Chuyển đổi số để nâng tầm giá trị nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Gia Lai đặc biệt chú trọng đến chuyển đổi số (CĐS) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và vị thế nông sản của địa phương trên thị trường.

Từng bước số hóa sản xuất nông nghiệp

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Những năm gần đây, giá cà phê liên tục tăng và xác lập nhiều kỷ lục mới đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân. Chính vì thế, tư duy sản xuất cà phê theo kiểu truyền thống đã được thay đổi và ngày càng có nhiều người dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, CĐS vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản chủ lực này.

Thời gian qua, bên cạnh đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh (xã Glar, huyện Đak Đoa) đã đẩy mạnh CĐS nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản.

Theo Giám đốc HTX Lê Hữu Anh: Từ khi thành lập đến nay, HTX không ngừng liên kết với người dân để mở rộng vùng nguyên liệu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng bền vững nhằm xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Cụ thể, HTX đã liên kết với 37 hộ cùng sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, tạo vùng nguyên liệu ổn định để xây dựng sản phẩm cà phê mang thương hiệu Slar Land Coffee và được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 3 sao năm 2020.

Ngoài ra, HTX còn xây dựng thêm sản phẩm cà phê phin giấy được công nhận OCOP 4 sao. Đây là tiền đề quan trọng thúc đẩy người dân cùng HTX sản xuất, chế biến những sản phẩm cà phê sạch chất lượng cao để nâng tầm giá trị trên thị trường và tăng thu nhập.

hop-tac-xa-nong-nghiep-va-dich-vu-lam-anh-huyen-dak-doa-dang-lien-ket-voi-to-hop-tac-san-xuat-ca-phe-4c-anh-vt.jpg
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh (huyện Đak Đoa) đang liên kết với tổ hợp tác sản xuất cà phê 4C. Ảnh: V.T

“Bên cạnh chú trọng liên kết sản xuất theo các tiêu chuẩn, HTX còn đẩy mạnh ứng dụng CĐS trong các khâu sản xuất như sử dụng nhật ký điện tử để ghi chép quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Đồng thời, HTX hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu phần mềm cũng như tập huấn kỹ thuật cho 37 hộ liên kết áp dụng và công khai thông tin sản phẩm trên website của HTX, khách hàng chỉ cần truy cập vào sẽ biết nguồn gốc sản phẩm.

Ngoài ra, các hộ dân cũng đã chủ động sử dụng máy bay không người lái trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bằng những chế phẩm sinh học hữu cơ với chi phí vừa rẻ, vừa đảm bảo sức khỏe, tiết kiệm so với cách làm truyền thống và nâng cao hiệu quả sản xuất”-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh thông tin.

Là một trong những hộ tham gia chuỗi liên kết, ông Uê (làng Tuơh Klah, xã Glar) cho biết: “Từ khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất cà phê 4C, tôi được tập huấn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, CĐS trong quá trình chăm sóc, theo dõi vườn cà phê rất khoa học. Nhờ đó, 2 ha cà phê của gia đình đạt năng suất 7-8 tấn/năm, giá bán luôn cao hơn thị trường 100-200 ngàn đồng/kg”.

Những năm gần đây, Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai (AgriS Gia Lai) đã chủ động triển khai các giải pháp CĐS trong vùng nguyên liệu từ khâu quản lý đến đầu tư, hướng dẫn người dân cách canh tác mía thông minh qua các ứng dụng phần mềm. Cụ thể, Công ty sử dụng phần mềm Map info để quản lý từng lô, thửa mía về ngày trồng, giống mía ở từng địa phương trong vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, đến vụ thu hoạch, AgriS Gia Lai sử dụng phần mềm TMS quản lý xe vận chuyển mía nhằm kiểm soát chi phí, thu hoạch, vận chuyển đúng lô, thửa của những hộ trồng mía đã ký kết hợp đồng tiêu thụ.

Bà Trần Thị Lê-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai-chia sẻ: Chuyển đổi số là một trong những giải pháp được Công ty triển khai rộng rãi trong vùng nguyên liệu hơn 15.000 ha nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và thu nhập cho người trồng mía.

Chúng tôi không ngừng cải tiến quy trình quản lý, giải pháp đầu tư thông qua các phần mềm theo dõi chặt chẽ từ ruộng mía, vốn đầu tư chăm sóc, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, vận chuyển… nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cho người trồng mía.

