RChâm Suê khởi nghiệp thành công từ nghề hàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại làng Blang 2 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) có một xưởng cơ khí nhỏ nằm nép mình bên triền đồi. Chủ xưởng RChâm Suê (SN 1997) cùng câu chuyện khởi nghiệp từ nghề hàn của mình đang trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thanh niên nơi đây.

1bg-8078.jpg
Anh RChâm Suê giới thiệu chiếc xe công nông cầu đẩy do mình thiết kế. Ảnh: Ánh Hà

RChâm Suê là con thứ 2 trong gia đình có 3 chị em. Cha mẹ Suê quanh năm quần quật với nương rẫy nhưng cái ăn vẫn thiếu. Vì vậy, Suê đã sớm nhận thức được rằng chỉ có học hỏi và lao động chăm chỉ mới có thể thay đổi cuộc sống. Học hết lớp 12, trong khi bạn bè lần lượt nghỉ học để làm nông hoặc rời làng đi làm thuê thì Suê lại nộp hồ sơ vào Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai) để theo học ngành Hàn.

Trong quá trình học tập, anh Suê luôn chăm chỉ và cần mẫn. Tốt nghiệp năm 2018, anh Suê đi làm cho một công ty chuyên thi công các công trình về hàn, cơ khí. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm và có chút vốn, cùng với sự hỗ trợ của bố mẹ, anh mở một xưởng cơ khí tại nhà. Nhờ tay nghề vững vàng và thái độ làm việc tận tâm, xưởng cơ khí của anh ngày càng được nhiều người biết đến và tin tưởng.

Không dừng lại ở những công việc nhỏ lẻ, anh Suê bắt đầu tìm hiểu nhu cầu sản xuất của người dân trong vùng. Anh học thêm kỹ thuật chế tạo máy từ internet cũng như những người thợ đi trước, rồi mạnh dạn thiết kế và gia công các sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp như: máy cày, xe công nông, rơ moóc vận chuyển nông sản… “Bà con ở đây làm nông là chính nhưng đường đất xấu, máy móc thì ít mà lại đắt đỏ. Vậy nên mình nghĩ, nếu làm được xe công nông, máy cày giá vừa phải thì sẽ giúp bà con rất nhiều”-anh Suê chia sẻ.

Với những sản phẩm bền chắc, giá cả phải chăng và đặc biệt là phù hợp với địa hình Tây Nguyên, xưởng cơ khí của anh Suê ngày càng đông khách. Để quảng bá cho sản phẩm của xưởng, anh Suê còn tận dụng tính ưu việt của các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook để chụp, quay video quá trình làm việc, tạo ra sản phẩm... Nhờ đó, nhiều khách hàng gần xa đã biết đến xưởng cơ khí RChâm Suê và tìm đến đặt hàng.

“Ban đầu, mình chỉ muốn có một công việc ổn định. Nhưng dần dần, mình nhận ra rằng: Để thay đổi cuộc sống, mình cần phải tự tạo ra cơ hội cho bản thân. Khởi nghiệp từ nghề không chỉ giúp mình có thu nhập mà còn chứng minh người dân tộc thiểu số cũng có thể thành công trong lĩnh vực kỹ thuật. Mình rất tiếc khi nhiều bạn cùng lớp của mình cũng đi học nhưng không theo nghề, có bạn về làm nông, có bạn lại đi làm công nhân giày da”​-anh Suê bộc bạch.

Đến nay, anh Suê đã có một xưởng rộng hơn 100 m² với thu nhập mỗi tháng dao động từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng; đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 4 thanh niên người Jrai với mức lương 8-10 triệu đồng/người/tháng. Với những thành công của mình, anh thường được Trường Cao đẳng Gia Lai mời về nói chuyện với sinh viên, truyền cảm hứng khởi nghiệp. Anh cũng trở thành tấm gương tiêu biểu cho phong trào thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp tại địa phương.

