Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh: Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là một trong 27 đơn vị được công nhận là Vườn Di sản ASEAN, Vườn Quốc gia (VQG) Kon Ka Kinh có vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Ban Quản lý VQG Kon Ka Kinh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. 
Với trên 38.000 ha rừng tự nhiên, trong đó đặc trưng là gần 2.000 ha rừng hỗn giao lá rộng, lá kim, VQG Kon Ka Kinh tập trung rất nhiều loài động-thực vật đặc hữu, quý hiếm như: kim giao, xoay, gõ đỏ, voọc chà vá chân xám, vượn má hung, khướu Kon Ka Kinh... Theo ông Ngô Văn Thắng-Phó Giám đốc VQG Kon Ka Kinh, kết quả điều tra cho thấy, Vườn hiện có 1.754 loài thực vật bậc cao thuộc 753 chi và 181 họ, chiếm khoảng 14% hệ thực vật cả nước. Trong đó, có 28 loài bị đe dọa ở quy mô toàn cầu, 62 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 47 loài là thực vật bậc cao đặc hữu cho vùng Tây Nguyên và Việt Nam. Bên cạnh đó, VQG Kon Ka Kinh cũng là khu vực có tính đa dạng cao về hệ động vật. Ước tính, Vườn hiện có trên 800 loài động vật, bao gồm động vật có vú, chim, bò sát, lưỡng cư và côn trùng. Trong số này có đến 70 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 52 loài thuộc dạng nguy cấp của thế giới phải bảo vệ.
Với hệ động-thực vật đa dạng, phong phú như vậy, VQG Kon Ka Kinh có giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn về hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật quý hiếm. “Việc bảo vệ, bảo tồn, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng được xem là rất cần thiết. Trong đó, đầu tiên là phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, các loài động-thực vật có nguy cơ tuyệt chủng nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học”-Phó Giám đốc VQG Kon Ka Kinh khẳng định. 
  Voọc chà vá chân xám là một trong những loài động vật quý hiếm ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.  Ảnh: C.T.V
Voọc chà vá chân xám là một trong những loài động vật quý hiếm ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: C.T.V
Để làm được điều này, thời gian qua, VQG Kon Ka Kinh đã thành lập Trung tâm Cứu hộ-Bảo tồn và Phát triển sinh vật để tiếp nhận và cứu hộ các loài động vật hoang dã; đồng thời, nuôi cứu hộ để tái thả lại môi trường sinh thái tự nhiên và phục vụ nghiên cứu khoa học. Trung tâm Cứu hộ-Bảo tồn và Phát triển sinh vật VQG Kon Ka Kinh hiện đang gây nuôi sinh sản 26 con hươu sao, 3 cặp nhím và heo rừng. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm đã tổ chức tiếp nhận, chăm sóc, cứu hộ và tái thả 6 đợt động vật hoang dã như: khỉ vàng, kỳ đà vân, cầy vòi hương, rắn ráo trâu… Đối với các loài thực vật, VQG Kon Ka Kinh đã thành lập vườn ươm giống rộng 2 ha, sản xuất thành công 8.000 cây giống các loại: trắc, gõ đỏ, giáng hương, huỳnh đàn đỏ; bảo tồn nguyên vị 172 cây thông 5 lá. Bên cạnh đó, Vườn còn trồng và chăm sóc nhiều diện tích rừng để bảo tồn đa dạng sinh học; thực hiện điều tra, nghiên cứu, trồng bảo vệ, phát triển một số loại lan đặc hữu, quý hiếm. 
Hiện nay, loại hình du lịch sinh thái đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nắm bắt thực tế này, VQG Kon Ka Kinh đang dự định tổ chức khai thác các tour du lịch sinh thái, tham quan, học tập và nghiên cứu khoa học gắn với công tác bảo tồn. Không chỉ quảng bá hệ sinh thái động-thực vật phong phú và giá trị tại VQG Kon Ka Kinh, hoạt động này còn tạo thêm nguồn kinh phí phục vụ cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học nơi đây. 
Để công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại VQG Kon Ka Kinh ngày càng hiệu quả, ông Ngô Văn Thắng cho biết: Vườn sẽ tiếp tục tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển diện tích rừng hiện có thông qua các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân vùng đệm. Cùng với đó, đơn vị tăng cường phối hợp với lực lượng Kiểm lâm thường xuyên tổ chức những đợt tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng lấn chiếm đất rừng làm rẫy, khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật trái phép. Đồng thời, Vườn sẽ ứng dụng công nghệ vào hoạt động tuần tra, giám sát bảo vệ rừng; thực hiện nhiều công trình đánh giá đa dạng sinh học có định hướng, có giải pháp để tăng hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ nâng diện tích giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng làng vùng đệm, hỗ trợ sinh kế, kêu gọi đầu tư từ các dự án, tổ chức có điều kiện, định hướng phát triển kinh tế-xã hội từ nét văn hóa bản địa để người dân tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống”-Phó Giám đốc VQG Kon Ka Kinh chia sẻ.           
 LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.