Chư Băh giảm nghèo bền vững nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân, xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, phấn đấu không còn hộ nghèo vào năm 2025.

Hỗ trợ kịp thời

Là 1 trong 23 hộ được nhận bò sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của thôn Chư Băh A, chị Ksor H'Tônh không giấu được niềm vui. Chị cho biết: Gia đình chị có 7 sào đất rẫy trồng mì nhưng vì đất đai khô cằn lại thiếu nước tưới nên năng suất thấp. Mấy năm nay, diện tích mì bị bệnh khảm lá gây hại nên mỗi năm chị chỉ thu được khoảng 15 triệu đồng. Cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn.

Cuối năm 2023, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, gia đình chị được xã cấp 1 con bò sinh sản trị giá hơn 17 triệu đồng, đồng thời được hướng dẫn cách làm chuồng trại và tiêm vắc xin phòng bệnh. Hàng ngày, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chị cắt cỏ cho bò ăn. Chồng chị được xã tạo điều kiện tham gia lớp học nghề sửa chữa máy nông nghiệp nên đang đi phụ sửa xe công nông.

“Cuộc sống gia đình mình ổn định hơn trước nhiều rồi. Có bò nuôi, có nghề nghiệp ổn định, cuối năm nay, gia đình mình đăng ký ra khỏi danh sách hộ cận nghèo”-chị H'Tônh phấn khởi nói.

Chị Ksor H'Tônh (thôn Chư Băh A) vui mừng nhận bò hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ảnh: N.H

Chị Ksor H'Tônh (thôn Chư Băh A) vui mừng nhận bò hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ảnh: N.H

Mặc dù mới ngoài 30 tuổi nhưng chị Ksor H'Mul (cùng thôn) đã có tới 4 đứa con, đứa nhỏ nhất mới 7 tháng tuổi. Đông con, bản thân lại không có nghề nghiệp ổn định nên gia đình chị vẫn thuộc diện hộ nghèo. Ngoài thời gian chăm sóc 2 sào điều và 3 sào mì, mẹ con chị chỉ biết đi bắt cua bắt ốc phụ thêm cho bữa cơm hàng ngày. Cuộc sống thiếu thốn, chị cũng không có điều kiện lắp đặt hệ thống nước sạch. Hàng ngày, cả gia đình chị phải đi tắm ngoài mương nước thủy lợi, riêng nước ăn uống thì xin nhà mẹ đẻ về dùng.

Cuối năm 2023, chị H'Mul được cấp 1 con bò sinh sản và hỗ trợ lắp đặt hệ thống nước sạch. Thấy vợ chồng chị chịu khó nên mẹ chị cho thêm 1 con bê con. Chị HMul bộc bạch: “Từ chỗ chỉ có 5 sào đất rẫy, nay có thêm 2 con bò làm sinh kế, lại có nước sạch phục vụ ăn uống sinh hoạt, mình mừng lắm. Mấy đứa nhỏ ngoài thời gian đi học thì phụ bố mẹ đi chăn bò. Mỗi tháng, gia đình chỉ bỏ thêm 70-80 ngàn đồng là có nước sạch vừa ăn uống, vừa giặt giũ, vừa cho bò uống để phòng-chống dịch bệnh”.

Bên cạnh hỗ trợ sinh kế, nước sạch, trong 2 năm (2022-2023), từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã Chư Băh hỗ trợ 8 căn nhà cho hộ nghèo. Các căn nhà đều đã hoàn thành và bàn giao, mang lại niềm vui an cư cho các gia đình. Khi cuộc sống vơi bớt khó khăn, bà con mạnh dạn đăng ký thoát nghèo để nhường lại sự hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn hơn. Chị Nay H'Yit (thôn Chư Băh B) là một trong những trường hợp như vậy.

Mẹ mất sớm, bố đi lấy vợ khác, từ nhỏ, chị H'Yit được dì nhận nuôi. Lớn lên, lấy chồng nhưng hoàn cảnh 2 bên gia đình đều khó khăn nên khi ra ở riêng, vợ chồng chị chỉ dám dựng tạm căn nhà nhỏ để che mưa che nắng. 3 đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau.

Khi được xã thông báo sẽ hỗ trợ gia đình chị xây dựng căn nhà mới nhưng cần nguồn vốn đối ứng, vợ chồng chị quyết định vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và mượn thêm của người thân 30 triệu đồng để dựng căn nhà khang trang trị giá hơn 100 triệu đồng. Ngày căn nhà được bàn giao, vợ chồng chị đã vỡ òa trong hạnh phúc.

Ghé thăm gia đình chị H'Yit khi mặt trời đã xuống núi, chúng tôi cảm nhận rõ niềm hạnh phúc trên khuôn mặt người phụ nữ mới 30 tuổi này. Chị H'Yit chia sẻ: “Từ nay, gia đình tôi không còn phải lo đi ngủ nhờ mỗi khi trời mưa bão nữa. Gia đình cũng đã thoát nghèo. Vợ chồng bảo nhau cố gắng làm thuê kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn để sau này bớt khổ. Bản thân tôi cũng vừa hoàn thành lớp xóa mù chữ do xã tổ chức. Biết chữ, biết tính toán rồi, tôi sẽ chi tiêu tiết kiệm để phát triển kinh tế gia đình, không để tái nghèo nữa”.

