Xã vùng sâu chuyển mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày tháng tư lịch sử, có dịp thăm lại các xã phía Đông huyện Kông Chro (gồm Sró, Đăk Song, Đăk Pling, Đăk Kơ Ning), chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự khởi sắc của vùng quê một thời đối diện với bao khó khăn, thiếu thốn.

Giờ đây, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày một nâng lên.

Ở tuổi 73, ông Đinh Glêu (làng Kte-Kchăng, xã Đăk Song) vẫn nhớ như in những năm tháng gian khổ trước đây. Ông kể: “Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất Sró. Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi tham gia dạy chữ cho bà con trong vùng. Ngày đó, giao thông đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đường đất. Năm 1988, xã Đăk Song được thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Sró. Năm 1993, tôi được phân công về làm Chủ tịch UBND xã Đăk Song. Thời điểm này, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước nên đời sống bà con từng ngày thay đổi. Bây giờ, đường vào xã đã không còn cảnh lầy lội vào mùa mưa như trước. Muốn ra trung tâm huyện cũng chỉ mất vài chục phút là đến nơi. Nhà nào cũng có điện thắp sáng, ti vi, xe máy, không còn thiếu thuốc chữa bệnh, trẻ em đến trường đúng độ tuổi”.

ong-dinh-gleu-dang-ke-ve-nhung-kho-khan-truoc-day-va-su-thay-doi-hien-nay.jpg
Ông Đinh Glêu đang kể về những khó khăn trước đây và sự thay đổi hiện nay. Ảnh: N.D

Trong khi đó, ông Đinh Văn Bop-Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Song chia sẻ: Trước đây, đời sống của bà con trong xã rất khó khăn. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo phương thức phát-đốt-chọc-trỉa. Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư hoàn thiện. Đến nay, trục đường trong các làng và trục liên xã đã bê tông hóa 100%.

Theo ông Bop, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân trong xã tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn, đóng góp ngày công lao động… Nhờ vậy, đến nay, xã đã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 25 triệu đồng/năm.

“Bây giờ, nhiều hộ có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng rừng, trồng mía. Gia đình tôi trồng 2 ha mì, 5 ha keo lai và 1 ha lúa nước 2 vụ. Mỗi năm, gia đình tích lũy khoảng 130 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình mới có điều kiện nuôi 2 đứa con học đại học”-ông Bop nói.

Còn ông Trần Văn Cửu-Bí thư Đảng ủy xã Sró-cho hay: Sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đời sống của người dân thay đổi rất nhiều. Bà con bây giờ cũng không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà đã tự lực vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Kông Chro đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng tại 4 xã phía Đông. Trong đó, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 44,792 tỷ đồng; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đầu tư 9,44 tỷ đồng; nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 62,97 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách huyện 16,85 tỷ đồng. Nhờ đó, diện mạo 4 xã phía Đông ngày một khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.

duong-tu-trung-tam-xa-dak-song-sang-cac-xa-khac-da-duoc-be-tong-hoa.jpg
Đường từ trung tâm xã Đăk Song đến các xã phía Đông huyện Kông Chro đã được bê tông hóa. Ảnh: N.D

Ông Đỗ Cao Trí (làng Bla, xã Đăk Song) chia sẻ: Khi Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông từ huyện vào trung tâm các xã phía Đông, cuộc sống của bà con đã thay đổi rất nhiều. Hệ thống đường giao thông liên xã và giao thông nội làng đã được bê tông hóa, các phương tiện ô tô vào tận nơi thu mua nông sản. Đây là động lực để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Những năm qua, huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân. Người dân không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà từng bước vươn lên lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng rừng, trồng cây dược liệu mang lại nguồn thu nhập ổn định. Nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng rừng sản xuất.

Có thể bạn quan tâm

Giữ vị chè Truồi

Giữ vị chè Truồi

Làng Truồi (đoạn thuộc xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, thành phố Huế), bát nước chè trong veo chứa đựng từng giọt tinh túy của đất trời. Không để hương vị đặc trưng của chè Truồi bị lãng quên, các nông hộ nơi đây đang mở ra hướng đi đột phá cho loại đặc sản này.

Ngôi trường vùng biên chật vật vì thiếu nước sinh hoạt

Ngôi trường vùng biên chật vật vì thiếu nước sinh hoạt

(GLO)- Vào mùa khô, Trường Mẫu giáo 2/9 (xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) lại chật vật vì thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Có một hệ thống nước sạch ổn định để đảm bảo điều kiện sinh hoạt, học tập là mong mỏi bấy lâu của cô và trò ở ngôi trường vùng biên này.

Đức Cơ: Tôn vinh 21 tập thể, cá nhân điển hình trong các phong trào thi đua giai đoạn 2020-2025

Phụ nữ huyện Đức Cơ tích cực học tập và làm theo lời Bác

(GLO)- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đức Cơ. Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ nỗ lực vượt khó, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc và lan tỏa điều tốt đẹp trong cộng đồng. 

Ánh sáng về làng Canh Tiến

Ánh sáng về làng Canh Tiến

Suốt nhiều năm chìm trong bóng tối của cách trở và thiếu thốn, làng Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) từng là một trong những "vùng trắng" điện lưới hiếm hoi còn sót lại ở Bình Định.

Ngắm đom đóm trên phố núi Pleiku

Ngắm đom đóm trên phố núi Pleiku

(GLO)- Khi tiếng ve gọi hè, trên những tán cây xanh và ở dưới mặt đất ẩm ướt sau những cơn mưa giông đầu mùa trên phố núi Pleiku lập lòe ánh sáng đom đóm. Tất cả báo hiệu một mùa đom đóm bay-mùa bình yên ở thành phố trên cao nguyên xanh.