Cuối tháng 6-2025, anh Trần Tài đã xuất sắc mang về 1 huy chương vàng và 1 huy chương đồng tại Malaysia Culinary World Cup 2025 (Cúp Ẩm thực thế giới 2025).
Từ gian bếp nhỏ đến sân chơi thể thao
Đến với nghề bằng động cơ tự nhận là “khá ngây ngô”, Trần Tài lại tìm thấy đam mê lớn nhất đời mình nơi gian bếp. Đại diện Việt Nam tại Cúp Ẩm thực Thế giới 2025, anh chinh phục bạn bè quốc tế bằng hương vị Việt đương đại và lòng kiên định được tôi luyện qua những đêm trắng bên bếp lửa.

● Khoảnh khắc nào giúp anh biết mình sẽ theo nghề đầu bếp lâu dài?
- Tôi bén duyên với nghề đầu bếp từ năm 2007, khi đang là chàng trai trẻ mang trong lòng một ước mơ đơn giản “Học nấu ăn để chinh phục cha của bạn gái sau này”.
Nhưng từ ý định đầy hài hước ấy, tôi dần nhận ra mình thật sự yêu nghề, yêu gian bếp và từng món ăn mình nấu ra. Khoảnh khắc tôi biết chắc mình sẽ theo nghề lâu dài là khi tự tay nấu những bữa cơm ngon, khiến người thân hài lòng, trái tim tôi reo vui như vừa hoàn thành một bản nhạc hay.
● Chia sẻ một chút về cơ duyên đưa anh đến với Cúp Ẩm thực Thế giới 2025 tại Malaysia nhé?
- Tháng 4.2025, tôi tham dự cuộc thi Master Chef of Foodex tại TP Hồ Chí Minh và may mắn giành được HCĐ. Tưởng chừng đó đã là một dấu mốc đáng nhớ, nhưng niềm vui còn nhân lên khi tôi chính thức nhận được lời mời từ Ban tổ chức Malaysia Culinary World Cup 2025 - một sân chơi lớn quy tụ hơn 900 đầu bếp đến từ 25 quốc gia.
Lần đầu tiên tôi đại diện Việt Nam bước ra đấu trường quốc tế, tranh tài ở hạng mục hai món nóng, với thời gian chế biến 45 phút mỗi món. Tôi chọn theo đuổi ý tưởng “Ẩm thực Việt đương đại”, khai thác nguyên liệu bản địa theo hướng sáng tạo và chuyên nghiệp. Món vịt đã mang về cho tôi HCV, món cá giành HCĐ. Cả hai đều là những nguyên liệu rất đỗi thân quen trong bữa cơm người Việt.
● Khoảnh khắc bước lên bục nhận huy chương tại Malaysia, mang trên mình lá cờ Việt Nam, điều gì khiến anh xúc động nhất?
- HCV và HCĐ tại Cúp Ẩm thực Thế giới 2025 là thành quả của một hành trình bền bỉ, không chỉ khẳng định năng lực cá nhân tôi mà còn là niềm tự hào dành cho những ai đang âm thầm làm nghề bếp, đặc biệt là những người trưởng thành từ con đường học nghề như tôi.
Khoảnh khắc đại diện Việt Nam bước lên bục nhận giải giữa hàng trăm đầu bếp đến từ 25 quốc gia, cảm xúc dâng trào không phải vì danh hiệu, mà vì tôi biết: Những gì mình nấu đã được ghi nhận. Điều đó đầy ý nghĩa.
Tôi biết ơn sự đồng hành của Hiệp hội Siêu đầu bếp Việt Nam, Hội Văn hóa Ẩm thực Bình Định, Nhà hàng Lagoo Drink & Chill, thầy cô Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn và cả đoàn Việt Nam. Chính họ đã tiếp thêm cho tôi niềm tin để kể câu chuyện ẩm thực quê hương bằng ngôn ngữ của đam mê và sáng tạo.
● Quá trình luyện tập, chuẩn bị cho cuộc thi chắc hẳn không đơn giản. Anh có thể chia sẻ một số kỷ niệm đáng nhớ?
- Đằng sau mỗi thành tích đều là những ngày đổ mồ hôi trong gian bếp để rèn luyện, thử nghiệm nguyên liệu và xử lý tình huống dưới áp lực thời gian.
Tôi từng thức trắng nhiều đêm, thử đi thử lại hàng chục lần một món ăn. Có khi mang nguyên liệu ra nước ngoài mà bị hải quan giữ lại, buộc phải thay thế gấp trong vài giờ… Nhưng chính những tình huống đầy bất ngờ ấy, tôi học được sự bình tĩnh và khả năng thích nghi - yếu tố rất quan trọng đối với bất kỳ một công việc nào, trong đó có đầu bếp chuyên nghiệp.

Giữ lửa đam mê bằng trái tim của người học trò yêu bếp
Dù đã có nhiều năm kinh nghiệm và từng đạt thành tích tại nhiều sân chơi lớn, năm 2024, anh vẫn chọn trở lại giảng đường. Là sinh viên hệ cao đẳng nghề Kỹ thuật chế biến món ăn của Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, anh cũng vừa đạt giải nhất tại Hội thi Kỹ năng nghề cấp trường năm học 2024 - 2025. Với anh, học để làm nghề tốt hơn và giữ trọn đam mê trên hành trình mà anh luôn bước đi với tâm thế của một người học trò yêu bếp.
