(GLO)- Với tình trạng khô hạn nghiêm trọng ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị đóng tất cả cửa rừng tự nhiên để cứu lấy lá phổi xanh cuối cùng, cứu lấy mái nhà Đông Dương. Dĩ nhiên, Gia Lai không thể đứng ngoài cuộc chiến bảo vệ rừng đầy cam go này.
Từ trước đến nay, cùng với tiềm năng thủy điện, rừng và đất rừng đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Hàng ngàn MW từ công suất các nhà máy thủy điện, hàng triệu mét khối gỗ khai thác cùng với lâm sản dưới tán rừng đã đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách tỉnh, giải quyết nhiều việc làm, cùng nhiều lợi ích khác. Đó là những ưu đãi tự nhiên mà Gia Lai riêng có.
Cao su thoi thóp trên đất Ia Mơr (huyện Chư Prông) sau dự án chuyển đổi 50.000 ha rừng sang trồng cao su. Ảnh: N.D |
Dựa trên tiềm năng rừng và đất rừng
Tài liệu “Gia Lai thế và lực mới thế kỷ XXI” như một lời mời chào nhà đầu tư đến với địa phương làm ăn và gắn bó lâu dài, công bố: Tỉnh Gia Lai có diện tích tự nhiên 15.485 km2. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp có gần 1 triệu ha, đất rừng 729.000 ha với trữ lượng gỗ 75,6 triệu m3. So với cả vùng Tây Nguyên, Gia Lai chiếm 28% diện tích đất lâm nghiệp, 30% diện tích rừng và 38% trữ lượng gỗ. Ngoài ra, rừng Gia Lai còn có khoảng 100 triệu ha tre nứa và các lâm sản có giá trị khác như: song mây, bời lời, sa nhân, các loại chim thú quý hiếm…
Cũng với tài liệu này, với trữ lượng hiện có, lượng gỗ khai thác hàng năm của tỉnh đạt tới 100.000-150.000 m3 (cả rừng trồng và rừng tự nhiên) đủ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ, bột giấy với quy mô lớn, chất lượng cao. Trong gần 35.000 ha rừng trồng thì có hơn 5.000 ha bạch đàn. Đồng thời, tỉnh cũng đã quy hoạch trên 20.000 ha đất trồng cây nguyên liệu phục vụ sản xuất giấy và bột giấy. Ngoài ra, tỉnh còn có hơn 280.000 ha đất trống đồi núi trọc có khả năng trồng rừng lấy gỗ, rừng phòng hộ bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan, trồng các loại cây công nghiệp dài và ngắn ngày.
Qua phân tích của giới khoa học, đất đai phù hợp với sản xuất nông nghiệp ở Gia Lai có gần 450.000 ha. Trong đó, hơn 180.000 ha cho cây hàng năm và 235.000 ha cây lâu năm. Nhưng diện tích này chỉ mới sử dụng hơn 390.000 ha, do đó tiềm năng phát triển nông nghiệp còn rất lớn. Và trong 7 nhóm đất chính trên địa bàn, nhóm đất bazan có 386.000 ha, tập trung chủ yếu ở vùng Tây Trường Sơn, rất thích hợp với cây công nghiệp dài ngày: cà phê, cao su, hồ tiêu; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn với những sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh…
Và những lợi ích
Không phủ nhận là với tiềm năng và thế mạnh đó, Gia Lai đã có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên để phát huy hợp lý. Trên thực tế, dựa trên thế mạnh kể trên, trong những năm qua, Gia Lai đã có có một bước tiến dài trên con đường phát triển. Tốc độ GDP tăng trưởng cao, duy trì gần 13% trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó, GDP trong nông-lâm nghiệp chiếm một tỷ trọng lớn-trên 35%-trong cơ cấu GDP của tỉnh.
Không thể phủ nhận là khai thác tiềm năng thế mạnh như rừng, đất rừng, thủy điện… Gia Lai hiện là tỉnh có tốc độ phát triển nhanh, hình thành được nền công nghiệp năng lượng quan trọng. Khai thác thủy năng của dòng sông lớn trên Tây Nguyên là sông Sê San, 6 dự án thủy điện khai thác từ các bậc thang của dòng sông này đã hình thành, với tổng công suất hàng ngàn MW. Ngoài ra, qua quy hoạch khảo sát, tỉnh còn có hàng trăm thủy điện nhỏ và vừa khác. Tiềm năng rừng đóng góp đáng kể vào sự phát triển của tỉnh, từ việc khai thác, chế biến, tiêu thụ theo quy hoạch, kế hoạch, trên nguyên tắc bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững của rừng. Những năm 80-90 của thế kỷ trước, theo anh Nguyễn Văn Hùng-nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, khi chưa có quyết định đóng cửa rừng từ hạn chế đến chấm dứt hẳn, không ít công trình của tỉnh hình thành từ việc đổi lấy tài nguyên rừng.
Tiềm năng đất đai giúp địa phương sớm hình thành các vùng chuyên canh tập trung cây nông nghiệp, công nghiệp có giá trị kinh tế cao với diện tích, năng suất, sản lượng lớn, gắn với các nhà máy, đủ điều kiện cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến. Hiện Gia Lai có diện tích cây cao su vào hàng lớn nhất nước với trên 120.000 ha, cà phê khoảng 80.000 ha, điều 25.000 ha, tiêu trên 15.000 ha, mía trên 38.000 ha…. đủ khả năng đáp ứng nguyên liệu cho các cơ sản xuất chế biến để có thể cung cấp cho thị trường địa phương, trong nước và xuất khẩu. Nhiều thương hiệu cà phê, hồ tiêu, hạt điều, cao su của tỉnh có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Hơn thế, sản phẩm gỗ tinh chế chất lượng cao của các doanh nghiệp tên tuổi như: Quốc Cường, Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai… chẳng những được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn tiêu thụ rất mạnh tại thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản…
Nhóm P.V kinh tế