Đề án hỗ trợ khởi nghiệp: Gieo mầm sáng tạo, kết nối đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Các chương trình như Demoday-Kết nối và gọi vốn đầu tư-không chỉ là điểm đến, mà là điểm khởi đầu để các dự án thuộc Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh được thử sức, đánh giá và mở đường.

7 dự án tiêu biểu trong Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh mùa 3, năm 2024 đã có mặt trong chương trình Demoday-Kết nối và gọi vốn đầu tư, do Sở KH&CN tổ chức ngày 22-7 tại phường Quy Nhơn Nam. Không chỉ là chương trình giới thiệu, Demoday đã trở thành bước đệm để các startup chuyển mình nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức xã hội địa phương.

Cánh cửa kết nối đầu tư và phát triển

Tại chương trình Demoday, dự án Gốm Vân Sơn gây ấn tượng mạnh với các nhà đầu tư nhờ ý tưởng độc đáo: Đưa vẻ đẹp của gốm xưa vào các công trình hiện đại. Bà Đỗ Thị Thanh Vân, Giám đốc DNTN Gốm Vân Sơn, chia sẻ: “Tôi đam mê gốm cổ và nhận thấy khách hàng ngày càng ưa chuộng kiến trúc mộc mạc, cổ kính. Tôi luôn trăn trở làm sao để đưa gốm đến gần hơn với đời sống hiện đại - vừa bền, đẹp, vừa giữ được hồn xưa”.

trong-loi-bg.jpg
Dự án Gốm Vân Sơn, vẻ đẹp gốm xưa cho công trình nay nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư tại chương trình Demoday. Ảnh: Trọng Lợi

Ngay từ đầu, bà Vân đã định hướng sản phẩm hướng đến khách hàng yêu văn hóa truyền thống như chủ đầu tư resort, spa, khách sạn, khu du lịch hay những người yêu phong cách thô mộc. Với bà, Gốm Vân Sơn không chỉ là sản phẩm trang trí, mà còn là một phần của ký ức văn hóa. Sau hơn 6 tháng tham gia chương trình tăng tốc khởi nghiệp do Sở KH&CN tổ chức, dự án có những bước tiến rõ rệt, đặc biệt trong chiến lược sản phẩm.

“Nhờ có sự cố vấn, tôi hiểu rõ hơn điểm mạnh, điểm yếu và tiềm năng của dự án. Các chuyên gia giúp tôi mở rộng tư duy và định hướng phát triển bền vững, trong đó cần có sự đồng hành của kiến trúc sư, kỹ sư thiết kế nội thất và đội ngũ marketing để bắt kịp xu hướng, đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng công trình”, bà Vân thổ lộ.

Một dự án khác cũng để lại dấu ấn trong chương trình là chuỗi khách sạn tầm trung Haku Hotel, do Công ty TNHH Tư vấn Quản lý Tập đoàn Hakuen phát triển. Anh Ngô Thế Long, Giám đốc Công ty, cho biết: “Chúng tôi xuất phát từ chính nỗi thất vọng của mình khi đi du lịch - chất lượng khách sạn không đồng đều, nhiều nơi thiếu tiện nghi. Với Haku, chúng tôi muốn tạo ra một chuẩn mực lưu trú đáng tin cậy, đặc biệt cho nhóm khách hàng trẻ, chi tiêu hạn chế”.

Bắt đầu từ Quy Nhơn năm 2022, Haku đã mở rộng tới Tuy Hòa và Vũng Tàu. Mục tiêu tiếp theo là các thị trường lớn như Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng. “Demoday không chỉ là nơi giới thiệu dự án. Chúng tôi có cơ hội gặp gỡ nhà đầu tư, nhận góp ý thực chất và cả nguồn vốn để mở rộng. Điều quý giá nhất là cơ hội học hỏi từ các dự án bạn và các cố vấn hàng đầu”, anh Long chia sẻ.

Sự kiện Demoday - Kết nối và gọi vốn đầu tư - không chỉ là buổi tổng kết của quá trình cố vấn, còn là nơi để các startup bước ra thị trường với sự chuẩn bị kỹ càng. Bà Phan Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố an toàn môi trường (nhà đầu tư thiên thần của chương trình), cho hay: “Chúng tôi tham dự chương trình không chỉ tìm kiếm dự án để rót vốn. Đôi khi, tôi sẵn sàng đồng hành, góp ý, thậm chí hỗ trợ chiến lược. Những dự án như Gốm Vân Sơn, kem bơ Aloo hay Hakuen đều có tiềm năng nếu đi đúng hướng”.

