Đào Duy Phước thu tiền tỷ từ cánh đồng mía lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trải qua bao thăng trầm cùng cây mía, giờ đây gia đình ông Đào Duy Phước (thôn Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) trở thành “tỷ phú chân đất” với lãi ròng từ cây mía lên đến 2 tỷ đồng/năm.

Rời quê hương Bình Định lên huyện Phú Thiện lập nghiệp từ những năm 90 của thế kỷ trước, dù chịu khó làm ăn song do một thời gian dài chỉ biết đến cây lúa, cây mì, trong khi đất đai cằn cỗi, giá cả bấp bênh nên thu nhập của gia đình ông Phước chẳng dư giả là bao.

Từ năm 2010, khi nhà máy đường tại thị xã Ayun Pa (nay là Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai) mở rộng vùng nguyên liệu, ông chuyển đổi toàn bộ 5ha đất của gia đình sang trồng mía nguyên liệu.

z5902113901196-54dc7bbfca19f6a6c8c25b10ff3e4eac-2998.jpg
Là tỷ phú với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, ông Đào Duy Phước (thứ 2 từ trái sang) được bầu vào Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh giỏi huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Nhờ năng suất mía đạt cao, giá cả ổn định, cuộc sống của gia đình ông bắt đầu thay đổi. Có được ít vốn, ông dồn vào mua thêm đất trồng mía. Sau nhiều năm cố gắng, diện tích trồng mía của gia đình ông Phước lớn nhất nhì trong vùng với 80 ha. Bình quân mỗi năm, gia đình ông lãi 2 tỷ đồng sau khi trừ chi phí, trở thành "tỷ phú chân đất" tại địa phương

Nhìn cơ ngơi gia đình ông hôm nay, ít ai biết ông cũng từng nhiều phen lao đao cùng cây mía. Giai đoạn 2017-2020, giá mía xuống thấp, chỉ 700.000 đồng/tấn, nhiều người chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, riêng ông vẫn chọn gắn bó cùng cây mía, tích cực cải tạo đất, tăng năng suất để bù lại giá. Nhờ vậy, ông cầm cự được một thời gian dài.

Ông Phước bộc bạch: “Mình chọn chung thủy với cây mía vì đây là cây trồng không chỉ giúp gia đình mà còn hàng nghìn hộ dân thoát khỏi đói nghèo. Nếu vì khó khăn trước mắt mà bỏ vùng nguyên liệu thì có lỗi với nhà máy và lãng phí công sức của gia đình đã đổ vào cải tạo đất. Rồi còn hàng chục người thường xuyên làm công cho gia đình sẽ thất nghiệp. Bên cạnh đó, so với các cây trồng khác, cây mía có khả năng chịu được nắng hạn tốt hoặc mưa dài ngày. Mía nguyên liệu được nhà máy thu mua tận nơi nên không lo lắng đầu ra”.

Trời không phụ lòng người, từ năm 2020, giá mía nguyên liệu tăng cao trở lại giúp gia đình ông Phước cùng nhiều hộ dân trong vùng khấm khá. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai có nhiều chính sách hỗ trợ giúp người trồng mía yên tâm mở rộng diện tích.

Ông Phước cũng nhấn mạnh nguyên tắc trồng mía nhất định phải cày sâu bừa kỹ, xử lý đất trước khi trồng. Vì vậy, ông là một trong số ít hộ dân trong huyện tiên phong đầu tư hàng tỷ đồng mua máy móc, phương tiện để trồng mía thâm canh trên diện tích lớn. Hiện ông sở hữu 7 máy cày lớn vừa phục vụ sản xuất gia đình, vừa liên kết với nhà máy đảm nhận việc cày đất, bón phân, rạch hàng mía cho các hộ dân trong vùng nguyên liệu.

“Một sào mía nếu dùng cơ giới hóa chỉ tốn 200.000 đồng tiền dầu máy, nhưng nếu làm thủ công phải chi phí tới cả triệu đồng. Đã làm lớn thì phải chấp nhận tốn kém chi phí đầu tư ban đầu”-ông Phước phân tích.

z5901990612375-4c4f2cedc368217b36d3e961850d1f61-3768.jpg
Ông Đào Duy Phước (bìa phải) tham quan, hướng dẫn hội viên nông dân trong xã kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây mía. Ảnh: Vũ Chi

Bên cạnh đó, để mía đạt năng suất cao, ông chú trọng khâu chọn giống. Ông đặc biệt ưu tiên các giống chịu hạn cao, kháng bệnh tốt. Trước khi trồng, ông xử lý kỹ hom mía để loại bỏ các mầm bệnh.

Hơn 10 năm gắn bó với cây mía, giờ đây, ông Phước được nông dân huyện Phú Thiện ví như một chuyên gia luôn đi đầu trong áp dụng những giống mía năng suất cao và cơ giới hóa trong canh tác. Niên vụ mía 2023-2024, ông bán cho Công ty hơn 7.000 tấn mía nguyên liệu.

Ngoài trồng mía, hiện ông thuê thêm 10 ha đất trồng khoai môn sáp vàng. Mô hình kinh tế tổng hợp mang lại cho ông thu nhập hơn 3 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Bà con nông dân ngưỡng mộ ông không chỉ ông là hộ sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương, mà ông luôn gần gũi, hòa đồng với mọi người. Ông Đào Duy Tường (hội viên nông dân xã Ia Ake) chia sẻ: “Được ông Phước hướng dẫn kỹ thuật từ khâu chọn giống đến khâu chăm sóc, cày bừa, thu hoạch nên năng suất mía của gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong xã tăng cao. Nhờ vậy, thu nhập của người trồng mía được cải thiện, vùng nguyên liệu được giữ vững”.

Bà Phạm Thanh Nhàn-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Ake đánh giá: Không chỉ làm giàu cho bản thân mình, ông Phước còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập từ 200-300 nghìn đồng/ngày. Nhiều hộ dân được ông hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc đã có thể “sống khỏe” cùng cây mía.

Với kết quả đạt được, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” cấp tỉnh, giai đoạn 2017-2022.

Vừa qua, ông vinh dự là một trong 3 hội viên trong toàn tỉnh được Hội Nông dân tỉnh đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi và xây dựng Hội Nông dân vững mạnh toàn diện năm 2024.

Có thể bạn quan tâm

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.

Nhiều hộ dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi trâu. Ảnh: N.M

Nuôi trâu làm giàu cơ nghiệp

(GLO)- Cách đây hơn 40 năm, các hộ dân tộc Tày, Nùng từ một số tỉnh phía Bắc vào xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp đã mang theo tập quán chăn nuôi trâu để phục vụ sản xuất. Về sau, người dân chuyển sang nuôi trâu thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình.

Nhà máy Đường An Khê triển khai vụ ép mía 2024-2025. Ảnh: Ngọc Minh

Nhà máy Đường An Khê triển khai vụ ép mía 2024-2025

(GLO)- Sáng 27-11, Nhà máy Đường An Khê (tỉnh Gia Lai) triển khai công tác chuẩn bị vào vụ ép mía 2024-2025; phát động ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông đối với Nhà máy Đường An Khê, cá nhân kinh doanh vận tải niên vụ mía 2024-2025.