Thầy Dương Xuân Quảng-nguyên Trưởng khoa Cơ khí-Xây dựng-nhận xét về cậu học trò cũ: “Em RChâm Suê là một điển hình thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp thành công. Khi còn đi học, Suê rất chăm chỉ. Ngoài thời gian học trên xưởng, Suê thường cùng các thầy đi học việc, làm thêm theo các công trình thi công nghề hàn, cơ khí nên tay nghề khá vững”.

2-mot-trong-nhung-hang-tram-san-pham-ma-anh-sue-da-thi-cong.jpg
Một trong hàng trăm sản phẩm mà anh Suê đã thi công. Ảnh: Ánh Hà

Không chỉ dừng lại ở việc phát triển xưởng hàn, anh Suê cũng tận tình hướng dẫn cho các sinh viên thực tập hay người mới muốn học nghề hàn.​ Nói về dự định tương lai, anh Suê cho hay: “Mình muốn mở rộng xưởng ra các xã lân cận, dạy nghề cho các bạn trẻ trong làng. Mình từng trải qua nên hiểu rõ tầm quan trọng của việc học nghề, chỉ cần giỏi nghề là các bạn có thể tự đứng trên đôi chân của mình”.

Chị Ksor H’Wương-Bí thư Đoàn xã Ia Dêr-cho biết: “Anh RChâm Suê là một điển hình thanh niên dân tộc thiểu số thành công trong việc học nghề và khởi nghiệp ngay tại quê hương. Những năm qua, chúng tôi thường tuyên truyền, động viên các em học sinh trên địa bàn noi gương theo anh Suê tích cực học tập và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp để có cuộc sống ổn định”.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và đối thoại với thanh niên: Kỳ vọng sức bật từ phát triển khoa học công nghệ

Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và đối thoại với thanh niên: Kỳ vọng sức bật từ phát triển khoa học công nghệ

Người trẻ miền Tây vừa hào hứng vừa trăn trở, kỳ vọng về những bước tiến trong lĩnh vực mình công tác khi có cơ hội đối thoại với Thủ tướng Chính phủ về chủ đề "Thanh niên VN tiên phong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia".

Chị Nay H’Hiên-Bí thư Chi đoàn buôn Rưng Ma Nhiu-là điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương. Ảnh: Vũ Chi

Bí thư Chi đoàn Nay H’Hiên làm kinh tế giỏi

(GLO)- Không chỉ năng nổ, nhiệt tình với công tác Đoàn, chị Nay H’Hiên-Bí thư Chi đoàn buôn Rưng Ma Nhiu (xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) còn là tấm gương tiêu biểu dám nghĩ, dám làm, quyết tâm khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Anh Kpuih Xuân chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Ảnh: M.K

Chàng trai Jrai trồng cây gì, nuôi con gì mà kiếm gần nửa tỷ đồng/năm?

(GLO)- Sau một thời gian làm công nhân tại tỉnh Bình Dương, năm 2020, anh Kpuih Xuân (28 tuổi, làng Tol, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã trở về làng khởi nghiệp từ nông nghiệp. Nhờ chịu khó học hỏi, cần cù và sáng tạo trong sản xuất, chàng trai Jrai đạt lợi nhuận gần nửa tỷ đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang bên vùng nguyên liệu trồng hoa cúc chi hữu cơ. Ảnh: T.D

Cô gái 9X thành công với dòng trà “tiến vua”

(GLO)- Với mong muốn nâng cao giá trị cây dược liệu, năm 2023, chị Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1990, trú tại thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ và nghiên cứu cho ra đời dòng sản phẩm trà "tiến vua" từ hoa cúc chi.

Rmah Minh: Cán bộ trẻ năng động, nhiệt huyết

Rmah Minh: Cán bộ trẻ năng động, nhiệt huyết

(GLO)- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Gào (TP. Pleiku) kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận làng C, Rmah Minh là nữ cán bộ trẻ năng động, nhiệt huyết. Chị đã tích cực làm công tác dân vận, giúp đỡ người dân nghèo vươn lên trong cuộc sống.