Đài tưởng niệm Khâm Thiên: Chứng tích về tội ác của quân đội Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi lần ra Hà Nội, tôi đều đến viếng Đài tưởng niệm Khâm Thiên. Ngay trước cổng đài tưởng niệm ghi dòng chữ màu đỏ: “Tượng đài căm thù giặc Mỹ phường Khâm Thiên là nơi tố cáo tội ác dã man của đế quốc Mỹ. Nơi tưởng niệm đồng bào ở phố Khâm Thiên đã bị máy bay B-52 của đế quốc Mỹ ném bom rải thảm vào hồi 22 giờ 45 phút ngày 26-12-1972, làm chết 287 người và bị thương 290 người dân vô tội, phá hủy hoàn toàn 534 ngôi nhà, làm hư hỏng 1.200 ngôi nhà khác”.
Với mục đích tàn độc là đưa Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá, đồng thời gây sức ép buộc Việt Nam phải chấp nhận ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam theo hướng có lợi cho mình, đế quốc Mỹ đã tiến hành Chiến dịch Linebacker II, diễn ra từ ngày 18-12 đến 30-12-1972. Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Richard Milhous Nixon đã ra lệnh cho không lực Hoa Kỳ sử dụng hàng trăm “siêu pháo đài bay B-52” trút mưa bom xuống hủy diệt Hà Nội. Thế nhưng, với sự sáng tạo tuyệt vời, cách đánh quả cảm, quyết tử bảo vệ Thủ đô, bộ đội Phòng không-Không quân Việt Nam đã chống trả quyết liệt và bắn hạ 1 chiếc máy bay chiến lược B-52 của Mỹ ngay trong trận đánh đầu tiên. Một phần của chiếc máy bay đó đã rơi xuống hồ Ngọc Hà (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội ngày nay). Tuy vậy, máy bay chiến lược B-52 của đế quốc Mỹ vẫn điên cuồng tấn công vào không phận Hà Nội, thi nhau oanh tạc các khu vực có đông người như: Bệnh viện Bạch Mai, Ga Hàng Cỏ (Ga Hà Nội), cầu Long Biên, phố Lý Thường Kiệt, phố Khâm Thiên...
Phố Khâm Thiên là vùng đất văn hiến thuộc làng Thổ Quan và làng An Hòa, ở trung tâm Hà Nội. Người dân trong khu phố đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, anh dũng dựng nước và giữ nước. Ngày 17-6-1929, Hội nghị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng tổ chức trong ngôi nhà số 312, phố Khâm Thiên. Tại đây, Điều lệ, Chính cương và Tuyên ngôn của Đảng chính thức được công bố, phát hành. Tờ báo Búa Liềm-cơ quan Trung ương của Đảng và các tổ chức quần chúng của Đảng lần lượt ra đời trong khu phố này. 
Đài tưởng niệm Khâm Thiên. Ảnh: Hoàng Thùy
Đài tưởng niệm Khâm Thiên. Ảnh: Hoàng Thùy
Ngày 26-12-1972, đế quốc Mỹ huy động rất nhiều máy bay chiến lược B-52 tập kích liên tiếp xuống nơi này làm hàng trăm gia đình phải chịu cảnh tang thương, nhiều gia đình cả nhà không còn ai sống sót, đặc biệt 3 ngôi nhà ở liền kề với nhau (số 47, 49 và 51) trúng bom nhiều lần, bị xóa sổ toàn bộ. Chính vì vậy, người dân Hà Nội còn gọi phố Khâm Thiên là “phố vắng 3 số nhà”. Ngày 25-5-1973, Ủy ban Hành chính TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 47 về xây dựng Khu di tích Khâm Thiên tại khu đất rộng hơn 300 m2 của 3 ngôi nhà bị máy bay chiến lược B-52 san bằng. Năm 1975, Khu di tích Khâm Thiên được công nhận là khu di tích lịch sử-văn hóa cấp thành phố. Sau đó, khu di tích này được tu sửa và đổi tên thành Đài tưởng niệm Khâm Thiên. 
Người dân phường Khâm Thiên vẫn thường xuyên kể cho nhau nghe những chuyện kinh hoàng, đau thương xảy ra trong đêm 26-12-1972 (còn gọi là đêm B-52 Khâm Thiên). Ngay khi nghe còi báo động của lực lượng Phòng không-Không quân là những tiếng nổ long trời lở đất, biến cả khu phố Khâm Thiên chìm trong biển lửa. Có người mẹ chưa kịp sinh con đã bị vùi lấp cả mẹ lẫn con trong đống đổ nát. Có 2 mẹ con ở trong ngôi nhà số 47 bị sức ép bom B-52 cướp đi mạng sống. Người mẹ dù đã chết, nhưng vẫn còn ôm đứa con trong vòng tay, cố che chở cho con. Còn người con đã qua đời, nhưng 2 cánh tay vẫn  bám vào chân mẹ. Nhiều lần nghe kể về những hình ảnh cảm động, xót thương đó, họa sĩ Nguyễn Tự đã cảm xúc và cho ra đời bức tượng chân dung người phụ nữ Hà Nội cao gần 2 m, đứng hiên ngang đưa 2 tay bế con, nhưng đôi mắt lộ rõ nét căm thù nhìn thẳng ra phía trước, chân đạp lên quả bom B-52 như một chứng tích in dấu tội ác của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Bức tượng này đặt thẳng đứng, trang trọng, sừng sững giữa trung tâm Khu di tích lịch sử-văn hóa Khâm Thiên. Trên đầu bức tượng có dòng chữ màu máu: “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ 26-12-1972”.
Mỗi lần tới thăm viếng Đài tưởng niệm Khâm Thiên, tôi đều thấy rất đông du khách đến dâng hoa, thắp nến tưởng niệm, lặng người cầu nguyện trước bức tượng người phụ nữ bế đứa con trên 2 cánh tay. Cảnh tượng đó làm nhiều người tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống, nhắc nhở về những đau thương không thể lãng quên, nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc. Bà Nguyễn Thị Thu Minh-người thường xuyên quét dọn vệ sinh Khu di tích lịch sử-văn hóa Khâm Thiên-cho biết: “Các chính trị gia, các nhà nghiên cứu, các đoàn khách trong và ngoài nước thường xuyên đến viếng Đài tưởng niệm Khâm Thiên. Phường Khâm Thiên cử người tiếp đón, giới thiệu di tích, đặc biệt chủ động kế hoạch chỉnh trang khu di tích để tổ chức kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” trang trọng, chu đáo”.
HOÀNG CƯ

