Chân dung một người cộng sản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trại giam tù binh Pleiku do Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa xây dựng và quản lý từ năm 1966 đến 1972 đã giam giữ khoảng 4 ngàn chiến sĩ cách mạng, trong đó có ông Nguyễn Kim Hùng. Hơn nửa thế kỷ qua, thông tin về người Bí thư Đảng ủy đầu tiên của trại giam còn ít người biết đến. Từ những tài liệu thành văn được gia đình lưu giữ, bài viết là phác thảo ban đầu về người cộng sản kiên cường này.

Bước khởi đầu

Ông Nguyễn Kim Hùng trước khi bị bắt, năm 1966 (ảnh tư liệu do gia đình cung cấp).

Ông Nguyễn Kim Hùng trước khi bị bắt, năm 1966 (ảnh tư liệu do gia đình cung cấp).

Không nhiều người biết ngoài tên thường dùng Nguyễn Kim Hùng, tên khai sinh Nguyễn Học, ông còn có các bí danh Nguyễn Kim Anh, Ba Anh hay Năm, Quyết; sinh ngày 1-4-1931 tại xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Tháng 8-1945, quê hương Quảng Ngãi sục sôi khí thế cách mạng. Khi phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh, nhiều nơi thuộc huyện Mộ Đức khởi nghĩa, cậu bé Nguyễn Kim Hùng gia nhập Đội TNTP xã. Năm 1946, Nguyễn Kim Hùng trải qua 1 năm rèn luyện tại Trường Lục quân trung học Quảng Ngãi. Mãn khóa, ông được biên chế vào Đại đội 5 (Ba Tơ), Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 67, trước khi chuyển sang Ban Chính trị Trung đoàn 126, Bộ Tư lệnh Liên khu 5. Đến tháng 8-1953, ông đã là Trung đội phó của Tiểu ban Quân báo Tỉnh đội Quảng Ngãi.

Sau 1 năm được biệt phái sang Đoàn Tuồng của Ty Văn hóa, từ cuối năm 1954, ông trở lại quân đội với nhiệm vụ mới ở Đoàn Văn công thuộc Bộ Tư lệnh Liên khu 5. Tháng 4-1955, ông cùng đơn vị tập kết ra Bắc, học chỉnh huấn cải cách ruộng đất 3 tháng. Sau đó, ông trở thành văn công Sư đoàn 324, sáng tác, biểu diễn phục vụ “Sửa sai” trong tỉnh Thanh Hóa.

Năm 1964, khi Nhà hát Tuồng Việt Nam được thành lập, ông Nguyễn Kim Hùng được điều động về nhận nhiệm vụ mới. Đây cũng là giai đoạn ông sáng tác về các nhân vật lịch sử Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản… 2 năm sau, ngày 3-2-1966, ông và đồng đội vào Nam. Ngày 28-3-1966, đơn vị tập kết ở Khu 5. Tại đây, Đoàn văn công nhân dân Giải phóng miền Trung Trung Bộ được thành lập. Sau đó không lâu, giữa tháng 9-1966, ông bị lính Mỹ thuộc Sư đoàn Không vận số 1 bắt, khởi đầu những năm tháng tù ngục.

Những năm tháng tù đày

Ông Nguyễn Kim Hùng bị chế độ Việt Nam Cộng hòa giam cầm gần 7 năm ở Pleiku và Phú Quốc. Theo bản tự khai viết 6 tháng sau ngày được trả tự do tại Thạch Hãn, sáng 13-9-1966, khi đang trên đường công tác, ông và 11 đồng đội bị Mỹ đổ quân bắt tại khu vực Gò Loi, xã Ân Tường, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Ngay sau đó, đoàn bị đưa về An Khê rồi được chuyển vào Trại giam tù binh Pleiku để phân loại và khai thác thông tin. Biết Nguyễn Kim Hùng là “thành phần nguy hiểm”, ngày 10-10-1966, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa đưa ông đi thẩm vấn tại Sài Gòn, rồi trả về Pleiku ngày 12-1-1967.

Phần lớn người bị bắt ở Gò Loi hôm ấy đã không phản bội lý tưởng của mình. Đáng tiếc, 2 cá nhân vì không chịu được đòn roi đã chiêu hồi. Đây là lý do mà một đảng viên được kết nạp vào Đảng từ năm 1949 như ông Nguyễn Kim Hùng khó có thể che giấu được thân phận mình. Sau này, khi viết trong lý lịch của mình, ông nhấn mạnh rằng, cách duy nhất để giữ vững khí tiết là chấp nhận cực hình tra tấn.

Theo di bút của ông Nguyễn Kim Hùng, trong những lần thẩm vấn, địch hỏi rất nhiều, nhưng chủ yếu thăm dò hành lang vào Nam, về tổ chức đơn vị, khu vực đóng quân, cách thức quản lý đảng viên, đoàn viên, những nơi đã qua... Mặc dù đã có kẻ thông tin cho địch, ông vẫn một mực khai rằng, mình tình nguyện vào Nam, nhưng mới vào đã bị bắt, đường đi toàn rừng núi nên không nhớ những nơi đã qua là ở đâu.