2.jpg
Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai ứng dụng drone để phun các chế phẩm sinh học kích thích cây mía phát triển (ảnh đơn vị cung cấp).

“Hiện nay, AgriS Gia Lai đang xây dựng bản đồ dinh dưỡng đất, tư vấn quản lý dinh dưỡng cây trồng, sử dụng các sản phẩm phân bón và quản lý, bảo vệ thực vật toàn diện cho đồng ruộng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng mía.

Công ty cũng đẩy mạnh áp dụng các giải pháp về cơ giới hóa trong nông nghiệp như: tưới, quản lý đồng ruộng bằng hồ sơ nông trường điện tử; thám sát đồng ruộng bằng công nghệ viễn thám”-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai khẳng định.

Kỳ vọng sàn thương mại điện tử

Toàn tỉnh hiện có 454 sản phẩm OCOP, trong đó, 1 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, 67 sản phẩm 4 sao và 386 sản phẩm 3 sao. Những năm gần đây, các chủ thể sản phẩm OCOP đã chú trọng đầu tư hoàn thiện sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, sản phẩm OCOP được các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại cũng như giới thiệu, bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ được mở rộng, hiệu quả sản xuất nâng lên rõ rệt.

1.jpg
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng cà phê. Ảnh: Đ.T

Chị Trần Thị Diễm Kiều-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bò khô Huy Vũ (huyện Đak Đoa) cho hay: Các sản phẩm bò khô của Công ty đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Ngoài tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, Công ty còn quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop…

Đặc biệt, Công ty cũng tham gia quảng bá sản phẩm tại gian hàng trực tuyến trên nền tảng công nghệ 3D. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ ngày một mở rộng, không chỉ khách hàng lẻ mà nhiều nhà phân phối trên khắp cả nước cũng tìm đến đặt hàng.

Theo ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đak Đoa: Bên cạnh chú trọng đẩy mạnh CĐS trong ngành nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản, huyện chú trọng hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, tem truy xuất nguồn gốc… nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Đặc biệt, để mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương, huyện cũng đã định kỳ tổ chức phiên chợ nông sản, xây dựng website giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương và hướng dẫn chủ thể tham gia các sàn thương mại điện tử…

chuyen-doi-so-giup-nhieu-khach-hang-thay-doi-goc-nhin-voi-nong-san-gia-lai-anh-tn.jpg
Chuyển đổi số giúp nhiều khách hàng thay đổi góc nhìn với nông sản Gia Lai. Ảnh: T.N

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường-cho biết: Cùng với tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ số của ngành, Sở cũng được Bộ Nông nghiệp và Môi trường chuyển giao đồng bộ các hệ thống phần mềm quản lý về cây trồng, sâu bệnh gây hại, phòng cháy, chữa cháy rừng…

Cùng với đó, Sở cũng chú trọng hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm và nâng cao uy tín cho nông sản Gia Lai trên thị trường. Tính đến nay, tỉnh đã cấp 227 mã số vùng trồng với tổng diện tích 9.668,7 ha và 38 mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu với tổng công suất 1.550-1.700 tấn quả tươi/ngày.

“Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông-lâm nghiệp; hướng dẫn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, gắn mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đảm bảo yêu cầu tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, xây dựng và phát triển các hình thức hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín với sự vào cuộc quyết liệt của 4 nhà (Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, nông dân). Hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đưa sản phẩm nông-lâm-thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đạt OCOP lên các sàn thương mại điện tử.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống dữ liệu nông nghiệp, bao gồm dữ liệu về đất đai, sản xuất nông-lâm nghiệp, cây trồng, vật nuôi, vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cung ứng dịch vụ nông nghiệp, tạo điều kiện tương tác giữa doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp ở xa.

Ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ cảm biến, công nghệ nano, tiết kiệm phân bón, công nghệ máy bay không người lái trong sản xuất và giám sát sản xuất nông nghiệp”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường nêu giải pháp.

Có thể bạn quan tâm

Giá cà phê xuất khẩu tăng 67,6%

Giá cà phê xuất khẩu tăng 67,6%

(GLO)- Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu 666 ngàn tấn cà phê, trị giá 3,8 tỷ USD (giảm 9,4% về lượng nhưng tăng 51,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024).

Thúc đẩy phát triển kinh tế số

Thúc đẩy phát triển kinh tế số

(GLO)- Công nghệ thông tin và các nền tảng số đang từng bước được ứng dụng sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp tại Gia Lai, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh.