Đẩy mạnh trồng rừng gắn với tạo sinh kế cho người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh công tác trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, việc tạo sinh kế cho người dân đã được các địa phương, đơn vị chủ rừng quan tâm thực hiện.

Nâng cao tỷ lệ che phủ rừng

Gia Lai có 648.278 ha rừng, trong đó, rừng tự nhiên 478.749 ha, rừng trồng 155.522 ha, rừng trồng chưa thành rừng 14.000 ha, tỷ lệ che phủ đạt 47,15%, tăng 0,45% so với năm 2020. Những năm gần đây, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp không ngừng tăng. Tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2022 đạt 495 tỷ đồng, tăng 24,6% so với năm 2020. Đặc biệt, cơ quan chuyên môn cùng các đơn vị chủ rừng đã triển khai nhiều biện pháp xúc tiến khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng tự nhiên. Đến nay, toàn tỉnh có 3.455,83 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, 6 chủ rừng đã được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững với diện tích 74.458 ha.

Ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: Kbang hiện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh. Những năm qua, huyện quan tâm chỉ đạo các đơn vị chủ rừng cùng các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác trồng rừng và cây phân tán trên những diện tích đất bạc màu, đất dốc để nâng cao độ che phủ của rừng. Đồng thời, huyện đẩy mạnh phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.

Tổ quản lý, bảo vệ rừng xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: L.N

Tổ quản lý, bảo vệ rừng xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: L.N

Còn ông Nguyễn Văn Chín-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra (huyện Mang Yang) thì cho hay: Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng nên tỷ lệ che phủ rừng của đơn vị đạt khá. Hàng năm, đơn vị triển khai trồng dặm ở những khu vực đất trống để nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Đồng thời, đơn vị cũng khoán quản lý, bảo vệ hơn 6.500 ha rừng cho người dân 2 xã Hà Ra và Đak Ta Ley với số tiền thấp nhất là 300 ngàn đồng/ha/năm nhằm hạn chế tình trạng xâm hại tài nguyên rừng.

Tạo sinh kế từ khoán bảo vệ rừng

Để tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, những năm gần đây, các địa phương, đơn vị chủ rừng đã triển khai giao khoán cho người dân nhận quản lý, bảo vệ rừng. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2021 đến nay, bình quân mỗi năm có 121.000 ha rừng được giao khoán cho người dân quản lý, bảo vệ với mức hỗ trợ 300 ngàn đồng/ha/năm. Ngoài ra, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo khi tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng được hỗ trợ thêm 400 ngàn đồng/ha kèm theo gạo. Các chính sách hưởng lợi từ giao khoán bảo vệ rừng đã giúp người dân sống gần rừng có thêm nguồn thu nhập.

Ông Ngô Văn Thắng-Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-cho hay: Để tạo sinh kế cho người dân sinh sống gần rừng và người dân ở các vùng đệm, đơn vị đã khoán cho 17 cộng đồng và 28 nhóm hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng với diện tích gần 18.000 ha, mức hỗ trợ tối thiểu là 300 ngàn đồng/ha/năm, riêng năm 2022 lên đến 540 ngàn đồng/ha. Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ 18 cộng đồng vùng đệm mỗi năm 40 triệu đồng/cộng đồng để tạo sinh kế giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định. “Nhờ chính sách giao khoán nên công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực, người dân có sinh kế để ổn định cuộc sống”-Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh thông tin thêm.

Lực lượng Quản lý bảo vệ rừng chuyên trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ tuần tra tại xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh). Ảnh: N.D

Lực lượng Quản lý bảo vệ rừng chuyên trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ tuần tra tại xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh). Ảnh: N.D

Còn ông Vũ Quang Sáng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang thì thông tin: Đến nay, toàn huyện đã giao khoán hơn 36.268 ha rừng cho 44 cộng đồng làng, 74 nhóm hộ và 22 hộ dân. Trong đó, khoán theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ hơn 1.307 ha, còn lại là khoán theo tiền dịch vụ môi trường rừng. Đây là một trong những giải pháp tạo sinh kế, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Trao đổi với P.V, ông Trương Thanh Hà-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh-cho biết: Những năm gần đây, cùng với công tác trồng rừng, việc tạo sinh kế cho cộng đồng làng và hộ dân đã được cơ quan chuyên môn, đơn vị chủ rừng quan tâm thực hiện với các mô hình như: trồng cây dược liệu dưới tán rừng hoặc trồng ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Bên cạnh đó, các đơn vị còn đẩy mạnh khoán quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng hoặc nhóm hộ nhằm tạo sinh kế giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang chủ động phối hợp với người dân nhận khoán phát dọn thực bì rừng trồng trong mùa khô. Ảnh: N.D

Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang chủ động phối hợp với người dân nhận khoán phát dọn thực bì rừng trồng trong mùa khô. Ảnh: N.D

“Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân các địa phương và chủ rừng tham gia thực hiện mục tiêu trồng 8.000 ha rừng/năm. Đẩy mạnh khoán quản lý, bảo vệ rừng cho các cộng đồng, hộ dân nhằm tạo sinh kế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, Chi cục phối hợp với các địa phương và đơn vị chủ rừng thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 3-7-2019 của Tỉnh ủy về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, hướng đến mục tiêu đưa ngành lâm nghiệp của tỉnh phát triển bền vững”-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Quang cảnh hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Dự án 8 tại huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi

Ia Pa sơ kết 3 năm triển khai Dự án 8

(GLO)- Sáng 10-12, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021-2024.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.