Trại giam tù binh Pleiku-1968. Ảnh tư liệu do tác giả bài viết sưu tầm

Trại giam tù binh Pleiku-1968. Ảnh tư liệu do tác giả bài viết sưu tầm

Về Đảng, ông trả lời, mình không phải là đảng viên. Tiêu chuẩn vào Đảng rất cao mà ông lại là văn nghệ sĩ hay rượu chè nên không được kết nạp. Đoàn gồm nhiều cá nhân được rút về từ các nơi, bản thân không phải là đảng viên nên không biết ai là đảng viên, đoàn viên. Về tổ chức, ông trả lời: Đoàn có 19 người, Đoàn trưởng đi tìm Đoàn phó lạc đường, rồi cả 2 cùng bị lạc nên không ai bị bắt. Còn về địa điểm, ông trả lời, đây là đoàn văn công nhân dân nên chỉ phục vụ Nhân dân. Vào ban đêm, khi đi diễn, có người dẫn đường, xong việc lại đưa về rừng ở nên không biết đó là đâu, muốn biết cũng không dám hỏi ai, không ai dám trả lời.

Vì công việc, tôi đã có nhiều ngày ngồi đọc tài liệu về hệ thống trại giam, nhà tù của chế độ cũ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (TP. Hồ Chí Minh). Tôi hiểu một cách sâu sắc rằng những câu trả lời như trên của ông Nguyễn Kim Hùng không bao giờ “qua mặt” được đội ngũ an ninh lão luyện của đối phương cùng sự tiếp tay từ những kẻ “hồi chánh”.

Sau 2 năm ở Pleiku, từ tháng 5-1968 cho đến khi được trả tự do (tháng 2-1973), ông Nguyễn Kim Hùng bị đày đọa tại Phú Quốc. Có một điều khá thú vị là ông còn trở lại Pleiku thêm một lần nữa. Đó là từ tháng 1-1972 đến tháng 5-1972, khi ông bị địch đưa từ Phú Quốc về quản thúc tại đây cùng 18 đồng đội khác.

Theo tài liệu của gia đình, khi ở Phú Quốc, ông Nguyễn Kim Hùng tiếp tục giữ vai trò Bí thư Đảng ủy Phân khu giam D3, Đảng ủy viên, Ủy viên Thường vụ phân khu A2, B2, B4… Ông từng bị biệt giam, đày ải, nhưng đã kiên cường vượt qua tất cả để trở về.

Hoạt động trong lòng địch

Sau năm 1975, các cựu tù đã ghi chép lại việc hình thành tổ chức Đảng. Đó là ngày 3-2-1967 lịch sử, khoảng 7 giờ tối, trong nhà bếp Trại giam, các đảng viên: Nguyễn Kim Hùng, Thiếu úy Lại Văn Hiếu (quê Hà Nam), Trung sĩ Nguyễn Kinh (Thái Bình) và ông Nguyễn Hải Liên (Ninh Thuận) đã quyết định thành lập chi bộ. Theo ông Nguyễn Hải Liên (sau này là Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Ninh Thuận), Thiếu úy Lại Văn Hiếu, trưởng toán nấu bếp giữ vai trò Bí thư đầu tiên của Chi bộ 3-2. 3 tháng sau, 3 chi bộ cùng 3 chi đoàn mới tiếp tục được thành lập, dẫn đến sự ra đời của Đảng ủy Trại giam tù binh Pleiku.

Theo hồi ký “Vết son thời gian” (Sở Văn hóa Thông tin-Bảo tàng tỉnh Gia Lai, 1999), vào cuối tháng 6-1967, tại khu vực sân bóng của Trại giam, Đảng ủy được thành lập và ông Nguyễn Kim Hùng được bầu làm Bí thư Đảng ủy kiêm Bí thư Chi bộ Lực lượng vũ trang miền Nam. Vẫn theo cựu tù Nguyễn Hải Liên, giai đoạn này, toàn trại có 4 chi bộ (khoảng 30 đảng viên), 4 chi đoàn (40 đoàn viên). Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các chủ trương của Đảng ủy vẫn được bí mật triển khai hiệu quả. Theo lời kể của nhân chứng, việc ông Liên được cài cắm vào Phòng Y tế để làm đầu mối liên lạc, xây dựng cơ sở chính là do Đảng ủy Trại giam khi đó sắp xếp.

Một phần địa điểm từng là Trại giam tù binh Pleiku nay trở thành nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Ảnh: N.Q.T

Một phần địa điểm từng là Trại giam tù binh Pleiku nay trở thành nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Ảnh: N.Q.T

Từ đầu năm 1968, Trại giam tù binh Pleiku được mở rộng gấp đôi quy mô ban đầu, bao gồm khu 1 và 2, mỗi khu có vài chục dãy nhà, mỗi dãy nhà là nơi giam giữ hàng trăm tù binh. Vai trò của tổ chức Đảng tại đây cũng theo đó nặng nề hơn. Bên cạnh các hoạt động thể thao, văn nghệ lồng ghép yếu tố chính trị, Đảng ủy Trại giam còn chủ trương tổ chức hàng loạt cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Cùng với đó, việc tiêu diệt ác ôn, thủ tiêu chiêu hồi cũng được lên kế hoạch. Thông tin từ các cựu tù Pleiku cho thấy, việc giết tên Võ Trọng Thu, dằn mặt tên Trương Xuân (đều là chiêu hồi) đã tạo nên uy tín cho tù binh.

