Thị trường London nghỉ lễ, chỉ có sàn New York mở cửa và giá cà phê tiếp tục giảm mạnh với mức giảm lên đến 3 con số. Kỳ hạn tháng 7 giảm 122,1 USD xuống còn 4.307 USD/tấn. Kỳ hạn tháng 9 giảm 109 USD còn 4.283 USD/tấn và tháng 12 giảm 100 USD/tấn xuống 4.271 USD/tấn.
Chất lượng cà phê robusta Việt Nam là điều rất khó thay thế trong công thức pha chế đối với các nhà rang xay thế giới. Ảnh: MINH ĐĂNG |
Giá cà phê arabica tại Brazil, kỳ hạn tháng 7 tiếp tục giảm thêm 161,7 USD/tấn xuống còn 5.352 USD/tấn.
Giá cà phê Tây nguyên giảm thêm 1.000 đồng/kg. Tại Đắk Nông và Đắk Lắk còn 100.000 đồng/kg, Gia Lai 99.500 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 99.000 đồng/kg.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 4 xuất khẩu cà phê đạt sản lượng 148.000 tấn, kim ngạch 572 triệu USD; dù giảm đến 9,5% về sản lượng nhưng tăng tới hơn 42% về kim ngạch. Lũy kế 4 tháng đầu năm xuất khẩu cà phê của Việt Nam lên đến 726.000 tấn và kim ngạch 2,5 tỉ USD, lượng chỉ tăng 1% nhưng giá trị tăng đến 40%.
Nếu tính cả niên vụ 2023 - 2024, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,1 triệu tấn với giá trị tương đương 3,6 tỉ USD. Hiện tại, lượng cà phê tồn kho của Việt Nam không còn nhiều, một số chuyên gia ước tính chỉ khoảng 300.000 tấn và còn đến khoảng 5 tháng nữa mới vào vụ thu hoạch niên vụ 2024 - 2025. Điều này cho thấy nguồn cung cà phê của Việt Nam ra thị trường vẫn rất hạn chế.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca Cao Việt Nam (VICOFA) phân tích: "Thời gian qua, giá cà phê tăng rất cao. Các nhà rang xay thế giới tìm đến các nguồn cung khác như Indonesia hay Brazil. Hạt cà phê robusta Việt Nam đã và vẫn đóng vai trò quan trọng trong công thức pha chế họ. Thế nên, những dao động thị trường hiện tại chỉ là bình thường và có thể chỉ trong ngắn hạn".