Sau một thời gian triển khai, mô hình đã cảm hóa được nhiều người lầm lỡ, góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa bàn.
Chỉ vì nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, ông Siu Cheng (SN 1979, làng Kuăi, xã Ia Blứ) đã tin theo các đối tượng FULRO lưu vong và có nhiều hoạt động trái pháp luật, rồi vượt biên sang Campuchia.
Với các hành vi vi phạm, ông Cheng bị kết án 7 tháng tù. Năm 2015, khi mãn hạn tù trở về, ông Cheng luôn cảm thấy xấu hổ, mặc cảm, tự ti và không muốn ra khỏi nhà, cũng không muốn gặp gỡ bất kỳ ai.
Nắm bắt được điều này, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là cán bộ Hội CCB đã đến gặp gỡ, động viên nhằm giúp ông Cheng vượt qua mặc cảm để tái hòa nhập với cộng đồng.
Sau một thời gian được giúp đỡ, ông Cheng không chỉ vượt qua được mặc cảm mà còn trở thành người có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Kuăi.
“Được các CCB phân tích, khuyên nhủ, tôi đã nhận ra những việc làm sai trái của mình. Từ đó, tôi quyết tâm chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Tôi cũng thường xuyên lấy bài học của mình để vận động bà con dân làng không nghe, không tin theo kẻ xấu nữa”-ông Cheng chia sẻ.

Năm 2003, cũng vì thiếu hiểu biết mà ông Siu Lê (cùng làng Kuăi) đã tiếp tay cho bọn phản động FULRO làm nhiều việc xấu nên phải bỏ trốn vào rừng sinh sống. Nắm được tình hình, Hội CCB huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động thuyết phục ông trở về với gia đình.
Không những vậy, Hội còn hướng dẫn, hỗ trợ ông làm thủ tục vay vốn tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua bò giống, máy móc phục vụ sản xuất. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình ông từng bước ổn định.
Cũng nhờ sự tận tâm, đồng hành của hội viên CCB các cấp, ông Rah Lan Bel (làng Tao Klah, xã Ia Rong) đã nhận ra được lỗi lầm của bản thân, từ bỏ “Tin lành Đê ga”, chăm lo phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng.
Ông Bùi Thế Biển-Chủ tịch Hội CCB xã Ia Rong-cho biết: “Ông Bel đã vượt qua mặc cảm tự ti, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, chăm lo làm ăn, nuôi dạy con cái nên người.
Để ông Bel tin và quyết tâm làm lại cuộc đời, các hội viên CCB không ngừng kèm cặp, thuyết phục và giúp đỡ bằng tình cảm như một người thân trong gia đình. Đồng thời, hướng dẫn ông Bel tổ chức lại cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình và tham gia các hoạt động của làng”.
Mô hình “8+1” được Hội CCB huyện Chư Pưh triển khai sâu rộng trong toàn huyện từ năm 2015 đến nay và mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, các cấp Hội đã giúp đỡ 92 đối tượng lầm lỡ hoàn lương, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tuyên truyền, vận động hơn 70 hộ dân với 355 khẩu ở làng Chư Bố 2 (xã Ia Phang) từ bỏ “Tin lành Đê ga” chuyển sang sinh hoạt tôn giáo được Nhà nước công nhận.
Ngoài ra, Hội còn giúp các làng: Tai Pêr (xã Ia Hla), Plei Lao (thị trấn Nhơn Hòa) và Chư Bố 2 từ làng trọng điểm về an ninh chính trị trở thành làng văn hóa.

Theo ông Chu Xuân Toàn-Chủ tịch Hội CCB huyện Chư Pưh: “Năm 2015, Ban Chấp hành Hội CCB huyện đã xây dựng mô hình “8+1” để giúp đỡ những người lầm lỡ.
Đối với những đối tượng cốt cán FULRO, chúng tôi phân công những hội viên lớn tuổi, am hiểu về chính trị và có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động để tiếp cận giáo dục, giác ngộ, cảm hóa theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Đối với các hộ khó khăn về kinh tế thì tìm cách trao đổi, hướng dẫn thủ tục vay vốn để phát triển sản xuất.
Ban đầu, phải tạo cảm giác gần gũi, tin tưởng và thân thiết như người thân trong gia đình để việc tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả cao hơn”.
Chủ tịch Hội CCB huyện Chư Pưh khẳng định: Mô hình “8+1” không chỉ mang lại hiệu quả tích cực trong công tác vận động, cảm hóa và giúp đỡ những người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng mà còn góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.