Cùng với diệt ác, việc phát triển đoàn viên, đảng viên trong Trại giam tù binh Pleiku cũng được Đảng ủy quan tâm đặc biệt. Mẩu chuyện kể việc kết nạp đảng viên nữ Cao Thị Ngọc Liễu với “tờ” quyết định là chiếc khăn vải thêu dòng mật ngữ đã cho thấy sự linh hoạt, bí mật của tổ chức Đảng cơ sở dưới nanh vuốt của kẻ thù như thế nào.

Không hề dễ khi một Đảng ủy tồn tại bí mật trong lòng địch. Ở đó, người lãnh đạo cao nhất chắc chắn luôn đối mặt với hiểm nguy rình rập. Bằng uy tín và bản lĩnh của một cán bộ trẻ nhưng đã có gần 20 năm tuổi Đảng khi mới “nhập trại”, ông Nguyễn Kim Hùng đã vượt qua tất cả. Tháng 9-1966 bị địch bắt; tháng 2-1967, ông tham gia thành lập Chi bộ 3-2; đến tháng 7-1967, ông trở thành Bí thư Đảng ủy đầu tiên. Có thể nói, ngay từ rất sớm, ông Nguyễn Kim Hùng đã trở thành người chèo lái con thuyền của Đảng ở nơi này. Phẩm chất thủ lĩnh trong ông còn tiếp tục được trui rèn và khẳng định tại Phú Quốc suốt gần 5 năm sau đó, khi rời Pleiku.

Những mảnh ghép đời thường

Ông Nguyễn Kim Hùng có một số phận khá đặc biệt. Cha mất lúc 4 tuổi, mẹ đi lấy chồng, ông về ở cùng bà ngoại. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông vào Đội TNTP rồi thoát ly quê hương. Khi 2 miền chia đôi, ông tập kết ra Bắc rồi lại trở vào Nam chiến đấu, bị bắt và được trả tự do.

Những chuyến công tác và thời gian hoạt động tại Nghệ An trước khi vào Nam đã giúp nhà viết kịch trẻ Nguyễn Kim Hùng bén duyên cùng nữ y tá Nguyễn Thị Minh Nguyệt của Đoàn Chèo Nghệ An. Người con trai út mang tên Nguyễn Kim Anh, chính là bí danh mà ông Nguyễn Kim Hùng sử dụng trong Trại giam tù binh Pleiku, nơi ông mang số tù 0202.

Ông Nguyễn Kim Hùng đã hoàn thành mọi nhiệm vụ được tổ chức phân công. Là tác giả của nhiều kịch bản lịch sử có tiếng, ông từng là Trưởng đoàn Tuồng Liên khu 5, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Nghĩa Bình, sau 1975. Ông mất năm 1983 khi mới ngoài tuổi 50. Di chứng vô số trận tra tấn và sự đày đọa vô nhân tính nơi “địa ngục trần gian” đã không cho ông được nhìn thấy nhiều hơn sự đổi thay của đất nước. Ngày nay, nhắc đến Trại giam tù binh Pleiku, những người yêu quý lịch sử vẫn luôn nghĩ về ông với tình cảm trân trọng nhất.

Có thể bạn quan tâm

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn trao tặng phần quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho người dân, cán bộ thôn Hà Ra, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang. Ảnh: N.N

Tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

(GLO)- Phát huy truyền thống 94 năm Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam-MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024), Mặt trận các cấp trong tỉnh Gia Lai đã thể hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

(GLO)- Những năm gần đây, Trung ương và các cấp chính quyền của tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều công trình, dự án chống sạt lở bờ sông, suối. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn nên chưa thể đầu tư rộng khắp, tình trạng sạt lở bờ sông, suối ở một số nơi vẫn xảy ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp dự Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại huyện Phú Thiện

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp dự Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại huyện Phú Thiện

(GLO)- Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930- 18/11/2024), sáng 16-11, đồng chí Dương Mah Tiệp- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đến dự và chung vui với người dân Tổ Dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện) trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Nguyễn Mạnh Tuân (bìa phải)-Bí thư Chi bộ làng Khôn trao đổi về công tác chuẩn bị đại hội chi bộ với lãnh đạo Đảng ủy xã Ia Mơ. Ảnh: P.D

Làng Khôn gặp khó về công tác cán bộ

(GLO)- Theo kế hoạch, đầu năm 2025, làng Khôn (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) sẽ tiến hành bầu trưởng thôn và tổ chức Đại hội Chi bộ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2027. Tuy nhiên, làng Khôn vẫn còn khó khăn trong công tác cán bộ và phát triển đảng viên.