338 công dân Việt Nam mắc kẹt tại khu vực giao tranh Myanmar đã về nước an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thực hiện chủ trương nhân đạo của Nhà nước Việt Nam và nhằm bảo đảm an toàn tối đa tính mạng của công dân, toàn bộ chi phí đưa công dân về nước được Chính phủ chi trả.
Công dân Việt Nam từ Myanmar về đến Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội, rạng sáng 5/12. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Công dân Việt Nam từ Myanmar về đến Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội, rạng sáng 5/12. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 4/12, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong nước cùng các nước đối tác sơ tán 338 công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại khu vực giao tranh phía Bắc Myanmar về nước an toàn.

Thực hiện chủ trương nhân đạo của Nhà nước Việt Nam và nhằm bảo đảm an toàn tối đa tính mạng của công dân, toàn bộ chi phí đưa công dân về nước được Chính phủ chi trả.

Trong bối cảnh tình hình Myanmar hiện tiếp tục xảy ra giao tranh và có nhiều diễn biến phức tạp đe dọa an toàn tính mạng công dân Việt Nam tại khu vực này, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chính quyền sở tại và các nước đối tác đưa công dân về nước.

Cho đến nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã thống kê được hơn 800 người là công dân Việt Nam, được cấp giấy tờ đi lại và đủ điều kiện để đưa về nước trong đợt này.

Các công dân sẽ được chia thành nhiều nhóm đưa về nước và nhóm đầu tiên về đến Việt Nam ngày 4/12.

Phần lớn công dân là thanh niên trẻ (trong đó có cả thiếu niên, trẻ em sơ sinh và phụ nữ mang thai) ra nước ngoài làm việc trong các cơ sở đánh bạc trực tuyến ở các bang phía Bắc Myanmar, bị chủ lao động bỏ rơi và bị mắc kẹt do giao tranh giữa lực lượng quân đội Myanmar và các dân tộc thiểu số ở khu vực này.

Bộ Ngoại giao một lần nữa khuyến cáo công dân Việt Nam cần tỉnh táo trước những lời mời chào ra nước ngoài làm "việc nhẹ lương cao,” không yêu cầu về bằng cấp, trình độ, không có hợp đồng ký kết, không thông qua doanh nghiệp, tổ chức phái cử lao động...

Công dân cần tìm hiểu kỹ về nội dung công việc, đơn vị, địa điểm dự kiến làm việc, thân nhân người giới thiệu, chế độ bảo hiểm, quyền lợi được hưởng... trước khi quyết định việc xuất cảnh ra nước ngoài.

Công dân Việt Nam còn mắc kẹt hoặc cần giúp đỡ đề nghị liên hệ theo số Đường dây Nóng Bảo hộ Công dân: Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar: +959660888998; Tổng đài Bảo hộ Công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84; +84 965 41 11 18. Email: baohocongdan@gmail.com.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Gần 15 ngàn đại biểu dự hội nghị quán triệt các nghị quyết của Đảng

Gia Lai: Gần 15 ngàn đại biểu dự hội nghị quán triệt các nghị quyết của Đảng

(GLO)- Sáng 1-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.