70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hà Nội tự hào là thành phố duy nhất ở châu Á-Thái Bình Dương được trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”; Thủ đô được UNESCO ghi danh tham gia “Mạng lưới Thành phố sáng tạo” toàn cầu năm 2019.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đọc Diễn văn Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đọc Diễn văn Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. (Ảnh: TTXVN)

Sáng nay (10/10), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (số 1 Đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, dấu mốc đáng nhớ trên hành trình xây dựng và phát triển Thủ đô anh hùng của đất nước Việt Nam anh hùng.

Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người

Trong diễn văn kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ôn lại quá khứ hào hùng của quân dân cả nước nói chung và quân dân Hà Nội nói riêng trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng Thủ đô, mở ra thời kỳ độc lập và phát triển mới cho dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh chúng ta mãi mãi không bao giờ quên thời khắc lịch sử sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn, mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội.

Hơn bốn mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức, hân hoan trong rừng cờ hoa, hừng hực khí thế “Trùng trùng quân đi như sóng/lớp lớp đoàn quân kéo về… Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về. Cả cuộc đời tươi vui từ đây,” đón mừng đoàn quân chiến thắng, đoàn quân cách mạng, đoàn quân của Bác Hồ trở về".

Thời khắc lịch sử đó là minh chứng về sức dân tộc, tinh thần đoàn kết, khát vọng hòa bình của nhân dân ta; là mốc son mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước; đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, chấm dứt 9 năm kháng chiến trường kỳ.

“Hà Nội-Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-sạch bóng quân thù; nhân dân ta làm chủ vận mệnh của mình và đất nước, phấn khởi bắt tay xây dựng xã hội mới, xã hội Xã hội chủ nghĩa; mở ra thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng của Thăng Long-Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh,” Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ.

Sau khi được giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần tự lực cánh sinh, lao động cần cù, sáng tạo, Thủ đô Hà Nội tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển.

Trong kháng chiến chống Mỹ, là địa bàn trọng điểm thường xuyên bị đế quốc Mỹ tập trung đánh phá ác liệt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội thể hiện rõ vai trò đầu tàu gương mẫu, vừa anh dũng chiến đấu, vừa tích cực cùng nhân dân miền Bắc thi đua lao động sản xuất, xây dựng hậu phương lớn, dốc sức chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Màn trình diễn nghệ thuật tái hiện Ngày Giải phóng Thủ đô. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Màn trình diễn nghệ thuật tái hiện Ngày Giải phóng Thủ đô. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, là nơi khởi xướng nhiều phong trào cách mạng “Ba sẵn sàng,” “Ba đảm đang,” “Ngày thứ Bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt; vì Huế-Sài Gòn kết nghĩa”…, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, lan rộng trên cả nước; phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn, thôi thúc hàng chục vạn thanh niên Thủ đô hăng hái lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với quyết tâm “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam tiếp tục được thể hiện sáng rõ với 12 ngày đêm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cùng dân quân, tự vệ và nhân dân Hà Nội và một số địa phương miền Bắc đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân, sử dụng “pháo đài bay B.52” với ý đồ hủy diệt, “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá” của đế quốc Mỹ; làm nên kỳ tích “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” vang dội, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; tạo tiền đề quan trọng để quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ đây, Hà Nội được đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế ngợi ca, vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.”

“Đất nước hòa bình, thống nhất, Thủ đô Hà Nội cùng cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới, đi lên chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội cùng với cả nước nỗ lực, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn, tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử,” Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.

Xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước

Từ một thành phố có quy mô, diện tích, dân số tương đối nhỏ, kết cấu hạ tầng và kinh tế lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề sau giải phóng, Hà Nội ngày nay đã trở thành trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và hội nhập quốc tế; một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới với diện mạo ngày càng văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo, thấm đẫm giá trị văn hóa lịch sử trường tồn của đất Đông Đô-Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Đặc biệt, quy mô kinh tế liên tục tăng, năm 2023 đạt khoảng 54 tỷ USD; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) duy trì ở mức tăng cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao.

Chỉ tính riêng năm 2023, thu ngân sách đạt trên 400 ngàn tỷ đồng, đóng góp 23,4% tổng thu ngân sách Trung ương; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực và bền vững; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; diện mạo, khoảng cách, trình độ phát triển giữa khu vực thành thị và nông thôn từng bước thu hẹp; quy hoạch đồng bộ, hạ tầng chiến lược có bước phát triển mạnh mẽ.

Đời sống người dân không ngừng được nâng cao; năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 6.348 USD, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,03%, trong đó, 19/30 quận, huyện không còn hộ nghèo. Hà Nội luôn là địa phương có chỉ số phát triển con người, quy mô và chất lượng giáo dục-đào tạo đứng đầu cả nước.

