Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học: Xác lập hệ giá trị chuẩn mực, lành mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2019-2025”, từ năm 2019 đến nay, các cơ sở giáo dục trong tỉnh Gia Lai đã nỗ lực xác lập hệ giá trị văn hóa chuẩn mực, môi trường sư phạm lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Nhân rộng mô hình quy tắc văn hóa ứng xử

Ông Trần Bá Công-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo-cho hay: Qua 3 năm triển khai đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2019-2025”, hầu hết cơ sở giáo dục trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện đề án, trong đó chú trọng nhân rộng mô hình quy tắc văn hóa ứng xử trong trường học.

Qua đó, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên thay đổi tích cực về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử. Mỗi thầy-cô giáo đều xây dựng lối sống, thái độ, hành vi chuẩn mực làm gương cho học sinh.

Ông Trần Bá Công (thứ 4 từ phải sang)-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2019-2025”. Ảnh: Đ.Y

Ông Trần Bá Công (thứ 4 từ phải sang)-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trao giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2019-2025”. Ảnh: Đ.Y

Bên cạnh công tác chuyên môn, Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) luôn chú trọng thực hiện văn hóa ứng xử. Thầy Nguyễn Trọng Ngoạn-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Nhà trường đã ban hành Bộ quy tắc văn hóa ứng xử trong trường học, dựa trên tinh thần tuân thủ các quy chế, quy định về đạo đức nhà giáo, nền nếp, kỷ luật trong môi trường sư phạm.

“Văn hóa nhà trường lành mạnh sẽ tạo nên mối quan hệ gần gũi giữa thầy với trò; qua đó, khuyến khích học sinh tích cực học tập, siêng năng tìm hiểu, nỗ lực rèn luyện để đạt được kết quả cao, hướng đến một tương lai tốt đẹp. Hơn nữa, văn hóa nhà trường tốt sẽ tạo ra mối quan hệ thân thiện giữa thầy với trò, trò với trò, giúp các em học sinh có cảm giác an toàn, cởi mở với nhau”-thầy Ngoạn chia sẻ.

Tương tự, Trường THCS Lê Lợi (xã Tân Sơn, TP. Pleiku) đã đẩy mạnh công tác giáo dục văn hóa ứng xử học đường thông qua tổ chức các hoạt động Đoàn-Đội. Thầy Nguyễn Viết Lâm-Hiệu trưởng nhà trường-thông tin: Để thực hiện đề án, nhà trường đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của cấp trên, ban hành Quy tắc văn hóa ứng xử trong nhà trường. Trên cơ sở đó, Ban Giám hiệu phối hợp với Công đoàn nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, giáo viên, đoàn viên, người lao động và các em học sinh thực hiện nội quy, quy tắc văn hóa ứng xử của nhà trường.

Vào đầu năm học, Liên Đội tổ chức cho các em học sinh ký cam kết thực hiện các nội quy, quy tắc văn hóa ứng xử trong trường học. Tổ chức diễn đàn “Xây dựng nét đẹp văn hóa-ứng xử trong nhà trường” với chủ đề “Chung tay xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”; tổ chức sinh hoạt theo chủ đề “Mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp, 1 cuốn sách hay, 1 tấm gương sáng”…

“Các hoạt động thực tế đã giúp các em học sinh biết cách cư xử đúng mực, có văn hóa đối với mọi người. Kết quả, nhiều năm qua, 100% học sinh của trường đạt hạnh kiểm từ trung bình trở lên; trong đó, hạnh kiểm tốt 84%, hạnh kiểm khá 14,9%. Trường nhiều năm liền không có học sinh vi phạm an toàn giao thông, vi phạm an ninh học đường và các vi phạm khác đến mức phải xử lý kỷ luật”-thầy Lâm cho biết.

Tạo môi trường học tập an toàn, thân thiện

Cô Trần Thị Nghĩa Bình-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) cho rằng: “Để thực hiện hiệu quả đề án, theo quan niệm của tôi, đối với đồng nghiệp phải đối xử giống như người thân; với học sinh thì yêu thương đi đôi với giáo dục; phấn đấu để mỗi giáo viên phải thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Vì vậy, trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh, thầy-cô giáo là người luôn hòa nhã, thấu hiểu, cảm thông và biết sẻ chia, là người bạn đồng hành để học sinh tin tưởng, sẵn sàng tâm sự những vấn đề gặp phải. Từ đó, xây dựng trường học hạnh phúc, xây dựng các mối quan hệ thân thiện, tiến tới giáo dục thực chất”.

Còn cô Võ Thị Thu Thủy-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Pa thì cho hay: Trước yêu cầu cấp bách của việc xây dựng đề án văn hóa ứng xử trong trường học dựa trên Bộ quy tắc ứng xử văn hóa, Ban Giám hiệu nhà trường lấy phương châm “Sửa mình trước khi sửa người”. Cùng với đó, thông qua các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt trải nghiệm, tiết học trên lớp, thầy-cô giáo uốn nắn các em học sinh để thực hiện tốt văn hóa ứng xử trong nhà trường.

Với những cách làm hay, linh hoạt, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được bồi dưỡng nâng cao kiến thức thực hành và kỹ năng ứng xử văn hóa. Từ đó, hình thành chuẩn mực người thầy với phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp ứng với mục tiêu mỗi thầy-cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Cô và trò Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) luôn gần gũi, gắn bó, giữ vững những chuẩn mực văn hóa về ứng xử trong trường học. Ảnh: Đinh Yến

Cô và trò Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) luôn gần gũi, gắn bó, giữ vững những chuẩn mực văn hóa về ứng xử trong trường học. Ảnh: Đinh Yến

Bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay, một số đơn vị trường học trong tỉnh chưa xây dựng kế hoạch thực hiện đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2019-2025” và ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn hóa. Một số đơn vị xây dựng kế hoạch nhưng lại không căn cứ vào văn bản, hướng dẫn của cấp trên về văn hóa ứng xử trong trường học...

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Bá Công nhấn mạnh: “Để tiếp tục thực hiện đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2023-2025”, thời gian tới, các phòng giáo dục và đào tạo, trường phổ thông thuộc Sở, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, học sinh, sinh viên, gia đình và cộng đồng về giáo dục đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học. Thực hiện hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy-cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; tiếp tục quan tâm xây dựng trường học đạt tiêu chuẩn “xanh-sạch-đẹp-an toàn”.

Có thể bạn quan tâm

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.