Đến với đội cồng chiêng được chọn tham dự Festival cồng chiêng Quốc tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chuyện gây quỹ mua cồng chiêng của thanh niên ở xã Yang Bắc (Đak Pơ- Gia Lai) xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt văn hóa vốn còn rất nhiều thiếu thốn của họ. Cũng từ phong trào này, mới thấy hết tình yêu và ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của thanh niên nhiều vùng dân tộc thiểu số.

Từ phong trào gây quỹ

Yếu tố quyết định đến hoạt động mạnh hay yếu của mỗi chi đoàn phụ thuộc rất nhiều vào “túi tiền” của chi đoàn đó. Chính vì vậy, phong trào gây quỹ trở thành hoạt động sôi nổi của đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Với ĐVTN ở xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ, cách làm thật đơn giản nhưng rất hiệu quả. Anh Đinh Răm- Bí thư Đoàn xã cho biết: “Điểm giống nhau trong hoạt động gây quỹ đó là các làng đều được xã cho mượn đất để sản xuất. Chi đoàn ít nhất là 1 ha, có chi đoàn nhiều đến 5-6 ha như chi đoàn làng Jro Dơng đang sở hữu 3 ha mía và 3 ha bắp sắp cho thu hoạch. Mỗi chi đoàn thu nhập vài chục triệu đồng/năm là chuyện thường”.

Thanh niên xã Yang Bắc chăm chỉ luyện tập đánh cồng chiêng. Ảnh: Hoàng Ngọc
Thanh niên xã Yang Bắc (Đak Pơ) chăm chỉ luyện tập đánh cồng chiêng. Ảnh: Hoàng Ngọc

Với 99% ĐVTN trong xã là đồng bào dân tộc thiểu số, đây là lực lượng lao động chính của xã, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Do đời sống còn khó khăn nên việc bỏ tiền túi ra để nộp quỹ hoạt động là điều không dễ dàng. Cái khó ló cái khôn, sáng kiến mượn đất sản xuất để gây quỹ đưa ra nhanh chóng được ĐVTN đồng tình ủng hộ. Đinh Răm nhớ lại: “Trước đây, thanh niên toàn xã chỉ có chung một mảnh đất rẫy, chúng tôi trồng bắp, trồng mía và các chi đoàn thay phiên nhau chăm sóc. Hiệu quả rõ rệt sau vụ thu hoạch đầu tiên đã thôi thúc chúng tôi mạnh dạn xin xã cho mượn thêm đất và chia diện tích cho từng chi đoàn thôn, làng. Ở nhiều làng, thanh niên còn khai hoang, phát rẫy để mở rộng thêm diện tích đất canh tác. Quyết tâm và sự lao động chăm chỉ đã mang đến hiệu quả rõ rệt, như làng Jun, năm nào cũng gây quỹ trên 50 triệu đồng, nhiều làng khác cũng đến 30-40 triệu đồng/năm. Đó là kết quả của cuộc đua âm thầm nhưng quyết liệt giữa các chi đoàn làng”.

Đến việc “tậu” cồng chiêng

Với số tiền gây quỹ mỗi năm không nhỏ, nhiều làng ưu tiên hàng đầu cho việc mua cồng chiêng phục vụ sinh hoạt. Riêng làng Jun, thanh niên đã đổi 2 con trâu to (trên 20 triệu đồng) để lấy một bộ chiêng 9 làm phương tiện sinh hoạt mấy năm nay. Làng Bung Bang, Krối, Jro Dơng cũng đã “tậu” mỗi làng một bộ chiêng vài chục triệu đồng. Khi được hỏi, sao không mua âm ly, loa đài như nhiều chi đoàn khác, Đinh Răm chia sẻ bằng suy nghĩ rất giản dị: “Chúng tôi yêu tiếng chiêng từ lúc còn nằm trong bụng mẹ. Đó cũng là sinh hoạt văn hóa chủ yếu của thanh niên trong những dịp lễ, hội. Không chỉ biết chơi những bài truyền thống, thanh niên còn biến tấu bằng cách ghép chiêng từ bộ này với bộ khác để chơi những bài hát cách mạng như: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Anh hùng Núp hay những bài vui nhộn, mừng hạnh phúc trong đám cưới”. Anh khẳng định: “Thanh niên trong làng, không ai không biết chơi chiêng. Toàn xã có 15 làng thì ở mỗi làng đều thành lập được một đội chiêng thanh niên”.

