Phú Thiện thắp sáng ước mơ hoàn lương cho thanh niên lầm lỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đã thắp sáng ước mơ hoàn lương cho các thanh niên lầm lỡ tại thị trấn Phú Thiện (tỉnh Gia Lai), giúp họ đầu tư phát triển sản xuất, ổn định thu nhập, xây dựng cuộc sống mới.

Từ cuối năm 2023 đến nay, Công an thị trấn Phú Thiện phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Anh Vũ Thành Thắng (tổ 3, thị trấn Phú Thiện) chăm chỉ làm việc sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: H.H

Anh Vũ Thành Thắng (tổ 3, thị trấn Phú Thiện) chăm chỉ làm việc sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: H.H

Sau thời gian chấp hành án phạt tù, anh Vũ Thành Thắng (tổ 3, thị trấn Phú Thiện) trở về địa phương sống cùng gia đình. Mặc dù đã cố gắng ổn định cuộc sống bằng nghề buôn bán nhưng do thiếu vốn, anh không thể sửa sang lại quán ăn nhỏ và mua nguyên liệu để kinh doanh.

Với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền và lực lượng Công an địa phương, tháng 4-2024, anh Thắng được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải ngân cho vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg.

Anh Thắng xúc động nói: “Tôi tái hòa nhập cộng đồng với bàn tay trắng, không biết bám víu vào ai, lại mang theo mặc cảm của người từng ở tù. Lúc đầu, mọi người nhìn tôi với ánh mắt thiếu thiện cảm, không ai tin tưởng cho tôi vay tiền. Vậy nên, khi được chính quyền và lực lượng Công an hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tôi rất mừng. Số tiền này giúp tôi có cơ hội làm lại cuộc đời”.

Nhờ nguồn vốn vay, anh Thắng không chỉ sửa sang lại quán ăn mà còn mua thêm 6 sào đất để trồng dừa, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Thấy chồng có sự thay đổi tích cực, khát khao làm lại cuộc đời, chị Hoàng Thị Lý bày tỏ: “Tôi rất mừng khi thấy chồng chăm chỉ làm việc và học hỏi các mô hình phát triển kinh tế. Tôi luôn động viên chồng cố gắng tích tiểu thành đại, phải làm từ việc nhỏ mới thành việc lớn”.

Anh Kpăh Tõn không chỉ hoàn lương mà còn thường xuyên vận động thanh niên trong làng không được vào con đường phạm tội. Ảnh: H.H

Anh Kpăh Tõn không chỉ hoàn lương mà còn thường xuyên vận động thanh niên trong làng không được vào con đường phạm tội. Ảnh: H.H

Tương tự, anh Kpăh Tõn (tổ 2, thị trấn Phú Thiện) cũng là một trường hợp điển hình về tái hòa nhập cộng đồng. Sau khi chấp hành xong án phạt tù, anh mạnh dạn đăng ký vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua đất trồng mì.

Anh Tõn chia sẻ: “Mãn hạn tù trở về nhà, mình rất mừng nhưng lại không có tiền để đầu tư làm ăn. Sau đó, nhờ các cán bộ Công an thị trấn tuyên truyền, vận động tham gia mô hình cho vay “Thắp sáng niềm tin”, mình đã đăng ký vay vốn. Được giải ngân 50 triệu đồng vốn ưu đãi, mình mua 1 ha đất trồng mì. Bây giờ, mình chỉ lo làm ăn thôi. Ngoài chăm sóc rẫy mì của gia đình, ai thuê chặt cây, làm cỏ, bón phân ở đâu mình cũng đi. Mình cố gắng làm lụng kiếm thêm tiền để lo cho con đi học đầy đủ, mai này có cuộc sống tươi sáng hơn”.

Với sự quan tâm, động viên của chính quyền và sự hỗ trợ từ gia đình, anh Tõn dần vơi đi mặc cảm. Giờ đây, anh không chỉ sở hữu rẫy mì 1 ha mà còn có thu nhập bình quân 3-4 triệu đồng/tháng từ công việc làm thuê. Hàng tháng, anh trả đủ số tiền lãi vay ngân hàng và có ý thức tiết kiệm chi tiêu để từng bước tích lũy nhằm vun đắp tương lai.

Trao đổi với P.V, Trung tá Lê Trọng Vương-Trưởng Công an thị trấn Phú Thiện-cho biết: “Đơn vị thường xuyên thăm hỏi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh của những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, chăm chỉ làm ăn, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, đơn vị rà soát, hướng dẫn các trường hợp này tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất”.

Trưởng Công an thị trấn Phú Thiện chia sẻ thêm: Để mô hình “Thắp sáng niềm tin” được triển khai hiệu quả, ngay khi Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg có hiệu lực, lãnh đạo Công an huyện đã chỉ đạo Công an thị trấn Phú Thiện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan tuyên truyền, hướng dẫn cho các trường hợp chấp hành xong án phạt tù tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách.

Trong số 31 trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, hầu hết đều có nhu cầu vay vốn để làm ăn, khát khao làm lại cuộc đời. “Đối với các trường hợp này, ngoài việc trực tiếp gặp gỡ, giáo dục, động viên để họ xóa bỏ mặc cảm, cán bộ Công an còn thường xuyên hướng dẫn họ làm ăn, biết tích lũy để có thêm niềm tin, động lực vươn lên trong cuộc sống”-Trung tá Vương nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

“Rượu vang” Tây Nguyên

“Rượu vang” Tây Nguyên

(GLO)- Từ những loại quả thưởng thức cho “vui” miệng, gắn với ký ức tuổi thơ của không ít người Tây Nguyên, giới yêu ẩm thực phố núi Pleiku đã sáng tạo nên dòng rượu vang cao nguyên hấp dẫn mang tên boh chieng lai, chòi mòi (boh kchil).
Xơ mướp 'đi Tây'

Xơ mướp 'đi Tây'

Chỉ sau 2 năm khởi nghiệp, các sản phẩm độc đáo từ xơ mướp của chị Võ Thị Ngọc Thư (SN 1984, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đã xuất ngoại và được ưa chuộng tại các thị trường như Mỹ, Canada, châu Âu.
Siu Phớt: Chi hội trưởng phụ nữ “hai giỏi”

Siu Phớt: Chi hội trưởng phụ nữ “hai giỏi”

(GLO)- Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Khối Zét (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), chị Siu Phớt không chỉ trách nhiệm với công tác Hội mà còn là điển hình trong phát triển kinh tế gia đình. Chị là tấm gương phụ nữ “hai giỏi” của địa phương.
Gen Z thời hiện đại, không ngại từ chối

Gen Z thời hiện đại, không ngại từ chối

Sẵn sàng nói "không" trước những nhiệm vụ không thuộc trách nhiệm của mình như một cách để cấp trên đánh giá mình là người làm việc có chọn lọc, sáng suốt. Đây cũng được coi là một trong những đặc trưng khi nói về phong cách làm việc của gen Z thời nay.