75 năm Thi đua ái quốc: Khen đúng người, thưởng công minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: Khen thưởng chính xác, kịp thời có tác dụng động viên, giáo dục và nêu gương, đồng thời cổ vũ thi đua phát triển lên tầm cao mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu dự Đại hội Chiến sỹ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc tại Việt Bắc (1-6/5/1952). (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu dự Đại hội Chiến sỹ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc tại Việt Bắc (1-6/5/1952). (Ảnh: TTXVN)

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến toàn quốc và cũng nhằm hiệu triệu nhân dân hưởng ứng phong trào thi đua ái quốc do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương phát động ngày 27/3/1948.

Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực tham gia sự nghiệp cách mạng của dân tộc trước đây, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Để tiếp tục phát huy ý nghĩa, giá trị lịch sử của Lời kêu gọi Thi đua ái quốc và sức mạnh của các phong trào Thi đua ái quốc, ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định lấy ngày 11/6 hằng năm là Ngày truyền thống Thi đua yêu nước.

"Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch"

Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Bác Hồ đã cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sỹ cả nước hăng say lao động, sản xuất để "chống giặc đói," xóa nạn mù chữ để "chống giặc dốt," dũng cảm chiến đấu để "diệt giặc ngoại xâm." Nhiều phong trào thi đua đã phát triển rộng khắp, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp như "Tuần lễ vàng;" "Bình dân học vụ"....

Sau khi miền Bắc được giải phóng vào năm 1954, các phong trào thi đua tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Ở miền Nam là các phong trào "Một tấc không đi, một ly không rời," "Dũng sỹ diệt Mỹ." Ở miền Bắc là các phong trào "Mỗi người làm việc bằng hai người vì miền Nam ruột thịt," "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược," "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người," "Gió Đại Phong," "Sóng Duyên Hải," "Thanh niên ba sẵn sàng," "Phụ nữ ba đảm đang"… Các phong trào thi đua đã góp phần to lớn vào thành công của công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Từ tháng 4/1975, đất nước hòa bình, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã có các phong trào thi đua "Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân," "Tất cả vì hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc," "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa," "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới," "Đền ơn đáp nghĩa," "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc," phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau." Các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần đáng ghi nhận vào việc thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thi đua và khen thưởng có mối quan hệ khăng khít với nhau. Thi đua là cơ sở của việc khen thưởng, khen thưởng là kết quả của công tác thi đua. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch. Khen thưởng chính xác, kịp thời có tác dụng động viên, giáo dục và nêu gương, đồng thời cổ vũ thi đua phát triển lên tầm cao mới. Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.

Chỉ thị 34/CT-TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về "Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng" đã chỉ rõ: "Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất."

Ngày 10/12/2020, phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phải quan tâm và cụ thể bằng các quy định về khen thưởng qua việc phát hiện các điển hình, nhân tố mới, khen thưởng những người trực tiếp lao động, sản xuất, khen thưởng theo chuyên đề. Tăng cường phát hiện các điển hình tiên tiến, động viên, khen thưởng kịp thời.

Cũng tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, nêu rõ: Trong giai đoạn 2016-2020 phong trào Thi đua yêu nước và công tác khen thưởng đã có nhiều đổi mới, sáng tạo và hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, điển hình tiến tiến. Công tác khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, hướng về cơ sở; quan tâm khen thưởng đối với tập thể nhỏ, tập thể, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa, người trực tiếp lao động sản xuất, công tác, chiến đấu...

Trong số 2.020 đại biểu chính thức dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X có 118 đại biểu là cá nhân và đại diện tập thể Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động qua các thời kỳ, có 1.212 đại biểu là những người trực tiếp lao động trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, chiếm 60%.

Khen thưởng sai triệt tiêu động lực thi đua

Trong phiên họp Hội đồng Chính phủ vào tháng 10/1948, tức hơn 4 tháng sau Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Trong cuộc vận động thi đua phải tránh xu hướng "bàn giấy," "công chức hóa."

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, tổ chức 10/12/2020. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, tổ chức 10/12/2020. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Bác Hồ cũng chỉ rõ tác hại của việc khen thưởng không đúng, không kịp thời, đó là sự triệt tiêu động lực, gây hậu quả xấu đối với công tác thi đua. Vì vậy, việc đánh giá, bình chọn danh hiệu thi đua và xét khen thưởng phải đúng người, đúng việc, phải căn cứ vào tiêu chuẩn cụ thể, dựa trên nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch. Người yêu cầu: "Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công."

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nhắc nhở: Khen thưởng phải phù hợp với thành tích và kết quả đạt được. Thi đua là để đào tạo, rèn luyện và xây dựng con người mới, tránh hình thức.

Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý: "Sửa đổi lần này phải làm sao hướng nhiều hơn đến cơ sở, chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh; quan tâm khen thưởng ở cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số. Mặt khác phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm kịp thời, minh bạch, công khai, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện."

Nguyên tắc nền tảng của khen thưởng là khen đúng người, thưởng đúng việc. Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây cho thấy nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời và nhân rộng có hiệu quả. Việc tuyên truyền, tổ chức, học tập và áp dụng mô hình mới còn ít được quan tâm. Ở nhiều cơ quan, địa phương, phong trào thi đua mang tính hình thức, thiếu hiệu quả đích thực. Công tác khen thưởng chưa bám sát kết quả thi đua, vẫn còn tình trạng khen thưởng tràn lan.

Để khắc phục những tồn tại này, tiếp tục phát huy hiệu quả công tác thi đua khen thưởng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về khen thưởng, hướng tới ưu tiên khen thưởng nhiều hơn đối với người lao động trực tiếp. Quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc thi đua, khen thưởng, đảm bảo công tác khen thưởng được chính xác, công khai, minh bạch. Việc thi đua khen thưởng cần công khai minh bạch, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để có thêm nhiều thông tin, nhất là khi xem xét phong tặng các danh hiệu lớn.

Cần khắc phục tình trạng cấp cơ sở trình lên cấp trên những hồ sơ tập thể, cá nhân được tô hồng để nhận khen thưởng, danh hiệu. Cấp trên để lọt những hồ sơ này khiến những "điển hình ảo" không có giá trị nêu gương, tác dụng nhân rộng phong trào thi đua, không lan tỏa năng lượng tích cực trong cơ quan, đơn vị.

Cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng các cấp cần tăng cường tính chuyên nghiệp, cần được chuyên môn hóa, phải tham mưu khách quan, chính xác với các cấp ủy, chính quyền về những điển hình tiên tiến.

Có thể bạn quan tâm

Khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Pleiku khóa XII

Khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Pleiku khóa XII

(GLO)- Sáng 19-12, tại Hội trường 19-5, HĐND TP. Pleiku khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã khai mạc kỳ họp thứ 17 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (bìa phải) và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo chung. Ảnh: Bernama

Thủ tướng Malaysia bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan làm cố vấn không chính thức vào năm 2025

(GLO)- Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại TP. Putrajaya (Malaysia), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thông báo đã bổ nhiệm ông Thaksin Shinawatra làm cố vấn không chính thức vào năm 2025 khi Malaysia đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.

Hội Cựu chiến binh xã Ia Kdăm vận động người dân chung tay thực hiện mô hình “Đường cờ Tổ quốc”. Ảnh: V.C

Ia Pa nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”

(GLO)- Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã cụ thể hóa phong trào bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

(GLO)- Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đồn Biên phòng Ia Mơ luôn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) triển khai nhiều hoạt động củng cố, phát huy thế trận lòng dân ở khu vực biên giới.