Đề án đặt nền móng cho hệ sinh thái khởi nghiệp

Những kết quả ấn tượng này là minh chứng cho hiệu quả của quá trình hỗ trợ bài bản, dài hạn và có định hướng chiến lược từ Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh giai đoạn 2019 - 2025”, do Sở KH&CN triển khai. Từ đề án, đến nay có hơn 1.800 lượt người được đào tạo khởi nghiệp, 90 ý tưởng/dự án được ươm tạo, 12 dự án được cố vấn tăng tốc, trong đó nhiều DN có bước phát triển mạnh trong tăng doanh thu, mở rộng quy mô, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP hoặc được xuất khẩu. Một số dự án tiêu biểu đã gọi vốn thành công, như: Công ty TNHH Dulah, Công ty CP IPP Sachi, Công ty CP Bidicomed hay Công ty CP Dịch vụ KH&CN Bình Định.

2anh-bo-sung-2-trongloi.jpg
Ông Trương Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Giám đốc Công ty FINNO tham gia góp ý cho các dự án khởi nghiệp. Ảnh: Trọng Lợi

Ngay sau chương trình Demoday, đã có 5 dự án nhận được đề nghị trao đổi đầu tư sâu hơn để các nhà đầu tư góp vốn, gồm: Kem bơ Aloo; Gốm Vân Sơn, vẻ đẹp gốm xưa cho công trình nay; chuỗi khách sạn tầm trung Haku Hotel; phát triển sản phẩm nâng tầm giá trị vùng nguyên liệu quế xã An Toàn và phần mềm quản lý DN Asianasa.

Đặc biệt, IPP Sachi còn lọt vào vòng ghi hình chương trình “Thương vụ bạc tỷ” - Sharktank Việt Nam. Đề án cũng đã xây dựng được mạng lưới 74 nhà tư vấn khởi nghiệp và hơn 80 nhà đầu tư. Đây là nền tảng quan trọng giúp startup có nơi “gửi gắm” ý tưởng, được hướng dẫn phát triển và kết nối vốn.

Tuy vậy, ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN, cũng nhìn nhận hệ sinh thái của tỉnh vẫn còn nhiều điểm nghẽn, như thiếu nguồn tài chính bền vững, năng lực của nhiều dự án còn yếu, mạng lưới nhà đầu tư thiên thần hoạt động chưa thường xuyên. Vì vậy, các chương trình như Demoday không chỉ là điểm đến, mà là điểm khởi đầu để các dự án được thử sức, đánh giá và mở đường. Ông Hà khẳng định thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục đồng hành để hoàn thiện hệ sinh thái từ chính sách, mạng lưới chuyên gia đến việc hỗ trợ tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, kỳ vọng sự cộng hưởng giữa chính quyền, DN, nhà đầu tư và các tổ chức hỗ trợ sẽ tạo nên lực đẩy cho phong trào khởi nghiệp địa phương phát triển, hình thành thế hệ DN mới bản lĩnh, sáng tạo hơn và sẵn sàng vươn xa.

Có thể bạn quan tâm

Héo hon nghề theo xu hướng

Héo hon nghề theo xu hướng

Nghề sáng tạo nội dung số đang trở thành lựa chọn hàng đầu khi mạng xã hội (MXH) trở thành một phần trong đời sống của nhiều người. Xu hướng chọn nghề kiếm tiền từ MXH là một thực tế, thậm chí mang đến thu nhập “khủng”, tuy nhiên rất khó để đoán được xu hướng MXH sẽ dừng lại ở đâu.

Khởi nghiệp từ cà phê đặc sản

Khởi nghiệp từ cà phê đặc sản

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều nông dân trong tỉnh Gia Lai đã thay đổi tư duy sản xuất, tận dụng lợi thế của địa phương để nâng cao giá trị nông sản. Cơ sở sản xuất cà phê đặc sản Pure coffee (tổ 5, thị trấn Chư Sê) của gia đình anh Nguyễn Tiến Dũng là một ví dụ điển hình.

Trưởng thôn “2 giỏi”

Ông Ning-Trưởng thôn “2 giỏi”

(GLO)- Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Ning-Trưởng thôn O Yố (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) còn đi đầu trong các phong trào, hoạt động tại địa phương. Ông xứng đáng với danh hiệu trưởng thôn “2 giỏi”.

Nguyễn Văn Thiên: Gương sáng ngành Điện lực

Nguyễn Văn Thiên gương sáng ngành Điện lực

(GLO)- Nhiệt huyết, yêu nghề, trách nhiệm là nhận xét mà các đồng nghiệp và cấp trên dành cho anh Nguyễn Văn Thiên-Công nhân quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp Điện lực Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Anh xứng đáng là gương sáng của ngành Điện lực.