Đặt niềm tin đúng chỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Lúc còn đi học, tôi đã nắn nót chép vào sổ tay mấy câu thơ của Tố Hữu: “Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu/Trái tim lầm chỗ để trên đầu/Nỏ thần vô ý trao tay giặc/Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu...” (Tâm sự). Lúc ấy tuổi còn trẻ, vì thích câu chuyện tình đẹp mà đầy bi thương giữa Mỵ Châu và Trọng Thủy nên tôi chép lại mấy câu thơ ấy. Mãi sau này, khi có thêm nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, tôi mới thấm thía việc khi người ta đem niềm tin đặt nhầm chỗ.

Niềm tin là một khái niệm trừu tượng. Nó tuy hiện diện mọi nơi trong đời sống con người, nhưng lại hoàn toàn không thể nhìn thấy hoặc cầm nắm. Niềm tin là một thứ cảm giác tồn tại khiến chúng ta tin tưởng hoặc chắc chắn về một điều gì đó. Khi đặt niềm tin vào một người/việc/điều gì đó, chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm gửi gắm tình cảm/tâm sự, thậm chí cả tài sản cho đối tượng mà chúng ta tin tưởng.

Cuộc sống sẽ thật tuyệt vời nếu chúng ta có niềm tin vào một ai đó, một điều gì đó, bởi đó sẽ là chỗ dựa đáng tin cậy cho mỗi người. Nhưng thật đáng buồn, đâu đó vẫn xảy ra những chuyện đáng tiếc khi lòng tin đặt sai chỗ.

Vài ngày gần đây, dư luận xôn xao quanh việc một nữ diễn viên đã phát trực tiếp trên trang cá nhân Facebook cho rằng mình bị lừa mua bảo hiểm nhân thọ. Theo nữ diễn viên, 3 năm trước, chị đã mua 2 gói bảo hiểm cho mình và con trai, tổng mức phí là 700 triệu đồng/năm. Lúc đó, chị đã ký hợp đồng và đinh ninh rằng sau 10 năm, sẽ nhận cả tiền gốc và lãi là 10 tỷ đồng (bao gồm 7 tỷ đồng tiền gốc và 3 tỷ đồng tiền lãi). Nhưng gần đây, chị mới phát hiện là hợp đồng của mình có thời hạn lên đến 74 năm và của con trai là 42 năm. Chẳng những vậy, hợp đồng còn bao gồm nhiều khoản bảo hiểm khác đi kèm, nên số tiền mà chị có thể nhận về sẽ ít hơn rất nhiều so với lời hứa hẹn ban đầu mà tư vấn viên bảo hiểm “đảm bảo”.

Nguyên nhân dẫn đến vụ việc “cười ra nước mắt” của nữ diễn viên trên, cũng theo lời kể của chị, là do chị đã quá tin tưởng vào nhân viên tư vấn bảo hiểm, đó là người quen của “một nhân vật lớn trong giới showbiz”, đã từng tư vấn và ký hợp đồng cho rất nhiều người nổi tiếng, nên chị đã hoàn toàn tin tưởng, đặt bút ký vào bản hợp đồng tiền tỷ, liên quan đến quyền lợi thiết thân mà… không cần đọc các điều khoản.

Đối với người giàu có và nổi tiếng thì như vậy. Còn với những người bình thường, thậm chí kinh tế khó khăn, việc đặt niềm tin nhầm chỗ còn gây mất mát, tổn thương nặng nề hơn nhiều. Đó là trường hợp của vợ chồng chị bạn tôi. Tiết kiệm bao nhiêu năm trời mới dành dụm được vài chục triệu đồng, vì quá tin tưởng vào lời hứa hẹn của một cô bạn được xem là thân thiết, anh chị đã đem toàn bộ số tiền ấy đưa cho bạn để góp vốn làm ăn chung, mong kiếm thêm ít lời lãi. Tháng đầu còn nhận được vài đồng lãi thật, từ tháng thứ 2 trở đi, chờ mãi chẳng thấy tiền đâu, anh chị gọi điện thoại thì người bạn trả lời, do việc kinh doanh gặp khó khăn nên chưa có tiền.

