23 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng trong nửa đầu năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong sáu tháng, toàn quốc xảy ra 12.350 vụ tai nạn giao thông làm chết 5.343 người, bị thương 9.552 người - tăng 1.665 vụ, giảm 634 người chết và tăng 2.426 người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện trường vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sáng 11/7/2024. (Ảnh: TTXVN phát)
Hiện trường vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sáng 11/7/2024. (Ảnh: TTXVN phát)

Sáng 12/7, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông sáu tháng đầu năm. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, chủ trì hội nghị.

Điểm nổi bật trong bức tranh an toàn giao thông sáu tháng đầu năm được Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Lê Kim Thành cho biết là tai nạn giao thông được kéo giảm về số người chết với cùng kỳ năm 2023, cụ thể là giảm 634 người chết (10,61%), ùn tắc giao thông được kiểm soát tốt và giảm trên 65% so với cùng kỳ năm 2023.

Số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước.

Theo ông Lê Kim Thành, sáu tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 12.350 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.343 người, bị thương 9.552 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.665 vụ (15,58%), giảm 634 người chết (10,61%), tăng 2.426 người bị thương (34%).

Có 40 tỉnh, thành phố có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2023, trong đó sáu địa phương giảm trên 30% là: Cà Mau, Lai Châu, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Long An.

Đặc biệt, Cà Mau, Lai Châu, Bình Thuận giảm trên 45% số người chết do tai nạn giao thông.

Còn 23 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2023, trong đó, có 9 tỉnh tăng trên 20%, hai tỉnh Thừa Thiên Huế, Bến Tre có số người chết tăng trên 40% trở lên.

Về ùn tắc giao thông, xảy ra 21 vụ, so với cùng kỳ năm 2023 giảm 40 vụ (65,6%). Nguyên nhân ùn tắc do tai nạn giao thông là 17 vụ (chiếm 80,9%), do điều kiện thời tiết, lưu lượng phương tiện đông là ba vụ (chiếm 14,3%) và do mưa lớn, sạt lở là một vụ (chiếm 4,8%).

Lực lượng chức năng đã phát hiện 82 vụ, 765 đối tượng có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy xe thành đoàn với tốc độ cao, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng. Trong đó, khởi tố 16 vụ, 172 đối tượng, xử lý hành chính 66 vụ.

"Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong sáu tháng đầu năm 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế," Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho hay.

Ông Lê Kim Thành chỉ ra còn xảy ra chín vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Số vụ và số người bị thương do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố. Tình trạng xe ôtô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hóa lên phương tiện, khiến cho hàng hoá bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông tiếp tục diễn ra.

Bên cạnh đó, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, trên một số quốc lộ trọng điểm, nhất là tại cửa ngõ ra, vào các thành phố lớn có xu hướng diễn biến phức tạp.

Các tổ công tác của Công an Hà Nội xử lý nhiều trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Các tổ công tác của Công an Hà Nội xử lý nhiều trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Hành vi chống người thi hành công vụ trong quá trình xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông gia tăng. Sáu tháng đầu năm xảy ra 78 vụ, làm 27 đồng chí bị thương, tăng 45 vụ so với cùng kỳ năm 2023, bắt giữ 78 đối tượng bàn giao cơ quan chức năng xử lý.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã khởi tố 56 vụ, 56 đối tượng; 22 vụ, 22 đối tượng đang củng cố hồ sơ để khởi tố theo quy định.

Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn chưa cao; hành vi vi phạm các quy tắc giao thông còn diễn ra khá phổ biến; hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe đã giảm sâu nhưng vẫn còn tồn tại.

Cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, còn tình trạng ỷ lại cho các lực lượng chức năng.

Hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ.

Nguồn kinh phí dành cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn hạn chế, nhất là kinh phí để thực hiện duy tu, bảo trì, khắc phục điểm đen; kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông dành cho các đoàn thể, chính trị xã hội.

Nhắc đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (tại Km 49+400, đoạn qua thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) làm hai người chết tại chỗ, chín người bị thương vào sáng 11/7, xuất phát từ nguyên nhân dừng xe trên cao tốc để tranh cãi sau va chạm giao thông, ông Lê Kim Thành nhấn mạnh đến ý thức chưa tốt của lái xe khi tham gia giao thông, đặc biệt là trên cao tốc.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho biết hội nghị lần này có hai điểm đáng lưu ý.

Một là, sáu tháng đầu năm 2024, kinh tế phát triển, GDP tăng trưởng 6,42%, điều này đồng nghĩa với việc giao thông đi lại, buôn bán, vận chuyển hàng hóa tăng, gây áp lực với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông rất lớn.

Hai là, Quốc hội vừa thông qua hai luật: Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ và Luật Đường bộ, đây là cơ chế hành lang pháp lý mới để chúng ta thực hiện tốt hơn nhiệm vụ.

Nhấn mạnh tinh thần chung là còn rất nhiều việc phải làm, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thành viên Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, các địa phương trao đổi về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp với tinh thần sáu tháng cuối năm đạt kết quả tốt hơn về cả ba mặt: số vụ, số người chết và bị thương.

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung: Sớm tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án của THACO AGRI

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung: Sớm tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án của THACO AGRI

(GLO)- Chiều 17-12, đồng chí Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Nông nghiệp Trường Hải (THACO AGRI) và Công ty TNHH Chăn nuôi bò Trung Nguyên (thuộc Tập đoàn THACO AGRI) để tìm hiểu các dự án triển khai tại huyện Chư Prông.

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025. Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị số 40-CT/TW:

Va chạm với container, 2 mẹ con tử vong

Va chạm với container, 2 mẹ con tử vong

Chiếc xe máy do chị N.T.L (42 tuổi, ở Hải Phòng) điều khiển chở theo con trai bất ngờ va chạm với container di chuyển cùng chiều tại nút giao Đặng Kinh - Đình Vũ (Hải An, Hải Phòng) khiến cả hai người trên xe máy ngã xuống đường, bị ô tô đầu kéo đâm trúng dẫn đến tử vong. 

Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: TẦM NHÌN MỚI, CƠ HỘI MỚI, GIÁ TRỊ MỚI

E-magazineQuy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: TẦM NHÌN MỚI, CƠ HỘI MỚI, GIÁ TRỊ MỚI

VỚI TẦM NHÌN DÀI HẠN NHẰM PHÁT HUY HIỆU QUẢ CÁC LỢI THẾ CỦA TỈNH, QUY HOẠCH LÀ CĂN CỨ KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN ĐỂ BÌNH PHƯỚC SẮP XẾP, BỐ TRÍ HIỆU QUẢ CÁC KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN, HỆ THỐNG ĐÔ THỊ VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ, KẾT CẤU HẠ TẦNG, PHÂN BỔ ĐẤT ĐAI…

Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực khi thực hiện thủ tục hành chính

Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực khi thực hiện thủ tục hành chính

(GLO)- Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai vừa thông báo đến các sở, ban, ngành, địa phương về triển khai văn bản của Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực từ bản chính khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC).