Đak Đoa phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) tập trung đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi, xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết… Qua đó, huyện hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Phát triển hệ thống đường giao thông nội đồng

Đak Đoa có lợi thế rất lớn để phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả cùng các loại cây trồng ngắn ngày như lúa nước, bắp, khoai lang... Những năm gần đây, huyện tập trung các nguồn lực hỗ trợ người dân, các hợp tác xã phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Trong đó, huyện ưu tiên xây dựng hệ thống đường giao thông nội đồng, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi vừa và nhỏ phục vụ nước tưới cho người dân sản xuất. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, từ nguồn vốn bảo vệ đất lúa, huyện đã đầu tư xây dựng 22 tuyến đường ra khu sản xuất ở các xã, thị trấn đáp ứng nhu cầu vận chuyển vật tư nông nghiệp, hàng hóa cho người dân.

Thi công đường nội đồng xã A Dơk (huyện Đak Đoa). Ảnh: Nguyễn Diệp
Thi công đường nội đồng xã A Dơk (huyện Đak Đoa). Ảnh: Nguyễn Diệp


Ông Byuih-Phó Trưởng thôn Dơk Rơng (xã Glar) cho biết: “Tôi trồng 5 sào lúa nước trên cánh đồng Glar, trước đây muốn vận chuyển vật tư từ nhà ra đồng và ngược lại rất khó khăn bởi đường đất hẹp, lầy lội. Từ năm 2018 đến nay, huyện đầu tư xây dựng các tuyến đường ra cánh đồng nên bà con trong làng rất phấn khởi. Nhiều hộ sinh sống dọc tuyến đường đã hiến đất, tiền và đóng góp ngày công lao động để mở rộng mặt đường, tạo thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển nông sản, vật tư ra khu sản xuất. Đây là chủ trương đúng đắn, người dân được hưởng lợi rất nhiều trong sản xuất nông nghiệp”.

Còn ông Bùi Quang Thoại-Phó Chủ tịch UBND xã Glar-cho hay: “Nhờ những tuyến đường nội đồng được đầu tư cứng hóa nên người dân trong xã chủ động chăm sóc cây trồng cũng như vận chuyển nông sản thuận lợi hơn rất nhiều. Chi phí sản xuất theo đó đã giảm, thu nhập của người dân tăng đáng kể”.

Xây dựng chuỗi liên kết trên các cây trồng chủ lực

Cùng với đầu tư làm đường giao thông nội đồng và nâng cấp, sửa chữa hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi, ngành Nông nghiệp huyện Đak Đoa tiếp tục củng cố các chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp trên những loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, lúa nước 2 vụ, cây ăn quả… Đặc biệt, hàng tháng, huyện tổ chức phiên chợ nông sản an toàn để quảng bá, giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, trong năm 2021, từ nguồn vốn hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa khoảng 3,5 tỷ đồng, ngành Nông nghiệp huyện đầu tư cho 2.390 hộ nông dân ở 4 xã Ia Pết, Glar, Hà Bầu và Hnol sản xuất giống lúa nước ĐT100 và HN06 theo mô hình cánh đồng một giống với diện tích khoảng 920 ha, hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo Đak Đoa trong những năm tới.

 Nông dân xã A Dơk (huyện Đak Đoa) chuẩn bị đất sản xuất vụ mùa 2021. Ảnh: Nguyễn Diệp
Nông dân xã A Dơk (huyện Đak Đoa) chuẩn bị đất sản xuất vụ mùa 2021. Ảnh: Nguyễn Diệp


Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: “Những năm qua, huyện rất quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Theo đó, hàng năm, từ các nguồn vốn hỗ trợ khác nhau, huyện tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất như đường giao thông nội đồng, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi; xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho người dân học tập áp dụng. Bên cạnh đó, huyện mời các doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết với người dân sản xuất những cây trồng có thế mạnh như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả…

Đặc biệt, để thay thế các giống lúa nước đang dần thoái hóa, năm nay, huyện tập trung sản xuất cánh đồng một giống để hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo Đak Đoa. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang phối hợp Tập đoàn Lộc Trời khảo sát xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất cây trồng giúp người dân sản xuất theo hướng bền vững”.
 

 NGUYỄN DIỆP
 

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.