Rồi cứ thế, những tháng sau đó, cả bạn lẫn tiền vẫn bặt vô âm tín. Anh chị đã nhiều lần tìm đến nhà, đến cơ quan để hỏi, nhưng đến nhà thì cửa đóng, đến cơ quan thì hoặc là bạn trốn tránh hoặc là “đánh bài lỳ”.

Mấy năm trôi qua, anh chị vẫn ôm nỗi ấm ức, vừa mất tiền, vừa mất bạn, nhưng điều quan trọng hơn cả là họ cảm thấy mất đi những thứ rất lớn lao, đó là tình cảm, là sự tin tưởng dành cho nhau đã được xây dựng từ bao nhiêu năm tháng. Nhắc lại chuyện cũ, bạn tôi bảo, của đi thay người, coi như mua lấy bài học về niềm tin trong cuộc sống, dù nó đắt so với hoàn cảnh của mình.

Rất nhiều câu chuyện nhắc nhở nhau về việc mỗi người chúng ta cần cẩn trọng trong mọi việc, nhất là việc trao gửi niềm tin cho người khác. Tuy nhiên, cuộc sống có trăm ngàn tình huống khiến chúng ta không phải lúc nào cũng tỉnh táo. Vấn đề là, khi niềm tin của mình bị “đánh cắp”, mỗi người sẽ ứng xử thế nào để sớm cân bằng được tâm lý, vượt qua được sự tổn thương về tinh thần. Có người chọn cách bêu riếu kẻ lừa đảo cho hả lòng hả dạ, người chọn cách im lặng coi như một sự trả giá để mua lấy bài học và rút kinh nghiệm về sau, người lại chìm vào sự buồn bã u uất và mất hết niềm tin vào cuộc sống.

Cuộc sống vốn phức tạp, chọn cách sống thế nào tùy thuộc ở mỗi người. Có lúc, chúng ta lầm lỡ “để trái tim lên đầu”, rồi chuốc lấy những thương tổn. Nhưng, cũng đừng vì một lần niềm tin bị đặt nhầm chỗ mà chúng ta nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn chuyện xấu xa. Ông bà chẳng đã dạy “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chỉ cần trước mỗi quyết định hãy cân nhắc thật thận trọng để niềm tin của mình được đặt đúng chỗ.

Có thể bạn quan tâm

Sôi nổi phong trào "Luyện tay nghề-Thi thợ giỏi"

Sôi nổi phong trào "Luyện tay nghề-Thi thợ giỏi"

(GLO)- “Luyện tay nghề-Thi thợ giỏi” là phong trào truyền thống của ngành cao su trong và ngoài tỉnh Gia Lai. Không chỉ dấy lên không khí thi đua sôi nổi, phong trào còn góp phần trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và đào tạo đội ngũ công nhân vững lý thuyết, giỏi thực hành.

Các đảng viên, cán bộ, công chức xã Phú Cần sinh hoạt định kỳ hàng tuần việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Nam

Phú Cần áp dụng công nghệ số trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(GLO)- Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiệu quả, Đảng uỷ xã Phú Cần (huyện Krông Pa) đã áp dụng công nghệ thông qua phần mềm Kahoot (Phần mềm trắc nghiệm online miễn phí) và đã được đội ngũ cán bộ, công chức của xã đón nhận và hưởng ứng nhiệt tình.

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

(GLO)- Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được duy trì suốt 1 thập kỷ qua. Thông qua mô hình, phụ nữ Ia Rsai thực hành tiết kiệm để giúp người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn.

Khôn lỏi !

Khôn lỏi !

Hành vi trồng cây, xây dựng tạm trong phạm vi dự án để chờ đền bù thể hiện sự khôn lỏi, cố tình trục lợi bất chính từ chính sách của nhà nước.

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.