“Thủ đô Hà Nội an ninh, an toàn, tràn sức sống có sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong, ngoài nước và các nhà đầu tư quốc tế. Tăng cường liên kết với các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm trong nước; cùng với quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước, quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; Hà Nội tham gia với trách nhiệm cao và đảm nhiệm những cương vị quan trọng tại nhiều diễn đàn quốc tế lớn, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô, của đất nước trên trường quốc tế,” Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói.

Chương trình nghệ thuật chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Chương trình nghệ thuật chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc và đóng góp to lớn trong 70 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 3 Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và các danh hiệu: “Thủ đô Anh hùng,” “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.”

Hà Nội tự hào là thành phố duy nhất ở châu Á-Thái Bình Dương được Tổ chức văn hóa giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”; Thủ đô đầu tiên của khu vực Đông Nam Á được UNESCO ghi danh tham gia “Mạng lưới Thành phố sáng tạo” toàn cầu năm 2019.

Với thế và lực sau 40 năm đổi mới, với thời cơ, vận hội mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đây cũng là thời điểm để định hướng tương lai của chúng ta. Yêu cầu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới đặt ra nhiệm vụ ngày càng cao đối với Hà Nội; “Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phải làm thế nào để xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị tập trung cao độ mọi giải pháp, khơi thông mạnh mẽ nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế; đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, có bản sắc, an ninh, an toàn, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

“Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát huy tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc,” huy động mạnh mẽ sức dân, gắn kết chặt chẽ ý Đảng với lòng dân, nhất định Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội sẽ thực hiện thắng lợi căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sớm xây dựng “Thủ đô ta” trở thành “Thủ đô xã hội chủ nghĩa” hình mẫu trên thế giới, góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc,” Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh thêm.

Tại Lễ kỷ niệm, đại diện nhân chứng lịch sử, ông Nguyễn Thụ, cựu chiến binh quận Hai Bà Trưng, nguyên cán bộ Trung đoàn 102-Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308-Đại đoàn Quân Tiên phong xúc động bởi bao kỷ niệm trào dâng.

Ông chia sẻ, là chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô, chiến sỹ Điện Biên năm xưa, là cựu chiến binh sẽ luôn phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ," gương mẫu trong lối sống, chấp hành và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực tham gia các phong trào của địa phương phát động, góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, tiến bộ hơn,”ông Nguyễn Thụ chia sẻ.

Sinh viên Nguyễn Chi Phương phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Sinh viên Nguyễn Chi Phương phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại diện cho thế hệ trẻ Thủ đô, Nguyễn Chi Phương, sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết thế hệ trẻ chúng cháu được sinh ra khi đất nước không còn chiến tranh, không được chứng kiến những giây phút lịch sử hào hùng khi đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô 70 năm về trước.

Sinh viên Nguyễn Chi Phương cho rằng để có được ngày vui chiến thắng ấy, biết bao người con ưu tú của Thủ đô và cả nước trong đó có những đoàn viên, thanh niên một lòng theo Đảng, sẵn sàng đi bất cứ đâu, có mặt ở những nơi gian khó khi Tổ quốc cần, quyết tử để Tổ quốc quyết sinh; xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

"Phát huy truyền thống Thủ đô anh hùng, dân tộc Việt Nam anh hùng, thế hệ trẻ nguyện tuyệt đối trung thành với Đảng, kiên định con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; không ngừng nâng cao nhận thức về chính trị, về lịch sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc, luôn tu dưỡng, rèn đức, luyện tài; phát huy tinh thần tiên phong, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo; nỗ lực trong khởi nghiệp, lập nghiệp; tình nguyện vì cộng đồng; khẳng định sức mạnh, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, góp phần đưa đất nước ta vươn mình trong kỷ nguyên mới, sánh vai cùng các cường quốc năm châu", sinh viên Nguyễn Chi Phương nói.

Theo Xuân Quảng (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 16-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và các gia đình có công trên địa bàn TP. Pleiku.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên thăm, chúc Tết gia đình các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh và Quân đoàn 34

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên thăm, chúc Tết gia đình các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh và Quân đoàn 34

(GLO)- Sáng 16-1, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đến thăm, chúc Tết gia đình các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 34 nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Cùng đi có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn tiếp lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn tiếp lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

(GLO)- Chiều 15-1, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp đoàn công tác của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đến thăm, chúc mừng nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân: Đảm bảo mọi người dân đều được đón Tết vui tươi, đầm ấm

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân: Đảm bảo mọi người dân đều được đón Tết vui tươi, đầm ấm

(GLO)- Ngày 14-1, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn công tác đã đến thăm, chúc Tết tại Gia Lai. Phó Chủ tịch nước chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các hoạt động an sinh xã hội, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong dịp Tết.