● Gần 40 tuổi vẫn đi học cao đẳng chính quy, liệu có muộn không anh?
- Tôi bắt đầu với nghề bếp từ năm 2007, bằng một chứng chỉ nghề tại Trung tâm Dạy nghề quận Bình Thạnh (cũ), TP Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, tôi gắn bó trọn vẹn với gian bếp như một lựa chọn chưa bao giờ khiến mình hối hận. Sau hơn 15 năm làm nghề, tôi quyết định trở lại giảng đường. Không phải vì yếu tay nghề, mà vì tôi muốn đi xa hơn bằng một nền tảng vững vàng hơn.
Tôi tin rằng, học chưa bao giờ là đủ, cũng chẳng bao giờ là muộn. Trở lại trường học, tôi mong được tiếp cận những kiến thức bài bản về kỹ thuật chế biến, dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, quản lý bếp và cả những xu hướng ẩm thực quốc tế. Với tôi, làm nghề giỏi là chưa đủ. Người làm nghề giỏi phải biết học để hiểu, hiểu để ứng dụng và ứng dụng để sáng tạo, đổi mới không ngừng.
● Điều gì giúp anh giữ được “ngọn lửa” với nghề mỗi ngày?
- Nghề bếp, với tôi, không chỉ là công việc. Giống như cơm ăn, nước uống, nghề bếp là một phần tất yếu của cuộc sống, là điều mà mỗi sớm mai thức dậy, tôi đã nghĩ đến, mỗi đêm trước khi đi ngủ, tôi vẫn đau đáu trong tâm trí.
Khi được hỏi “Ngọn lửa nào giữ anh bền bỉ với bếp núc suốt gần 20 năm?”, tôi có suy nghĩ: Ngọn lửa nghề không giống như pháo hoa bừng lên rực rỡ rồi lụi tàn mà được nuôi dưỡng trong lặng thầm rèn luyện và bền bỉ đi qua từng thử thách với nghề. Đó còn là tình yêu vô điều kiện với những nguyên liệu giản dị. Là sự rung cảm khi thấy món ăn mình nấu ra làm người khác hạnh phúc. Là trách nhiệm tự thân khiến tôi không ngừng học hỏi, không cho phép mình qua loa, dù chỉ một bữa cơm đơn giản.
● Gian bếp thường gắn liền với hình ảnh người phụ nữ. Quan niệm về giới có là rào cản trong quá trình anh đến và đi với nghề?
- Thật ra, tôi chưa bao giờ xem giới tính là rào cản trong nghề này. Mỗi người, dù nam hay nữ, đều có một thế mạnh riêng khi bước vào bếp. Với nam giới, có thể là khả năng chịu được nhiệt độ, áp lực cao, sự linh hoạt về thời gian hay sức khỏe tốt hơn trong những ca làm kéo dài. Nhưng quan trọng hơn tất cả vẫn là trái tim dành cho nghề.
Tôi tin rằng, nếu nấu ăn bằng cả cái tâm và đam mê thực sự, thì bếp không còn là không gian của riêng ai. Đó là nơi người ta cống hiến, sáng tạo và truyền cảm hứng - bất kể là đàn ông hay phụ nữ. Thành công đến không phải vì bạn là ai, mà vì bạn đã yêu và sống trọn với nghề như thế nào.
● Anh có dự định gì tiếp theo để tiếp tục nâng cao bản thân và lan tỏa tinh thần nghề nghiệp?
- Hiện tại, tôi vẫn tập trung cho việc học nghề tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, xem đây là nền tảng quan trọng để hoàn thiện kỹ năng và mở rộng kiến thức chuyên môn.
Cùng với đó, tôi đang đảm nhận vai trò Bếp phó tại Nhà hàng LaGoo Drink & Chill - Quy Nhơn, một môi trường chuyên nghiệp, năng động, nơi tôi có cơ hội tiếp xúc với thực khách đa dạng, rèn luyện khả năng vận hành bếp một cách linh hoạt. Tôi xem đây là hành trình kép, vừa học vừa làm vừa phát triển tư duy đầu bếp hiện đại, hướng đến việc hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
Trong tương lai, tôi muốn xây dựng một thương hiệu cá nhân vững vàng trong nghề, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng đầu bếp trẻ và lan tỏa tình yêu ẩm thực Việt đến nhiều nơi hơn nữa.
● Nếu được gửi một thông điệp đến những bạn trẻ đang học nghề bếp hoặc đang phân vân lựa chọn nghề, anh sẽ nói gì?
- Nghề nào cũng đáng quý, nhưng chỉ khi bạn sống hết lòng với nó, nghề mới nuôi bạn và nâng bạn lên. Nếu bạn chọn nghề bếp, mong bạn luôn học bằng sự tử tế, làm bằng sự đàng hoàng và giữ lấy ngọn lửa đam mê.
Còn nếu bạn đang phân vân chọn nghề, đừng vội chạy theo trào lưu. Hãy hỏi mình: Tôi làm việc này có thấy vui không? Tôi có thể làm việc này mỗi ngày - kể cả khi không ai nhìn thấy hoặc chưa được ai công nhận không?
Một tấm bằng chỉ là khởi đầu. Thái độ học hỏi, tinh thần trách nhiệm, khả năng thích nghi mới là điều khiến bạn đi xa với nghề.
● Xin cảm ơn anh! Chúc anh tiếp tục có thêm nhiều thành công trên hành trình gắn với nghề bếp!