Ảnh đơn vị cung cấp).jpg

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng

(GLO)- Bên cạnh các giải pháp như xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý, bảo vệ môi trường thì đẩy mạnh truyền thông là một trong những giải pháp hữu hiệu được đưa ra tại diễn đàn đối thoại tăng cường quản lý khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng vừa được tổ chức ngày 15-11 tại TP. Pleiku.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Du khách rộn ràng check-in Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Du khách rộn ràng check-in Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Vào dịp cuối năm, khu vực núi lửa Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh)  khoác lên mình chiếc áo vàng óng ả của những vạt hoa dã quỳ bung tỏa. Năm nay, Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya với nhiều hoạt động thú vị đã thu hút rất đông du khách đến trải nghiệm, check-in.