Đề án trả lương theo vị trí việc làm gặp khó do dịch COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn vì dịch COVID-19, đại diện Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) cho biết, dự kiến năm 2021 sẽ không thể thực hiện đề án tăng lương theo vị trí việc làm và theo lộ trình như tính toán cho nhóm cán bộ công chức, hưởng lương nhà nước. Còn tại khu vực tư nhân, lương tối thiểu vùng cũng đang đối mặt với bài toán khó khăn khi các doanh nghiệp đang ảnh hưởng vì dịch bệnh.

Cán bộ, công chức, viên chức cần được trả lương theo vị trí việc làm.Ảnh minh họa: Hải Nguyễn
Cán bộ, công chức, viên chức cần được trả lương theo vị trí việc làm.Ảnh minh họa: Hải Nguyễn


Đề án có thể phải giãn lùi

Trong thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã nhiều lần bàn thảo, thể hiện quyết tâm cải cách tiền lương, đặc biệt là nâng lương cho đội ngũ công chức, viên chức (CCVC) làm việc tại khu vực Nhà nước. Vào tháng 5.2020, Chính phủ đã họp Ban chỉ đạo cải cách tiền lương (CCTL) quốc gia, thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện CCTL trong năm 2021. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã có báo cáo Quốc hội về Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ (CB), CCVC, lực lượng vũ trang (LLVT) và người lao động (NLĐ) trong doanh nghiệp (DN).

Trao đổi với Lao Động sáng 8.9, Vụ trưởng Vụ Tiền lương Đoàn Cường cho hay, tới nay, Bộ Nội vụ cũng chưa có đánh giá ảnh hưởng cụ thể của việc dừng tăng lương cơ sở tới các nhóm đối tượng có quyền lợi. Trước những tác động bất lợi từ dịch COVID-19, đề án CCTL cũng có thể sẽ phải được giãn lùi cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

Theo Vụ Tiền lương, căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với CBCCVC, LLVT và NLĐ trong DN, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16.8.2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó đã phân công các bộ, cơ quan Trung ương triển khai thực hiện việc xây dựng chế độ tiền lương mới đối với CBCCVC, LLVT hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Hằng năm, căn cứ báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết 107/NQ-CP của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, Bộ Nội vụ đã tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiến độ triển khai và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Nghị quyết 27 cũng nhấn mạnh, về chính sách CCTL, đối với khu vực công, Nhà nước trả lương cho CBCCVC và LLVT theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động. Trong đó, đối với bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với CCVC không giữ chức danh lãnh đạo. Điều này sẽ thực hiện theo nguyên tắc cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau, điều kiện lao động cao hơn bình thường.

Rất khó có nguồn lực để CCTL

Vụ Tiền lương cũng nói rằng, do tình hình có nhiều thay đổi, sự ảnh hưởng sâu rộng của dịch COVID-19, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công trình Chính phủ để trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định lộ trình thực hiện các quy định cụ thể về chế độ tiền lương mới đối với CBCCVC và LLVT phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Sau khi có ý kiến kết luận của Bộ Chính trị, các cơ quan chức năng theo thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới thực hiện thống nhất đối với CBCCVC và LLVT thay thế chế độ tiền lương hiện hành.

“Đề án trả lương theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27/NQ/TW dự kiến chưa thể thực hiện được ngay, sẽ phải lùi lại do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19. Về tiến độ và lộ trình, đơn vị vẫn đang chờ đợi, căn cứ vào tình hình cụ thể để báo cáo sau. Tình hình như này thì cũng không thể nói trước được điều gì, cả nước đang tập trung ổn định kinh tế xã hội. Kế hoạch năm 2021 sẽ họp Hội đồng Tiền lương quốc gia và có sự điều chỉnh” - ông Cường thông tin.

Cũng theo chia sẻ, nếu muốn CCTL phải tạo nguồn, xác định đi đôi với cải cách bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang phải đối mặt với những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra thì rất khó có nguồn lực để CCTL.

Trước đó, ngày 5.8, tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 2. Với 9/13 phiếu đồng thuận, hội đồng đã quyết định không tăng lương tối thiểu năm 2021.

https://laodong.vn/xa-hoi/de-an-tra-luong-theo-vi-tri-viec-lam-gap-kho-do-dich-covid-19-834473.ldo

Theo PHẠM ĐÔNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

(GLO)- Sáng 29-10, Cục Quản lý thị trường Gia Lai phối hợp với Cơ sở sản xuất nước chấm Tương Việt Hoa Sen Tây Nguyên tổ chức trao mô hình sinh kế và khánh thành bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo tại làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.