Bảo đảm dữ liệu dân cư luôn "đúng, đủ, sạch, sống"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với vai trò là cơ quan thường trực tham mưu giúp UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo triển khai Đề án số 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Công an tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp công tác, bước đầu đạt những kết quả quan trọng.

Để thực hiện Đề án số 06 đạt hiệu quả cao, ngay từ khi triển khai, Công an tỉnh đã tham mưu giúp UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án và ban hành văn bản hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung theo lộ trình của Đề án. Trong đó, Công an tỉnh đã tham gia góp ý 3 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và Bộ Công an; nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, Công an các xã, phường, thị trấn đã thu thập và làm sạch 1.669.226 dữ liệu dân cư trên tổng số 1.670.694 công dân đăng ký thường trú (đạt tỷ lệ 99,9%).

 Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh). Ảnh: Nguyễn Hữu
Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh). Ảnh: Nguyễn Hữu
 Đại tá Lê Văn Hà-Phó Giám đốc Công an tỉnh: “Công an tỉnh đề nghị mọi công dân từ đủ 14 tuổi trở lên chưa làm CCCD, chưa đăng ký tài khoản định danh điện tử thì liên hệ với Công an huyện, thị xã, thành phố nơi đăng ký thường trú hoặc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội để được cấp thẻ CCCD gắn chip, tài khoản định danh và sử dụng các tiện ích do thẻ CCCD mang lại”.

Tính đến hết ngày 31-3, toàn tỉnh thu nhận 1.060.560 hồ sơ trên tổng số 1.240.715 công dân từ đủ 14 tuổi trở lên (đạt tỷ lệ 85,5%). Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã in trả 978.497 thẻ căn cước công dân (CCCD). Ngoài ra, Công an các địa phương đã hướng dẫn và cấp tài khoản định danh điện tử cho 2.497 trường hợp công dân có yêu cầu.

Công an toàn tỉnh cũng đã phối hợp tuyên truyền để người dân hiểu, đăng ký, sử dụng định danh điện tử khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Thực hiện tích hợp, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu dân cư giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công của tỉnh, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh. Đồng thời, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin, trong đó Trung tâm Dữ liệu của tỉnh cũng đã triển khai giải pháp giám sát an toàn thông tin và được kết nối về Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Thành lập và triển khai các nhiệm vụ của đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin tỉnh, đảm bảo kịp thời xử lý, ứng cứu các sự cố mất an toàn an ninh mạng. Đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết và trả kết quả trên Cổng dịch vụ công quốc gia hơn 4.100 hồ sơ của 25 dịch vụ công thiết yếu trên tổng số hơn 4.300 hồ sơ tiếp nhận. Cùng với đó, Công an toàn tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cá nhân, tổ chức, doang nghiệp sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 do ngành Công an cung cấp. Đến nay, Công an toàn tỉnh đã triển khai 64 DVCTT trên các lĩnh vực như: quản lý hành chính về trật tự xã hội; phòng cháy chữa cháy; quản lý giao thông; xuất-nhập cảnh…

Về việc thực hiện Đề án số 06 và nâng cao hiệu quả, tỷ lệ sử dụng các DVCTT mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh, Đại tá Lê Văn Hà-Phó Giám đốc Công an tỉnh-khẳng định: Công an tỉnh đã tích cực tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các nội dung của Đề án. Bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Thông báo đầy đủ mã số định danh cho công dân, triển khai cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện, gắn với cấp tài khoản định danh điện tử, tài khoản ngân hàng để thực hiện các tiện ích. Tiếp tục phối hợp các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân hiểu, nhận thức đầy đủ về những lợi ích DVCTT mang lại, từ đó đồng thuận, ủng hộ và tích cực sử dụng các dịch vụ công do ngành Công an cung cấp.

Cũng theo Đại tá Lê Văn Hà, thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tổ chức khảo sát đánh giá dư luận về kết quả thực hiện DVCTT để kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế nhằm có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc cung cấp, giải quyết các DVCTT, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là bảo đảm an ninh, an toàn thông tin số phục vụ triển khai DVCTT mức độ 3, 4. Triển khai tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính qua DVCTT, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

 

NGUYỄN HỮU

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.