Chọn quê hương làm “bến đỗ”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không phải ngẫu nhiên khi cả 2 gia đình gốc Gia Lai đang sống ở nước ngoài mà chúng tôi trò chuyện gần đây đều chia sẻ: Họ khuyến khích con học tiếng Việt để không quên nguồn cội; thêm nữa, nếu mai này con có mong muốn trở về Việt Nam làm việc thì ngôn ngữ là lợi thế.

Vì sao lại là Việt Nam trong khi họ đang sinh sống ổn định ở những đất nước phát triển như: Singapore hay đô thị sầm uất bậc nhất thế giới như Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc)? Là bởi, theo nhận định của họ, Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ nên cần đón đầu.

Trong khi nhiều người đang tìm kiếm cho bản thân và gia đình một nơi cư trú, làm việc lý tưởng ở các nước khác thì một bộ phận người Việt ở nước ngoài lại chuẩn bị tâm lý cho cuộc trở về. Như vợ chồng một người bạn tôi, cũng sinh ra, lớn lên tại Gia Lai, sau nhiều năm định cư ở Đức đã quyết định đưa cả gia đình 5 người về Bình Dương làm việc, học tập.

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Gia Lai tặng quà cho học sinh người Việt tại tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia). Ảnh: Đơn vị cung cấp

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Gia Lai tặng quà cho học sinh người Việt tại tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia). Ảnh: Đơn vị cung cấp

Mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 501/KH-UBND nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 169/NQ-CP ngày 31-12-2021 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (giai đoạn 2021-2026) trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của kế hoạch là tăng cường công tác vận động người Gia Lai ở nước ngoài ổn định và phát triển cuộc sống; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh sống, hòa nhập vào cộng đồng nước sở tại. Bên cạnh đó tạo cơ hội để người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc, sinh sống và đầu tư tại Gia Lai, từ đó có những đóng góp tích cực, hiệu quả về vật lực, tài lực cho tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung.

48 năm sau ngày thống nhất đất nước, một trong những vấn đề lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm là hòa giải, hòa hợp dân tộc giữa người Việt trong và ngoài nước. Như nhà thơ Thanh Thảo từng chia sẻ đầy tâm tư: “Trong chiến tranh, tôi đã có 6 năm làm báo chuyên viết về hòa giải và hòa hợp dân tộc nên tôi thấm thía với hành trình tuy đầy khó nhọc nhưng nhất định phải đi này. Tất cả cũng vì sự thống nhất trọn vẹn, cả Tổ quốc và lòng người, của Việt Nam”.

Tại Kế hoạch số 501, UBND tỉnh đề ra nhiệm vụ tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hiện chủ trương đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc với người Việt Nam ở nước ngoài; kiên trì vận động những cá nhân kiều bào còn định kiến dần xóa bỏ mặc cảm; chủ động, kiên quyết đấu tranh với luận điệu xuyên tạc, hành động đi ngược lại lợi ích quốc gia-dân tộc bằng nhiều hình thức linh hoạt. Mặt khác, khen thưởng, động viên phù hợp, kịp thời các tập thể, cá nhân, người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và sự phát triển của tỉnh nhà.

Với đặc thù là tỉnh giáp biên giới Campuchia, Gia Lai cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho kiều bào đang làm ăn, sinh sống tại nước bạn. Theo đó, Kế hoạch số 501/KH-UBND yêu cầu triển khai các biện pháp tổng thể hỗ trợ đồng bào, nhất là kiều bào tại Campuchia có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi vào xã hội sở tại; tăng cường công tác nắm tình hình, tiếp tục trao đổi, tiếp xúc, duy trì mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống tốt đẹp với chính quyền các tỉnh Đông Bắc Campuchia nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người dân gốc Việt tại đây.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tập hợp, tiếp thu ý kiến của kiều bào đóng góp cho các chủ trương, chính sách lớn và các vấn đề quan trọng của đất nước, của tỉnh. Đồng thời đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho người gốc Việt tại Campuchia ở các tỉnh giáp biên giới với tỉnh Gia Lai; cấp học bổng cho con em người Việt Nam ở nước ngoài về học tập tại tỉnh.

Những chính sách cởi mở trên chính là lời khẳng định về trách nhiệm của tỉnh nhà, của đất nước đối với những người Việt xa quê hương. Hy vọng từ chính sách đến việc thực thi luôn nhất quán, kịp thời để cầu nối lòng người trong-ngoài nước được thiết lập bền vững. Không gì vui hơn khi những công dân toàn cầu gốc Việt chọn quê hương làm “bến đỗ”.

Có thể bạn quan tâm

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.