Sự thay đổi này đã gây không ít khó khăn và thách thức, tuy nhiên, với bản lĩnh và tinh thần kiên quyết đấu tranh với tội phạm, các trinh sát Biên phòng đã lần lượt bóc trần các thủ đoạn và buộc đối tượng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Trùm” cuối là ai?
Thời gian qua, lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) BĐBP liên tục triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng cực lớn ở khu vực biên giới miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Có thể kể đến các chuyên án điển hình, như: Chuyên án A424p (tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Nam, tạm giữ điều tra 26 đối tượng, thu giữ 493,5kg ma túy các loại); Chuyên án QT 324 (bắt 8 đối tượng, thu giữ 100kg ma túy tổng hợp); Chuyên án A2-1122p (bắt 2 đối tượng, thu giữ 34 bánh heroin).
Tại phía Nam, Cục PCMT&TP BĐBP phối hợp với Cục C04, Bộ Công an; Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam, BĐBP các tỉnh Long An, Tây Ninh cũng xác lập nhiều chuyên án, bắt giữ số lượng từ vài cân đến vài chục kg ma túy, như: Chuyên án CA-A568p (bắt giữ 20 đối tượng, thu giữ 53 bánh heroin, 29kg methamphetamine, 11kg ketamine, hơn 300 gói bột ma túy); Chuyên án A3-824p (bắt 1 đối tượng cùng 25kg ma túy); Chuyên án TN-1024p (bắt 3 đối tượng, thu giữ 30kg ma túy đá ); Chuyên án A3-621 (bắt 1 đối tượng, thu giữ 50kg ma túy đá)... Câu hỏi đặt ra, ai là người điều hành các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy khủng này?
Từ kết quả đấu tranh chuyên án cho thấy, các “ông chủ lớn” người Lào thường trực tiếp lấy “hàng” từ khu vực Tam giác vàng hoặc trực tiếp giao dịch hay thông qua các “ông chủ nhỏ”, bắc cầu với đối tượng người Việt Nam sinh sống ở sát đường biên giới Việt Nam - Lào để giao dịch với khách hàng ở miền xuôi. Tuy nhiên, ở tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, danh tính các “ông trùm” khiến nhiều người bất ngờ, bởi các đối tượng người Việt Nam sang hẳn Campuchia để điều hành đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Trong Chuyên án CA-A568p (do Cục PCMT&TP BĐBP và Cục C04, Bộ Công an đồng chủ trì), sau khi bắt các đối tượng ở Việt Nam, Ban Chuyên án đã phối hợp với đại diện Cảnh sát tại AC5 và được sự thống nhất của Tổng cục Công an Quốc gia và Cục Chống ma túy Campuchia đã kiểm tra 10 địa điểm tại tỉnh Prey Veng và Thủ đô Phnom Penh, bắt giữ 8 đối tượng. Điều đáng nói là 7/8 đối tượng bị bắt giữ là người Việt Nam; có đối tượng đã mua chung cư ở Thủ đô Phnom Penh với giá 180.000 USD để làm nơi sinh sống và điều hành việc mua bán, vận chuyển ma túy.
Năm 2018, để tránh Cục C04, Bộ Công an truy bắt vì tội liên quan đến ma túy, Vũ Hoàng Anh (sinh năm 1957, quê quán Hải Phòng) bỏ trốn sang Campuchia. Tại đây, Vũ Hoàng Anh vẫn “ngựa quen đường cũ” tiếp tục “kinh doanh” ma túy. Ngày 23/9/2022, Vũ Hoàng Anh bị bắt và bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cáo buộc, từ năm 2019 - 2022 đã chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo đàn em vận chuyển trót lọt 1,6 tấn ma túy các loại từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ (tuy nhiên, Viện Kiểm sát chỉ truy tố 626kg có đủ chứng cứ và lời khai phù hợp).