Chị Nay H'Yit (thôn Chư Băh B) hạnh phúc bên căn nhà mới. Ảnh: N.H

Chị Nay H'Yit (thôn Chư Băh B) hạnh phúc bên căn nhà mới. Ảnh: N.H

Ông Ksor Tý-Trưởng thôn Chư Băh B-cho hay: Năm 2023, thôn có 173 hộ, trong đó có 8 hộ nghèo và 11 hộ cận nghèo. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, thôn đã tổ chức họp, bình chọn những hộ được thụ hưởng, trong đó ưu tiên những hộ đăng ký thoát nghèo. Kết quả, có 10 hộ được hỗ trợ bò sinh sản, 2 hộ được hỗ trợ nhà ở, 1 hộ được hỗ trợ nước sạch, 30 người tham gia lớp xóa mù chữ. Nhờ vậy, cuối năm 2023, thôn giảm được 6 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo. Mục tiêu năm nay của thôn là xóa hoàn toàn hộ nghèo, giảm 2 hộ cận nghèo.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Theo chị Đàm Thùy Linh-Công chức Văn hóa-Xã hội xã, trong 2 năm (2022-2023), tổng nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia của xã là hơn 7,1 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, xã đã giải ngân trên 90% nguồn vốn. Trong đó, với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, xã lựa chọn phương thức hỗ trợ bò lai sinh sản, cấp 41 con bò lai sinh sản trị giá hơn 700 triệu đồng cho các hộ nghèo, cận nghèo. Đối với dự án hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt, xã có 8 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở với tổng kinh phí 324 triệu đồng; 19 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt với kinh phí 57 triệu đồng.

Ngoài ra, xã tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo và phối hợp với cơ quan báo chí tuyên truyền về công tác giảm nghèo thông tin cho người dân. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo được đến với người dân kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng.

Ông Nay Lý-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Chư Băh A-cho biết: Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2023, thôn có 23 hộ được hỗ trợ bò sinh sản, 1 hộ được hỗ trợ nhà ở và 3 hộ được hỗ trợ nước sạch. Nhờ đó, thôn giảm 9 hộ nghèo và 20 hộ cận nghèo. Hiện thôn còn 6 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo trong tổng số 319 hộ.

Với những hộ được nhận hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ sinh kế, hệ thống chính trị thôn thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn bà con chăm sóc tốt vật nuôi, tạo điều kiện để người dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi. Những hộ còn lại, buôn tích cực tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vận động tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn và các phiên giao dịch giới thiệu việc làm.

Ông Lê Văn Tuân-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Băh-thông tin: Để các chương trình hỗ trợ đến với người dân một cách kịp thời, nhanh chóng, đúng đối tượng, xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo ngay từ đầu năm. Trên cơ sở rà soát hộ nghèo và những tiêu chí thiếu hụt, các thôn trực tiếp tổ chức bình chọn đối tượng thụ hưởng. Ngay khi được phân bổ nguồn vốn, xã giải ngân cho các đối tượng theo kế hoạch đã xây dựng.

Mỗi tuần 1 ngày đi cơ sở, lãnh đạo xã, các ban, ngành, đoàn thể trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện. Với những hộ được hỗ trợ sinh kế, chính quyền địa phương chỉ đạo cán bộ thú y xã phối hợp với hệ thống chính trị thôn tuyên truyền, vận động người dân tiêm vắc xin, giữ gìn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ phòng-chống dịch bệnh. Những trường hợp không may mắc bệnh phải báo cáo xã kịp thời để có hướng xử lý.

“Để đạt mục tiêu xã không còn hộ nghèo vào năm 2025, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và người dân nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo; khơi dậy ý thức vươn lên trong cuộc sống.

Xã chỉ đạo các thôn họp xét hộ nghèo hay đối tượng nhận hỗ trợ phải chính xác, khách quan; có kế hoạch khảo sát độ tuổi lao động chưa có việc làm để tư vấn, giới thiệu và nhận ủy thác cho vay vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề. Xã cũng sẽ tăng cường công tác khuyến nông, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật để các hộ có thu nhập ổn định, sớm thoát nghèo và ra khỏi danh sách hộ cận nghèo.

Bên cạnh đó, xã tranh thủ các nguồn lực đẩy mạnh đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương”-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Băh nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”

(GLO)- Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp tỉnh Gia Lai đã tổ chức “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”. Đây là dịp để công nhân, người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp ngồi lại với nhau trong bầu không khí chia sẻ, ấm áp tình đoàn kết.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Mrơn thăm, tặng quà Tết cho em Rah Lan Sinh-trẻ mồ côi được Hội nhận đỡ đầu. Ảnh: Vũ Chi

Ia Pa mang Tết yêu thương đến với phụ nữ nghèo và trẻ mồ côi

(GLO)- Trong không khí những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, mang “Tết yêu thương” đến với các gia đình hội viên phụ nữ nghèo và trẻ mồ côi, tạo không khí vui tươi, ấm áp dịp Tết đến, Xuân về.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng 50 suất quà Tết cho đoàn viên, công nhân khó khăn

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng 50 suất quà Tết cho đoàn viên, công nhân khó khăn

(GLO)- Tối 16-1, tại xã Đak Yă (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần chăn nuôi bò thịt-bò sữa Cao Nguyên tổ chức “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng” và trao quà Tết của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy thăm, chúc Tết các gia đình người có công tiêu biểu

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy thăm, chúc Tết các gia đình người có công tiêu biểu

(GLO)- Ngày 15-1, đoàn công tác của tỉnh do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Võ Thanh Hùng làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết và tặng quà các gia đình nguyên lãnh đạo tỉnh, người có công tiêu biểu tại các huyện: Krông Pa, Chư Sê, Chư Pưh và thị xã Ayun Pa.