Chư Băh phát huy vai trò nông hội trong công tác giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) tập trung phát triển mô hình nông hội, chi-tổ hội nghề nghiệp nhằm hình thành liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Cơ hội phát triển sản xuất

Xã Chư Băh có 1.040 hộ, trong đó có hơn 800 hộ chăn nuôi bò với trên 2.000 con. Với lợi thế về nguồn thức ăn dồi dào, dễ nuôi và có giá trị kinh tế cao, bò đã trở thành vật nuôi giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhằm tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm phòng trừ dịch bệnh, tháng 7-2021, Nông hội chăn nuôi bò xã Chư Băh được thành lập gồm 35 thành viên. Định kỳ mỗi quý, Nông hội tổ chức sinh hoạt 1 lần. Tại buổi sinh hoạt, các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc đàn vật nuôi. Từ những kiến thức tiếp thu được, nhiều thành viên đã áp dụng vào thực tế của gia đình, từ đó dần thay đổi tập quán chăn nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt, trồng cỏ, tích trữ rơm để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò; chuồng trại được di dời ra khỏi gầm nhà sàn, đổ bê tông nền chuồng vừa đảm bảo vệ sinh, vừa tận dụng được nguồn phân bò cải tạo đất trồng trọt. Nhờ đó, đàn bò phát triển khỏe mạnh, ít xảy ra dịch bệnh.

Bà Nay H'Nhit (buôn Hiao) vui mừng vì con bò do Nông hội chăn nuôi bò xã hỗ trợ đã sinh bê con, tạo sinh kế giúp gia đình vươn lên thoát nghèo. Ảnh: V.C

Bà Nay H'Nhit (buôn Hiao) vui mừng vì con bò do Nông hội chăn nuôi bò xã hỗ trợ đã sinh bê con, tạo sinh kế giúp gia đình vươn lên thoát nghèo. Ảnh: V.C

8 tháng sau khi Nông hội chăn nuôi bò ra mắt, xã đã vận động các Mạnh Thường Quân hỗ trợ 2 con bò sinh sản trị giá hơn 20 triệu đồng giao cho 2 thành viên chăm sóc. Khi bò đẻ bê con một thời gian thì chuyển giao bò mẹ cho thành viên khác nuôi. Đây là động lực giúp các thành viên phát triển đàn vật nuôi, tăng thu nhập.

Là 1 trong 2 thành viên đầu tiên được nhận bò hỗ trợ, bà Nay HNhit (buôn Hiao) vui mừng khi bò mẹ đã đẻ bê con khỏe mạnh được 3 tháng. Bà dự kiến nuôi thêm khoảng 3 tháng nữa sẽ báo lại Ban Chủ nhiệm Nông hội để chuyển bò mẹ cho thành viên khác tiếp tục chăm sóc. Bà HNhit chia sẻ: “Hiện đàn bò của gia đình đã tăng lên 5 con. Được các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, tôi trồng 2 sào cỏ làm thức ăn cho bò, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, đồng thời tiêm phòng đầy đủ. Tôi cũng như nhiều thành viên trong Nông hội mong muốn được các cấp hỗ trợ triển khai việc thụ tinh nhân tạo để lai tạo đàn bò, cải tạo giống, nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho bà con nông dân”.

Năm 2022, Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê buôn Chư Băh A ra mắt với 15 thành viên. Các thành viên đều có cùng sở thích nên quá trình chăn nuôi đã phát huy được tính cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm, tìm cách tháo gỡ khó khăn. Đến nay, đàn dê của Tổ hội đã tăng lên hơn 150 con. Chị Ksor HNhut bộc bạch: “Khi tham gia Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê, tôi được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn làm chuồng trại hợp vệ sinh, chia chuồng trại thành từng ngăn nhỏ nhốt riêng dê mẹ và dê con để có chế độ bổ sung dinh dưỡng, khẩu phần ăn hợp lý. Đàn dê sinh sản khỏe, mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con. Từ đầu năm đến nay, tôi xuất bán 12 con dê con được 15 triệu đồng”.

Theo chị Nay H'Blen-Chủ tịch Hội Nông dân xã: Nhận thức rõ vai trò của kinh tế tập thể trong công tác xóa đói giảm nghèo, 5 năm qua, Hội Nông dân xã đã thành lập 4 tổ hội nghề nghiệp gồm: chăn nuôi dê, trồng chuối, trồng lúa năng suất cao và trao đổi ngày công. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tổ hội nghề nghiệp là “5 tự, 5 cùng”. Trong đó, 5 tự gồm: tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm; 5 cùng gồm: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi.

Với ưu thế mô hình tổ chức gọn, thành viên cùng ngành nghề, lĩnh vực, nhu cầu nên việc xây dựng nội dung sinh hoạt ở tổ hội, nông hội thuận lợi, thiết thực. Qua mỗi buổi sinh hoạt, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã lồng ghép cung cấp thông tin về thời tiết nông vụ, thị trường, giá cả, thiết bị, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất, các loại giống cây-con mới, biện pháp phòng trừ dịch bệnh, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tiếp cận nguồn vốn vay… Nội dung sinh hoạt gắn với nhu cầu từ thực tế cuộc sống và quá trình lao động sản xuất kinh doanh của nông dân nên thành viên tham gia sinh hoạt đông đủ. Từ chỗ sản xuất đơn lẻ, manh mún, khi tham gia nông hội, tổ hội nghề nghiệp, người nông dân đã liên kết cùng nhau, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