Có thể bạn quan tâm

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương dâng hương Anh hùng liệt sĩ Đỗ Trạc và các liệt sĩ tại xã Cửu An

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương dâng hương Anh hùng liệt sĩ Đỗ Trạc và các liệt sĩ tại xã Cửu An

(GLO)- Nhân chuyến công tác tại thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), chiều 19-2, đoàn công tác của tỉnh do Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương làm trưởng đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương tại Đền thờ liệt sĩ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Trạc và các liệt sĩ-xã Cửu An.

Chị Trần Diễm Trinh trong một buổi học vẽ để cân bằng cảm xúc

Cảnh giác với hội chứng trầm cảm cười

(GLO)- Với “lá chắn cảm xúc” dựng nên từ sự vui vẻ, tích cực tham gia các hoạt động tập thể, thậm chí hoàn thành tốt công việc, một số người đã khiến không ít người xung quanh bất ngờ khi biết họ rơi vào rối loạn trầm cảm kéo dài trước đó.

Con trăn gấm trong Công viên Diên Hồng (TP. Pleiku) đã được đưa về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh để chăm sóc trước khi thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: N.D

Chung tay bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm

(GLO)- Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đã tự nguyện giao nộp nhiều cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm để các cơ quan chuyên môn chăm sóc trước khi thả về môi trường tự nhiên. Đây là hành động chung tay bảo vệ động vật hoang dã, góp phần bảo tồn loài gắn với đa dạng sinh học.

Thu gom phế liệu để làm từ thiện

Thu gom phế liệu để làm từ thiện

(GLO)- Sau hơn 5 tháng hoạt động, mô hình “Thu gom phế liệu làm từ thiện” do 8 hội viên phụ nữ ở tổ 4 (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) triển khai đã trao 23 phần quà cho các hoàn cảnh khó khăn, đồng thời góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân trên địa bàn.

Ông Ksor Khem (thứ 3 từ trái sang, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hiao) phấn khởi chia sẻ với bà con về kết quả xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ảnh: Vũ Chi

Bôn H'Liếp đạt chuẩn nông thôn mới

(GLO)- Bôn H’Liếp (xã Ia Sao) và bôn Hiao (xã Chư Băh) của thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) như bừng lên sức sống mới với những con đường bê tông rộng rãi, rợp bóng cờ. Người dân ai cũng phấn khởi, hân hoan vì sau bao nỗ lực, bôn đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Sẵn sàng ứng phó với hạn hán, cháy rừng

Sẵn sàng ứng phó với hạn hán, cháy rừng

(GLO)- Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, mùa khô 2024-2025, nắng nóng kéo dài gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sản xuất và nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Liên quan đến vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

Họp tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tháng 2-2025

Họp tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tháng 2-2025

(GLO)- Chiều 13-2, tại Hà Nội, Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) tổ chức phiên họp triển khai Đề án 06 Chính phủ tháng 2-2025.

Pleiku khẩn trương xóa nhà tạm, nhà dột nát

Pleiku khẩn trương xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Cùng với cả nước, TP. Pleiku đã và đang huy động nhiều nguồn lực tập trung triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn với tinh thần khẩn trương, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30-4-2025.