Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh: Bảo vệ rừng gắn với tạo sinh kế cho người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không những chủ động phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng thực hiện các chính sách vùng đệm và giao khoán quản lý, bảo vệ rừng.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có diện tích gần 42.000 ha, nằm trên địa bàn 3 huyện: Đak Đoa, Mang Yang và Kbang. Diện tích rừng rộng, phân bố trên địa hình đồi dốc và bị chia cắt bởi nhiều khe suối gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Do đó, ngay từ đầu năm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ lâm phần quản lý.
Đồng thời, phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự các xã của huyện: Kbang, Mang Yang và Đak Đoa thực hiện 120 đợt tuần tra. Qua đó, phát hiện, tháo gỡ 4 lán trại cũ, 243 bẫy động vật rừng, thu 8 súng cồn, 3 súng bắn đạn thể thao tự chế; phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, săn bắt động vật hoang dã.
Ngoài ra, Vườn còn chủ động phối hợp lực lượng liên ngành các vùng giáp ranh để kịp thời ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng tự nhiên, xây dựng các quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học các khu vực lân cận.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có nhiều thế mạnh về du lịch sinh thái. Ảnh: Minh Nguyễn
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có nhiều thế mạnh về du lịch sinh thái. Ảnh: Minh Nguyễn
Để giữ cho những cánh rừng mãi xanh, Vườn thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ rừng tại 22 thôn, làng vùng đệm thu hút hàng ngàn lượt người dân tham gia. Tổ chức 60 đợt tuyên truyền tại các trường THCS thuộc vùng đệm, thu hút hơn 1.800 lượt học sinh tham gia.
Trong năm 2020, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tiếp tục thực hiện công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho 26 nhóm hộ thuộc cộng đồng thôn, làng người Bahnar sinh sống gần rừng với tổng diện tích 17.950 ha, với đơn giá bình quân 350.000 đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh triển khai thực hiện Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 1-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2012-2020. Đồng thời, Vườn đã tiến hành hỗ trợ 40 triệu đồng/làng/năm cho 18 cộng đồng làng thuộc vùng đệm với tổng số tiền là 720 triệu đồng/năm.
Ông Ngô Văn Thắng-Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-khẳng định: Việc giao khoán bảo vệ rừng đã dần trở thành một phần thu nhập đáng kể của các gia đình, giúp người dân cải thiện đời sống, nhờ đó tình trạng phá rừng làm rẫy hầu như không còn.
Theo ông Thắng, với địa thế thuận lợi nằm trên tuyến đường quốc lộ 19 nối TP. Pleiku với TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn là một trong những nơi lý tưởng nhất để kết nối tour du lịch trải nghiệm lên rừng xuống biển cực kỳ hấp dẫn cho các du khách yêu thích thiên nhiên, khám phá trải nghiệm và nghỉ dưỡng.
Chính vì vậy, Vườn đã xây dựng đề xuất các phương thức để tổ chức phát triển du lịch tại các tuyến điểm du lịch ở Vườn nhằm triển khai hiệu quả Quyết định số 637/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt “Đề án du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” gắn với đề xuất thành lập Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng (đã trình UNESCO) để khai thác hiệu quả các tiềm năng du lịch, đồng thời kết nối với các khu, điểm du lịch lân cận nhằm tạo nên một tour tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm hoàn chỉnh.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.