Việt Nam nên có bao nhiêu tỉnh, thành là phù hợp?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với diện tích 331.212 km2, dân số dự báo đến năm 2030 là 105 triệu người và đến năm 2045 là 115 triệu người, nước ta nên có bao nhiêu đầu mối đơn vị hành chính cấp tỉnh là phù hợp?

Một số tỉnh đang được đô thị hoá nhanh, đủ tiêu chuẩn và được quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc T.Ư có nên sáp nhập thêm một tỉnh khác?

Sáp nhập theo tiêu chuẩn, tiêu chí nào?

Việc hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh có quy mô (diện tích và dân số) nhỏ để thành lập các đơn vị hành chính lớn hơn, rộng hơn và tổ chức lại chính quyền địa phương cùng cấp với mục đích tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của nước ta hiện nay, là thực sự cần thiết và cấp thiết.

Một góc thành phố Bắc Ninh - tỉnh Bắc Ninh. Ảnh minh họa
Một góc thành phố Bắc Ninh - tỉnh Bắc Ninh. Ảnh minh họa

Việc hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh có các mục tiêu chính: Giảm đầu mối chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư (hiện là 57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc T.Ư); Giảm số lượng tổ chức bộ máy và nhân sự của hệ thống chính trị cấp tỉnh; Mở rộng không gian phát triển nhờ quy mô (diện tích và dân số) lớn hơn, rộng hơn.

Vấn đề là cần căn cứ vào tiêu chuẩn, tiêu chí nào là chính để thực hiện việc sáp nhập tỉnh? Các tiêu chuẩn về đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 1211/2016 (được sửa đổi, bổ sung bằng NQ số 27/2022) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có còn phù hợp với bối cảnh, tình hình mới hay không? Quốc hội có nên ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết này của UBTVQH để làm căn cứ pháp lý quyết định việc hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc thẩm quyền của Quốc hội hay không?

Việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước đây mà gần đây nhất là việc sáp nhập tỉnh Hà Tây và một số đơn vị hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Hoà Bình vào Thủ đô Hà Nội có thể rút ra kinh nghiệm, bài học gì cho việc hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh lần này?

Vấn đề cần quan tâm

Ngoài những vấn đề trên, việc sáp nhập tỉnh cần tiếp tục làm rõ một số vấn đề cụ thể như sau:

Thứ nhất: Đất nước ta, trong bối cảnh, tình hình, điều kiện và trình độ phát triển trước mắt và tương lai, với diện tích 331.212 km2, dân số trên 100 triệu người, dự báo đến năm 2030 là 105 triệu người và đến năm 2045 là 115 triệu người thì nên có bao nhiêu đầu mối đơn vị hành chính cấp tỉnh là phù hợp?

Thứ hai: Một số tỉnh đang được đô thị hoá nhanh, đủ tiêu chuẩn và được quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc T.Ư có nên được hợp nhất, sáp nhập với 1 tỉnh hoặc các tỉnh khác hay không? Các thành phố trực thuộc T.Ư, trừ 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, có nên được hợp nhất, sáp nhập với 1 tỉnh hoặc các tỉnh khác hay không?

Thứ ba: Các tỉnh có diện tích nhỏ và dân số ít thì việc hợp nhất, sáp nhập là cần thiết. Đối với các tỉnh có dân số chưa đủ tiêu chuẩn quy định nhưng diện tích lớn quá tiêu chuẩn quy định có nên được hợp nhất, sáp nhập không hay là nên để dân số của các tỉnh đó tăng cơ học trong quá trình phát triển?

Thành phố Đà Nẵng có cần mở rộng không khi nghiên cứu phương án sáp nhập tỉnh?
Thành phố Đà Nẵng có cần mở rộng không khi nghiên cứu phương án sáp nhập tỉnh?

Thứ tư: Việc hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh có nên thực hiện trong phạm vi các Vùng kinh tế - xã hội đã được Đại hội Đảng xác định, đã được quy hoạch và có nên theo các Tiểu vùng thuộc các Vùng để không phá vỡ Quy hoạch Vùng hay không?

Thứ năm: Yêu cầu hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm tạo ra các đơn vị hành chính lớn hơn, rộng hơn để mở rộng không gian phát triển nên được hiểu như thế nào cho phù hợp trong bối cảnh kinh tế địa phương, các chủ thể kinh doanh trên địa bàn đã có không gian phát triển toàn vùng, toàn quốc và toàn cầu trong nền kinh tế thị trường, trên cơ sở các nền tảng công nghệ mới và hội nhập kinh tế quốc tế, mà không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính như trước đây?

Thứ sáu: Việc hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, tạo ra đơn vị hành chính lớn hơn, rộng hơn trong khi bỏ đơn vị hành chính huyện sẽ tăng lên rất nhiều đầu mối cấp xã chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp tỉnh, mặc dù các đơn vị hành chính cấp xã cũng sẽ được hợp nhất, sáp nhập. Việc này đòi hỏi phải phân cấp, phân cấp nhiều hơn, mạnh hơn cho chính quyền cấp xã nhưng phải phù hợp với năng lực và điều kiện của chính quyền cấp này. Đồng thời, sẽ có sự phân cấp, phân quyền “ngược” những phần việc của chính quyền huyện lên chính quyền cấp tỉnh mà không thể phân cấp, phân quyền xuống cho chính quyền cấp xã.

Nguyễn Văn Phúc, nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Trưởng Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp.

Theo TPO

Có thể bạn quan tâm

Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp bàn phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2025

Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp bàn phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2025

(GLO)- Ngày 4-7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị 6 tháng đầu năm và bàn phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.

Ngày đầu vận hành chính quyền mới diễn ra nghiêm túc, hiệu quả, vì dân phục vụ

Ngày đầu vận hành chính quyền mới diễn ra nghiêm túc, hiệu quả, vì dân phục vụ

(GLO)- Ngày 1-7, cùng với cả nước, chính quyền địa phương hai cấp tại Gia Lai chính thức vận hành. Ghi nhận của phóng viên tại một số xã, phường cho thấy không khí làm việc nghiêm túc, khẩn trương; thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn, minh bạch, tạo ấn tượng tích cực với người dân.

null