Anh cán bộ Đoàn có vóc người nhỏ nhắn nhưng điệu bộ dứt khoát này minh chứng cho chúng tôi, anh không nói chơi. Đội chiêng nhanh chóng được tập hợp gồm trên 20 người chơi chiêng và đội xoang với 15 cô gái trẻ. Chúng tôi đã có một chuyến đi đầy ấn tượng và kỷ niệm đẹp với những chàng trai, cô gái Bahnar mến khách và đầy nhiệt thành này. Phụ họa cùng tiếng chiêng mỗi lúc càng như thúc giục là những động tác múa khỏe khoắn của các cô gái. Những khát khao về cuộc sống, hy vọng ấm no, hạnh phúc được dâng hiến, tỏ bày trọn vẹn trong từng động tác căng tràn sức sống xuân thì. Người già, trẻ nhỏ chốc lát kéo đến chật kín cả một khoảng sân rộng trước nhà rông trật tự thưởng thức. Thế mới thấy, cồng chiêng trong không gian riêng của nó, có sức hút kỳ lạ!

Trong lúc mọi người đang rộn rã trong tiếng chiêng “Mừng lúa mới”, “Lễ đâm trâu”… thì già làng Đinh Srươnh miệng ngậm tẩu, trầm ngâm theo dõi. Già bộc bạch: “Đội chiêng của làng mới đạt giải A trong Liên hoan Cồng chiêng-Ca múa nhạc dân gian của huyện đấy. Nhìn thằng Đinh Lêm đấy, thằng cao nhất, trẻ nhất trong đội đấy, tao dạy nó hoài rồi cũng biết cầm cái chiêng ra dáng lắm. Được giải cao nhất huyện nhưng bọn trẻ cũng phải học nhiều, lỡ đâu nay mai được huyện chọn đi tham dự Festival…”. Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Ngọc Ánh- Phó Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện tiết lộ: “Chúng tôi đã quyết định chọn đội cồng chiêng của Yang Bắc để tham dự Festival cồng chiêng Quốc tế sắp tới. Vì đây là đội chiêng còn lưu giữ được nhiều bài chiêng cổ và có sự kế thừa đầy sáng tạo những bài chiêng cổ ấy. Hơn nữa, chỉ cần xem họ biểu diễn dễ dàng nhận ra chất Bahnar rất đậm nét”.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Cổng vào Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi. Ảnh: Đức Thụy

Xây dựng Khu di tích Plei Ơi thành sản phẩm du lịch đặc thù

(GLO)- Gắn liền với truyền thuyết Hỏa Xá, Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) chứa đựng những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa. Huyện Phú Thiện đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng khu di tích thành sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.

Chuyện làng ở Hà Tây

Chuyện làng ở Hà Tây

(GLO)- Chúng tôi về thăm xã Hà Tây (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vào một ngày mưa nhẹ, trời se lạnh. Tại đây, chúng tôi dành thời gian để trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Bahnar và được nghe các già làng kể chuyện nhà rông.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Đèo An Khê. Ảnh: Phan Nguyên

Bâng khuâng chiều An Khê

(GLO)- Tôi trở lại An Khê vào một chiều mưa. Cơn mưa không ồn ào mà rơi êm vào ký ức, đánh thức một miền nhớ xa xôi, thuở nơi đây còn là một thị trấn nhỏ bình lặng nằm ven quốc lộ 19.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.