“Đổi mới” thủ đoạn
Cử người đi xem tiền, cho khách thử chất lượng “hàng” rồi mới hẹn thời gian, điểm giao dịch là cách mua bán ma túy kiểu “truyền thống” được diễn ra khoảng 5 năm về trước. Tuy nhiên, thời gian trở lại đây, các “ông trùm” gần như không gặp trực tiếp giao dịch mà sử dụng mạng xã hội để liên lạc, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, chuyển tiền quốc tế; quá trình vận chuyển cũng được chia ra nhiều công đoạn, “việc ai người đấy biết” để khi một “mắt xích” bị chặt đứt, các “chân rết” khác cũng không bị lộ. Nhiều lần nhận tiền công từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng nhưng không ít kẻ (trong số 34 bị can trong vụ án vận chuyển 1,6 tấn ma túy từ Campuchia vào Việt Nam do Vũ Hoàng Anh cầm đầu) chỉ biết “bà trùm” thuê mình có nickname Colombia. Hay như Trần Văn Mển (trong Chuyên án A3-824p), mặc dù 2 lần nhận vận chuyển cho ông trùm ở Campuchia hơn 30kg ma túy, nhưng bản thân y không biết người thuê mình là ai, ở đâu.
Nhận thấy việc thuê người “gùi hàng” qua biên giới không được nhiều, dễ bị phát hiện, các đối tượng đã nghĩ ra cách “trộn” ma túy vào hàng hóa rồi bằng cách này, cách khác để đưa vào Việt Nam. Tuy nhiên, với việc xác lập chuyên án, lực lượng đánh án đã từng bước bóc trần các âm mưu, thủ đoạn của các “ông trùm”. Ngày 23/9/2019, Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung, Cục PCMT&TP BĐBP; BĐBP Quảng Trị phát hiện lô hàng 6 chiếc nồi cơm điện được kí gửi xe khách từ Viêng Chăn (Lào) về thành phố Đà Nẵng có 5kg ma túy đá. Ngày 26/7/2021, Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Trung, BĐBP Quảng Trị cũng phát hiện trong 10 can nước xả vải trên xe tải nhập cảnh từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cất giấu gần 6kg ma túy ketamine (được chia nhỏ vào các túi nilon và bọc kín bởi 2 lớp bao cao su).
Ngày 2/8/2022, tại thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam, miền Trung, BĐBP Quảng Trị bắt giữ 2 đối tượng khi nhận gói hàng kí gửi xe khách từ Lào là quạt gió ô tô, bên trong có 8 bánh heroin. Ngày 4/2/2023, Đồn Biên phòng Cầu Muống (BĐBP Đồng Tháp) bắt giữ một lô hàng máy lọc không khí của Nguyễn Viết Minh Anh (sinh năm 1997, trú tại thành phố Hồ Chí Minh). Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong 3/12 máy lọc không khí cất giấu 21 bánh heroin. Các đối tượng trong Chuyên án A424p đã “đại phẫu” những chiếc xe ô tô để cất giấu hàng trăm kg ma túy. Ngày 7/6/2024, BĐBP Hà Tĩnh và Đoàn Đặc nhiệm PCMT&TP miền Bắc, Cục PCMT&TP BĐBP phát hiện trong khung thép của 2 chiếc võng xếp (do 2 đối tượng người Lào mang theo trong quá trình nhập cảnh từ Lào vào Việt Nam) chứa đầy heroin...
Ngoài các loại ma túy quen thuộc, như: nhựa thuốc phiện, heroin, methamphetamine, ketamine, thì giờ đây, trên thị trường xuất hiện thêm nhiều loại ma túy thế hệ mới. Các loại ma túy này được núp bóng dưới dạng “nước vui” hoặc tẩm ướp trong thực phẩm đồ uống, thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu. Điều đáng nói là, có chất “bao phê” nhưng không thuộc danh mục chất cấm như khí N2O (được dân chơi gọi là khí cười).
Thời gian qua, BĐBP thành phố Đà Nẵng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển trái phép khí N2O. Tháng 10/2024, Phòng PCMT&TP, BĐBP thành phố Đà Nẵng phát hiện gần 800 bình khí N2O, loại 20 kg/bình nhưng lái xe và chủ xưởng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp. Khí N2O tạo cảm giác hưng phấn, gây ảo giác cho người hít phải nhưng lại không thuộc danh mục các chất bị cấm mà được quy định trong danh mục hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Việc gần 800 bình khí N20 này được phục vụ mục đích sản xuất lĩnh vực công nghiệp hóa chất và y tế nhằm chế tạo thuốc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hay tuồn vào các quán bar, pub bán cho các dân chơi, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố sẽ điều tra, làm rõ, nhưng rõ ràng, các cơ quan chức năng cần có sự tính toán kĩ hơn để tránh đối tượng “lách luật” không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo Trúc Hà (Báo Biên Phòng)
------------------------
Bài 3: Nguy cơ trẻ hóa đối tượng liên quan đến ma túy