Trồng rừng gỗ lớn: "Một mũi tên trúng hai đích"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Và chúng ta đang phấn đấu trở thành trung tâm chế biến đồ gỗ của thế giới. Đây là giấc mơ có đủ cơ sở thực tế để thành hiện thực dù Việt Nam hiện chỉ chiếm 6% thị phần đồ gỗ xuất khẩu của thế giới. Nhưng để biến giấc mơ này thành hiện thực thì bên cạnh việc nhập khẩu gỗ theo các hiệp ước quốc tế đã ký, chúng ta còn phải trồng rừng, phải có rừng gỗ lớn để có nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ công nghiệp chế biến.
Có thể nói, quyết tâm đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến đồ gỗ của thế giới được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố nhằm 2 mục đích: thứ nhất là để bảo vệ rừng, để đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, chứ không phải trồng những loại gỗ lấy dăm. Và thứ hai là xây dựng một hệ thống chế biến sâu nguyên liệu gỗ trên cả nước nhưng có tập trung vào một số trọng điểm.
Chế biến gỗ hiện đại và bảo vệ môi trường bền vững bằng trồng rừng gỗ lớn là mục tiêu đúng đắn mà Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng đang hướng đến
Chế biến gỗ hiện đại và bảo vệ môi trường bền vững bằng trồng rừng gỗ lớn là mục tiêu đúng đắn mà Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng đang hướng đến (ảnh internet)
Với nguồn tài nguyên rừng phong phú, dồi dào, Gia Lai chắc chắn sẽ trở thành một trong những trọng điểm trong kế hoạch lớn lao này. Cuối năm 2018, khi đến thăm và làm việc tại Gia Lai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tỉnh: “Cần đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống, rừng gỗ lớn, chế biến sâu đồ gỗ và nội thất”.
Mới đây, khi đi thị sát để chỉ đạo triển khai công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cũng đã khẳng định: “Tỉnh sẽ huy động các nguồn lực để trồng rừng gắn với đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến và sản xuất sản phẩm từ gỗ rừng trồng. Đây là một trong những thế mạnh kinh tế của tỉnh để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương”.
Một khi rừng trồng chọn lọc được các loại gỗ lớn phù hợp với chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu, Gia Lai có thể tạo đột phá trong vòng một thập kỷ sắp tới. Và những cơ sở chế biến gỗ của Gia Lai phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để sản phẩm làm ra được quốc tế công nhận. Lâu nay, Gia Lai đã có nhiều sản phẩm đồ gỗ được khách hàng khu vực miền Trung và cả nước ưa chuộng. Nhưng sản xuất đồ gỗ xuất khẩu lại cần trang bị những máy móc thích hợp, những máy móc của thời đại 4.0 để sản phẩm đạt chuẩn quốc tế và được chấp nhận trên toàn thế giới.
Ai cũng biết, với Việt Nam, bảo vệ rừng nguyên sinh, trồng mới rừng gỗ lớn là mục tiêu hàng đầu về môi trường, không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai. Khi mục tiêu xuất khẩu đồ gỗ chế biến trùng hợp với mục tiêu trồng rừng bảo vệ môi trường, Việt Nam sẽ cùng lúc thực hiện được cả hai mục tiêu lớn về môi trường và kinh tế. Đó mới là mục tiêu chung lớn nhất mà Việt Nam phải phấn đấu đạt tới, trước hết là vì môi trường, rồi đến tăng trưởng kinh tế.
Lâu nay, những kẻ phá rừng chỉ cung cấp gỗ thuộc loại quý hiếm để làm đồ gỗ nội địa. Nếu chuyển hướng trồng rừng lấy nguyên liệu làm đồ gỗ xuất khẩu, chúng ta có thể thay đổi được thói quen lãng phí gỗ quý như lâu nay vẫn tồn tại ở Việt Nam. Thay đổi một thói quen sử dụng đồ gỗ cho phù hợp với cuộc sống hiện đại là một sự thay đổi rất lớn. Nó góp phần bảo vệ những khu rừng nguyên sinh còn sót lại của Việt Nam, bảo vệ những chủng loại gỗ quý hiếm đang dần bị xóa sổ.
Phải trồng rừng để lấy nguyên liệu chế biến gỗ, dù vẫn có thể nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Đó là mục tiêu quan trọng nhất đối với Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng. Và việc trở thành trung tâm xuất khẩu đồ gỗ của thế giới, đồng thời có những đột phá về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường được thế giới ngưỡng mộ, đó mới là thành quả lớn nhất của ngành công nghiệp đồ gỗ Việt Nam.
 Trong cuộc cách mạng về trồng rừng và chế biến đồ gỗ xuất khẩu, việc sử dụng công nghệ hiện đại có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển bền vững. Việc sử dụng công nghệ hiện đại cũng cần đi đôi với việc đào tạo con người trong sản xuất, vận hành hệ thống máy móc hiện đại để tạo ra những sản phẩm công nghệ cao.
Chế biến gỗ hiện đại và bảo vệ môi trường bền vững bằng trồng rừng gỗ lớn là mục tiêu đúng đắn mà Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng đang hướng đến. Sự tham gia của cả Nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân vào công cuộc “cách mạng xanh” này sẽ mang lại thắng lợi. Và lợi ích lớn nhất chính là môi trường rừng được bảo vệ và phát triển bền vững.
THANH THẢO

Có thể bạn quan tâm

Ảnh: Internet

VinFast VF5 là xe ô tô bán chạy nhất thị trường Việt Nam năm 2024

(GLO)- Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng ô tô nhập khẩu về thị trường Việt Nam năm 2024 đạt 173.561 chiếc, trị giá 3,62 tỷ USD (tăng 45,8% về lượng và tăng 27,6% về trị giá so với năm 2023). Còn tại thị trường trong nước, VinFast VF5 là xe ô tô bán chạy nhất năm với 32.000 chiếc.