Với lao động mắc Covid-19 (F0), trong đó có cả những người đang điều trị tại nhà, có 4 chế độ được hưởng theo quy định nếu họ có đủ điều kiện và hồ sơ theo quy định.
|
Người dân xếp hàng lấy giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19 tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Thành Đạt |
Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Luật Hừng Đông, Hà Nội, chia sẻ những thông tin cụ thể về các chế độ và quyền lợi của người lao động khi mắc Covid-19 (là F0).
Thứ nhất, khi người bị nhiễm Covid-19 (là F0) nghỉ việc để điều trị mà vẫn còn phép năm, thời gian nghỉ việc này có thể được trừ vào ngày nghỉ phép năm do người sử dụng lao động chi trả. Do đó, người lao động vẫn được hưởng nguyên lương từ người sử dụng lao động.
Luật sư Nguyễn Danh Huế nêu rõ, khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.
Cụ thể, lao động làm việc trong điều kiện bình thường được hưởng 12 ngày làm việc. Lao động chưa thành niên, khuyết tật, làm các công việc độc hại, nặng nhọc, làm nghề được hưởng 14 ngày làm việc và đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại sẽ được hưởng 16 ngày làm việc.
Thứ hai, chế độ ốm đau của chính sách bảo hiểm xã hội.
Căn cứ vào Điều 25 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động bị mắc Covid-19 có xác nhận của cơ sở y tế sẽ được hưởng chế độ ốm đau. Trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc (khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Thời gian được hưởng chế độ ốm đau như sau:
Lưu ý 4 chế độ dành cho F0, kể cả F0 điều trị tại nhà: Tiền lương do người sử dụng lao động trả Chế độ ốm đau nếu tham gia bảo hiểm xã hội Hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng từ Công đoàn Tiền dưỡng sức sau khi điều trị Covid-19 |
Lao động làm việc trong điều kiện bình thường được hưởng theo các mốc: đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm hưởng 30 ngày, đóng bảo hiểm xã hội đủ từ 15 đến dưới 30 năm hưởng 40 ngày, đóng bảo hiểm xã hội đủ từ 30 được hưởng 60 ngày.
Lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, nặng nhọc… được hưởng: đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm hưởng 40 ngày, đóng bảo hiểm xã hội đủ từ 15 đến dưới 30 năm hưởng 50 ngày, đóng bảo hiểm xã hội đủ từ 30 được hưởng 70 ngày.
Thứ ba, người lao động là F0 thuộc thành viên công đoàn sẽ được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng.
Tại Quyết định 3749/QĐ-TLĐ ban hành ngày 15/12/2021 về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quy định, đoàn viên, người lao động là F0 không vi phạm quy định về phòng, chống dịch được nhận hỗ trợ như sau: Các F0 có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế theo giấy xác nhận của cơ quan y tế có thể nhận hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng.
F0 điều trị tại nhà từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị tại bệnh viện, các cơ sở y tế dưới 21 ngày theo xác nhận của cơ quan y tế có thể nhận hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng.
Tuy nhiên, kể từ hôm nay, 1/3/2022, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định dừng thực hiện Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ nêu trên.
Từ thời điểm trên, việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 (kể cả F0 tử vong) được thực hiện theo quy định về chi hỗ trợ, thăm hỏi, trợ cấp tại các Quyết định: số 4290/QĐ-TLĐ ngày 1/3/2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành quy định thu, chi, quản lý tài chính, tài sản công đoàn cơ sở, số 4291/QĐ-TLĐ ngày 1/3/2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức chế độ chi tiêu trong các cơ quan công đoàn.
Việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết chi hỗ trợ cho các đối tượng bị nhiễm Covid-19 trước ngày 1/3/2022 theo Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ được thực hiện chậm nhất đến ngày 31/3/2022.
Thứ tư, khoản tiền dưỡng sức sau khi điều trị Covid-19.
Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở (tương đương 447 nghìn đồng/ngày). Tổng là 2,235 triệu đồng. |
Sau khi điều trị Covid-19, trong vòng 30 ngày trở lại làm việc mà sức khỏe của người lao động vẫn chưa hồi phục, họ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5 ngày theo quy định tại Điều 29 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Ngoài ra, điểm 3, Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ngày 25/3/2020 quy định: Nếu vì nguyên nhân khách quan như dịch bệnh nguy hiểm, thì tiền lương ngừng việc do người lao động và người sử dụng lao động bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Vì vậy, trong trường hợp người lao động đã sử dụng hết số ngày nghỉ phép năm, thì vẫn sẽ được người sử dụng lao động chi trả mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Cơ quan bảo hiểm xã hội lưu ý một số hồ sơ cần có để nhận chế độ với người lao động mắc Covid-19.
Cụ thể, đối với người lao động là F0 điều trị nội trú, cần có Giấy ra viện.
Đối với người lao động là F0 điều trị ngoại trú, cần có Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, hoặc Giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
Các giấy tờ có thể nộp trong vòng 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc để đơn vị sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ và gửi cơ quan bảo hiểm xã hội.
Theo NGÂN ANH (NDĐT)