
"Một mặt Mỹ đang giả vờ là 'người hòa giải' bằng cách khuyến nghị đối thoại và đàm phán, mặt khác họ liên tục chuyển giao mọi loại vũ khí hủy diệt hàng loạt để khuyến khích những kẻ hiếu chiến mở rộng và kéo dài chiến tranh hơn nữa", Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên bình luận.
Trước đó ông Trump ký sắc lệnh hành pháp ngày 9/4 yêu cầu xem xét lại các quy tắc quản lý xuất khẩu thiết bị quân sự của Mỹ, giữa lúc đang thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
KCNA tuyên bố hoạt động bán vũ khí đóng vai trò là công cụ chính trong việc thúc đẩy chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm thiết lập quyền thống trị, cáo buộc Washington cung cấp thiết bị chiến tranh cho các nước sau khi xung đột bùng nổ ở Ukraine và Dải Gaza.
Cũng với hãng thông tấn Triều Tiên, hầu hết thiết bị quân sự xuất khẩu của Mỹ rơi vào tay những người "hiếu chiến" ở châu Âu và Trung Đông.
Truyền thông Triều Tiên cảnh báo hậu quả sẽ rất rõ ràng khi các vũ khí sát thương của Mỹ được chuyển giao cho các lực lượng chiến tranh "ủy nhiệm".
Tổng thống Trump từng nói Triều Tiên là một "quốc gia hạt nhân lớn" và nhà lãnh đạo Kim Jong-un là một "người thông minh" và để ngõ khả năng có thể đối thoại với ông Kim.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã có 3 cuộc gặp với ông Kim Jong-un. Mỹ và Triều Tiên cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán hạt nhân tại Stockholm, Thụy Điển vào tháng 10/2019.