Với bộ phim hoạt hình 2D mang tên Chia đôi, Minh Thư đã xuất sắc vượt qua 52 tác phẩm trong thể loại tự do, giành chiến thắng đầy thuyết phục tại Liên hoan phim sinh viên TP.HCM 2025 do Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM và Hãng phim Trẻ tổ chức.
Minh Thư cho biết ý tưởng cho phim Chia đôi đến với cô bạn một cách tình cờ. Trong một buổi trưa nắng gắt, trên đường đi học về, Thư dừng lại chờ đèn đỏ. Khi ấy, Thư bắt gặp một ông lão bán vé số với đôi mắt mù lòa. Dưới cái nắng cháy da, ông lão cố gắng mời mọi người mua vé số, nhưng đáp lại chỉ là sự thờ ơ của dòng người qua đường. Thế nhưng, điều khiến Minh Thư xúc động là nụ cười rạng rỡ của ông, dù không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào. "Nụ cười ấy kỳ lạ và ám ảnh. Nó khiến tim mình thắt lại, mắt nhòe đi", cô kể.

Khoảnh khắc ấy đã thôi thúc Minh Thư đặt bút viết kịch bản ngay trong đêm. Thư kể rằng Chia đôi ra đời từ sự đồng cảm sâu sắc với những mảnh đời khó khăn và khát vọng đánh thức lòng nhân ái trong mỗi con người. Bộ phim là lời nhắn nhủ rằng, dù cuộc sống có khắc nghiệt, nhưng sự tử tế và sẻ chia vẫn luôn tồn tại, chỉ cần được chúng ta khơi dậy.
Theo cô gái, Chia đôi là câu chuyện giản dị nhưng giàu cảm xúc về một ông lão vô gia cư giữa thành phố lung linh ánh đèn nhưng lạnh lẽo tình người. Dù nghèo khó và chịu nhiều định kiến, ông vẫn giữ được phẩm chất tử tế. Trong một biến cố nhỏ, ông nhận được chiếc bánh. "Đây là món quà quý giá giữa cơn đói. Ban đầu, ông định giữ chiếc bánh cho riêng mình và xua đuổi một chú chó nhỏ đang nhìn ông với ánh mắt buồn bã. Nhưng rồi, ký ức về sự thờ ơ mà ông từng chịu đựng đã khiến ông nhận ra sự tương đồng giữa mình và chú chó. Ông quyết định bẻ đôi chiếc bánh, chia sẻ một nửa", Thư nói.
Thư chia sẻ hình ảnh ông lão và chú chó cùng ngồi dưới mưa, lặng lẽ thưởng thức chiếc bánh, đã trở thành biểu tượng đẹp của sự sẻ chia và tình đoàn kết. Đó không chỉ là việc chia sẻ vật chất, mà còn là sự kết nối tinh thần, là tia sáng của niềm tin và hy vọng giữa cuộc sống khắc nghiệt.
Để hoàn thành bộ phim hoạt hình dài 4 phút, Thư đã trải qua 5 tháng miệt mài làm việc một mình. Từ lên ý tưởng, viết kịch bản, thiết kế nhân vật, chọn màu sắc, vẽ nền, diễn hoạt đến dựng hậu kỳ và âm thanh, tất cả đều do Thư tự thực hiện. "Nghe 4 phút thì ngắn, nhưng đó là hành trình của những đêm không ngủ, những khung hình vẽ đi vẽ lại và những khoảnh khắc suýt buông xuôi của mình", Thư kể.
Thư chọn phương pháp diễn hoạt frame-by-frame (hình trong hình) để giữ chất thủ công và chân thật cho bộ phim. Điều này đồng nghĩa với việc vẽ hàng nghìn khung hình cho mỗi phút phim, một khối lượng công việc khổng lồ với một người làm việc độc lập. Áp lực deadline buộc Thư phải cắt giảm một số chi tiết nhân vật để tập trung vào diễn hoạt và bối cảnh, đảm bảo truyền tải đúng cảm xúc và thông điệp.
Màu sắc và bối cảnh là hai yếu tố được Thư đầu tư nhiều tâm huyết. "Màu sắc không chỉ để trang trí, mà là linh hồn của câu chuyện. Mình đã thử nghiệm nhiều bản vẽ, vẽ rồi bỏ, để tìm ra phong cách phù hợp, giúp khán giả cảm nhận được sự cô đơn xen lẫn chút ấm áp qua từng khung hình", Thư kể.

Hành trình làm phim không thiếu những lúc kiệt sức và bế tắc. Thư kể rằng có thời điểm, bạn không thể vẽ được gì, ý tưởng cạn kiệt. Nhưng mỗi lần như vậy, cô tự hỏi: "Tại sao mình bắt đầu? Mình làm điều này cho ai?". Sau đó, Thư tự trả lời: "Khán giả cần một câu chuyện tử tế". Thư quyết định vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục hoàn thành bộ phim.
Với Chia đôi, Minh Thư muốn gieo vào lòng người xem hạt giống của lòng yêu thương và sự sẻ chia. Thư hy vọng bộ phim sẽ nhắc nhở mọi người rằng dù cuộc sống có khiến ta trở nên khô khan nhưng sự tử tế vẫn luôn tồn tại trong mỗi con người. "Chỉ cần một hành động nhỏ như chia đôi chiếc bánh, một cái nhìn cảm thông, cũng đủ để chạm đến một tâm hồn khác", Thư kể.

Chiến thắng tại Liên hoan phim sinh viên 2025 là cột mốc đáng tự hào. Nhưng với Thư, điều ý nghĩa hơn là được gửi gắm thông điệp tích cực đến khán giả. "Mình muốn nhắn nhủ các bạn trẻ: Hãy làm đi, hãy tự tin đặt những nét vẽ đầu tiên. Đừng đợi đến khi giàu hay giỏi, hãy sẻ chia bằng những gì mình đang có", Thư chia sẻ.
Theo An Vy (TNO)