Chư Pưh hỗ trợ nông dân trồng cây ăn quả

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Khi giá của các mặt hàng nông sản chủ lực bấp bênh, huyện Chư Pưh (Gia Lai) đã nhanh chóng triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ hình thức chuyên canh sang trồng xen canh cây ăn quả để góp phần tăng thu nhập. 
Cũng giống như nhiều gia đình khác, trước đây, chị Nguyễn Thị Mỹ Dung (thôn Tung Neng, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) đầu tư rất nhiều tiền của và công sức cho cây hồ tiêu. Thế nhưng, khi vườn hồ tiêu 1.600 trụ chết vì dịch bệnh, cộng thêm giá xuống thấp, chị Dung chuyển sang trồng 175 cây bơ Trịnh Mười. “Lúc đầu, khi tôi bỏ cây hồ tiêu chuyển sang trồng cây bơ, nhiều người can ngăn vì bơ là mặt hàng tươi, lại trồng nhiều như thế không biết bán như thế nào. Nhưng tôi vẫn quyết tâm làm. Tôi nhận thấy, trồng bơ ít tốn công chăm sóc vì cây ít sâu bệnh, tiết kiệm khoảng 50% mức đầu tư so với trồng hồ tiêu. Năm 2017, tôi thu được 5 tấn bơ, bán với giá 37.000 đồng/kg”-chị Dung cho hay. Từ thành công này, chị Dung trồng thêm sầu riêng, đồng thời dự tính sẽ dần thay thế giống bơ cũ bằng những giống bơ ngoại có giá trị kinh tế cao hơn.
 Trồng bơ đem lại cho chị Nguyễn Thị Mỹ Dung nguồn thu nhập ổn định hơn so với trồng hồ tiêu. Ảnh: P.L
Trồng bơ đem lại cho chị Nguyễn Thị Mỹ Dung nguồn thu nhập ổn định hơn so với trồng hồ tiêu. Ảnh: P.L
Ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho biết: “Từ năm 2013, huyện Chư Pưh đã xây dựng chương trình hỗ trợ 70% chi phí giống cây ăn quả xen canh nhưng người dân hưởng ứng rất ít. Sau này, khi giá hồ tiêu hạ, nhận thấy hình thức chuyên canh không đem lại hiệu quả kinh tế cao, người dân dần dần chuyển sang trồng xen canh cây ăn quả để tăng thu nhập, đảm bảo tính bền vững, hạn chế rủi ro”. Cũng theo ông Khánh, các loại cây ăn quả thường có tán cao, tỏa rộng, thích hợp để trồng xen trong các vườn hồ tiêu, cà phê, vừa giúp tạo độ ẩm, chắn gió, che mát cho cây chủ lực, vừa tăng thêm thu nhập. Vì thế, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện ngày càng tăng. Hiện toàn huyện có  470,4 ha cây ăn quả. Trong đó có 35,8 ha sầu riêng trồng thuần (năng suất bình quân đạt 96,2 tạ/ha); sầu riêng trồng xen canh trong hồ tiêu, cà phê và các cây trồng khác là 32,8 ha; bơ 183,9 ha (gồm 24,8 ha trồng thuần và 159,1 ha trồng xen canh, năng suất đạt khoảng137-145 tạ/ha). Ngoài ra còn có cam (5,7 ha); xoài (25,6 ha); mít (15,2 ha); chuối (82,4 ha); chanh dây (111,8 ha)...
Năm 2018, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh đứng ra chủ trì thực hiện việc liên kết giữa Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao với nông dân trồng cây chanh dây, chuối tiêu và dứa. Theo đó, người dân đăng ký tham gia chương trình được chia thành 11 tổ hợp tác, trực tiếp ký kết với Công ty, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện có trách nhiệm giám sát việc Công ty cấp giống cho nông dân gieo trồng kịp thời vụ. Hiện tại, Công ty đã cấp hơn 80% giống cây ăn quả cho bà con.
Trao đổi với P.V, ông Khánh cho biết thêm: “Nhìn chung, các loại cây ăn quả nói trên thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất ổn định, chống chịu sâu bệnh tốt và phù hợp với trình độ canh tác của người dân. Chúng tôi khuyến khích trồng xen canh để đảm bảo diện tích cây trồng chính như hồ tiêu, cà phê, cao su, giúp đa dạng hóa cây trồng. Thời gian đến, huyện tiếp tục định hướng nông dân sản xuất theo thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất các sản phẩm an toàn để cây ăn quả xen canh thực sự đem lại hiệu quả, đưa ra chỉ dẫn địa lý nơi sản xuất sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, góp phần xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho mặt hàng này trên địa bàn huyện”.
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.