Đoàn kết giúp nhau thoát nghèo

Với mong muốn tạo việc làm cho người lao động tại chỗ, đảm bảo thời vụ trong lao động sản xuất, năm 2020, Tổ hội nghề nghiệp trao đổi ngày công được thành lập tại buôn Hiao gồm 20 thành viên. Từ dựng nhà, xuống giống, làm cỏ, thu hoạch, chỉ cần được Tổ trưởng thông báo, các thành viên tập hợp lại giúp đỡ lẫn nhau. Gia đình người được hỗ trợ chuẩn bị nước uống, còn các thành viên tự chuẩn bị cơm mang theo. Sau 4 năm thành lập, Tổ hội đã góp phần thay đổi nếp nghĩ cách làm của người dân trong lao động sản xuất, không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư mà còn tăng hiệu quả kinh tế.

Các thành viên Tổ hội nghề nghiệp trao đổi ngày công giúp đỡ nhau trong sản xuất. Ảnh: V.C
Các thành viên Tổ hội nghề nghiệp trao đổi ngày công giúp đỡ nhau trong sản xuất. Ảnh: V.C

Chị Nay H'Nhơm-Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp trao đổi ngày công-cho hay: Tuy mỗi gia đình có 1 người tham gia Tổ hội nhưng khi có công việc, cả nhà 3-4 người trong độ tuổi lao động đều sẵn sàng giúp đỡ. Thay vì chờ chủ nhà thông báo, thường khi chiều tối, mọi người chủ động hỏi thăm nhau về công việc của mỗi gia đình, từ đó phân công, bố trí giúp đỡ nhau kịp thời. “Cách đây 1 tuần, khi nghe tin gia đình tôi chuẩn bị thu hoạch 1 ha mì, 10 thành viên trong Tổ tình nguyện giúp đỡ ngày công. Công việc lẽ ra phải nửa tháng mới xong nhưng khi có sự giúp đỡ của Tổ thì chỉ cần 2 ngày. Không tốn chi phí thuê nhân công, thương lái thu mua mì tươi tại ruộng với giá 3.200 đồng/kg nên gia đình tiết kiệm được chi phí. Tới đây, khi các gia đình khác có công việc, tôi sẽ giúp lại”-chị HNhơm phấn khởi nói.

Mặc dù mới ra mắt vào cuối năm 2021, nhưng đến nay, Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xã Chư Băh đã gặt hái nhiều kết quả đáng mừng. Năm 2022, toàn xã có 270 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 1 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 3 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp thị xã. Những điển hình sản xuất kinh doanh giỏi không chỉ tiên phong, mở hướng làm ăn, đánh thức tiềm năng, lợi thế của địa phương mà còn là tấm gương, động lực để các hộ nghèo học tập, vươn lên.

Chị Nay H'Đuen là tấm gương vượt khó làm giàu tại buôn Hiao. Chồng qua đời năm 2011 vì bệnh hiểm nghèo khiến cuộc sống của gia đình chị thêm khó khăn. Góa bụa khi mới ngoài 20 tuổi, một mình chị gồng gánh nuôi 2 con nhỏ. Vừa làm mẹ, vừa làm cha, chị tự mình làm hết việc nhà, việc rẫy. Nhìn chị điều khiển xe công nông chở nông sản, nhiều người không giấu được sự cảm phục. Với 1 ha rẫy và 4 sào lúa nước cha mẹ để lại, chị luân phiên trồng mía, mì, đậu đỏ và lúa. Cùng với số tiền tiết kiệm được, chị vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội mua thêm đất canh tác. Với 2 ha mía, 1 ha mì, 4 sào lúa nước và 5 sào đậu đỏ, mỗi năm, gia đình chị thu về trên 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Chị HĐuen trải lòng: “Nhờ được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên tôi biết cách đưa giống cây trồng mới năng suất cao vào sản xuất. Vụ mùa này, tôi thu hoạch 4 sào lúa OM4900, thương lái mua lúa tươi tại ruộng với giá 6.600 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi 10 triệu đồng. Mì và mía thu hoạch vào dịp giáp Tết. Năm nay, nông sản được mùa, được giá nên bà con ai cũng phấn khởi. Cuộc sống bớt khó khăn rồi, tôi động viên 2 con cố gắng học hành để sau này có công việc ổn định. Tôi cũng hướng dẫn chị em trong buôn cách tiết kiệm trong chi tiêu để vươn lên thoát nghèo”.

Theo ông Lê Văn Tuân-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Băh: Mô hình nông hội, chi-tổ hội nghề nghiệp là hình thức tập hợp, tuyên truyền, vận động nông dân rất hiệu quả. Không chỉ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích của hội viên nông dân mà còn góp phần phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Nhiều hộ dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi trâu. Ảnh: N.M

Nuôi trâu làm giàu cơ nghiệp

(GLO)- Cách đây hơn 40 năm, các hộ dân tộc Tày, Nùng từ một số tỉnh phía Bắc vào xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp đã mang theo tập quán chăn nuôi trâu để phục vụ sản xuất. Về sau, người dân chuyển sang nuôi trâu thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

(GLO)- Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Mặc dù mùa mưa đã qua gần hết nhưng đến nay, diện tích cà phê tái canh và ghép cải tạo mới được hơn 1.840 ha, đạt 76,7% kế hoạch.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.