91 trung tâm đăng kiểm ở 32 địa phương nguy cơ đóng cửa, gây ùn tắc diện rộng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
91 trung tâm đăng kiểm ở 32 địa phương nguy cơ đóng cửa trong 3 tháng nếu các địa phương đồng loạt xét xử các vụ án liên quan đến đăng kiểm vào tháng 7.

Thông tin trên được Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ngày 21/5.

"Nguy cơ ùn tắc tại một số tỉnh, thành và sẽ lan ra toàn quốc, đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai", Cục ĐKVN cảnh báo.

Hàng dài xe xếp hàng chờ kiểm định tại trung tâm đăng kiểm 29.03V chiều 17/5. (Ảnh: Minh Đức)

Hàng dài xe xếp hàng chờ kiểm định tại trung tâm đăng kiểm 29.03V chiều 17/5. (Ảnh: Minh Đức)

Hiện cả nước có 274/294 trung tâm đăng kiểm với 446/546 dây chuyền kiểm định đang hoạt động, với công suất tối thiểu 642.240 xe/tháng.

Nếu các trung tâm đăng kiểm vận hành bình thường sẽ đáp ứng hoàn toàn nhu cầu kiểm định xe của cả nước trong năm 2024 (tháng cao điểm nhất cả nước có hơn 500.000 xe kiểm định).

Tuy nhiên, các trung tâm đăng kiểm phân bố không đồng đều cộng với nhóm xe được gia hạn chu kỳ kiểm định, kéo dài chu kỳ kiểm định từ nửa đầu năm 2023 đã đến hạn kiểm định trở lại, khiến lượng xe đến hạn kiểm định tăng, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc cục bộ vào các tháng giữa và cuối năm 2024 ở 11 tỉnh, thành phố.

Tổng số lượng đăng kiểm viên trên toàn hệ thống kiểm định toàn quốc là 2.474 người. Số đăng kiểm viên đã bị khởi tố là hơn 900 người, trong đó số đăng kiểm viên bị khởi tố, hiện vẫn đang tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định là 291 người, số đăng kiểm viên thực tế đang tham gia hoạt động kiểm định hiện nay (bao gồm cả các đăng kiểm viên đã bị khởi tố nhưng hiện vẫn đang tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định) là 1.818 người.

Trong đó, Hà Nội có 113 đăng kiểm viên bị khởi tố, đang làm việc, TP.HCM có 54 đăng kiểm viên bị khởi tố, đang làm việc, tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định.

Như vậy, với lượng phương tiện đến kiểm định gia tăng và việc các cơ quan tố tụng đưa vụ việc ra xét xử trong thời gian tới thì cả nước có 36 địa phương có nguy cơ bị ùn tắc phương tiện đến kiểm định. Đặc biệt, sẽ có những địa phương không còn trung tâm đăng kiểm để hoạt động như Bắc Kạn và Thái Bình.

"Việc này sẽ ảnh hưởng và thậm chí dẫn đến ùn tắc phương tiện đến kiểm định tại các địa phương khác do sự dịch chuyển phương tiện từ 36 địa phương trên.

Ví dụ vừa qua có một số địa phương như Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái...mặc dù dư thừa năng lực kiểm định phương tiện của địa phương nhưng đã bị xảy ra tình trạng ùn tắc do lượng phương tiện kiểm định ở các địa phương khác bị ùn tắc di chuyển đến kiểm định", Cục Đăng kiểm dẫn chứng.

Nguy cơ ùn tắc tái diễn do thiếu đăng kiểm viên trong thời gian tới. (Ảnh minh họa: Minh Đức)

Nguy cơ ùn tắc tái diễn do thiếu đăng kiểm viên trong thời gian tới. (Ảnh minh họa: Minh Đức)

Để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới khi các vụ án được đưa ra xét xử và các đăng kiểm viên bị kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật, Cục ĐKVN đề xuất, về nguyên tắc, theo quy định của pháp luật thì các đăng kiểm viên sẽ bị thu hồi chứng chỉ và các đơn vị đăng kiểm sẽ bị xử lý bằng hình thức tạm đình chỉ hoạt động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tránh tình trạng ùn tắc đăng kiểm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải, Cục ĐKVN đề xuất sửa đổi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP7 với trình tự, thủ tục rút gọn, theo hướng loại trừ trường hợp thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên và tạm đình chỉ hoạt động của đơn vị đăng kiểm.

Cục ĐKVN đề xuất Bộ GTVT có văn bản đề nghị thành uỷ, tỉnh uỷ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ quan liên quan tại địa phương chuẩn bị các kịch bản, kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra.

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực miền Trung-Tây Nguyên

Hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực miền Trung-Tây Nguyên

(GLO)- Ngày 9-11, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Ủy ban Dân tộc tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (giai đoạn 2021-2025) khu vực miền Trung-Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn 2026-2030.