Tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine
Ngày 7/7, Tổng thống Trump nói với báo giới rằng các đợt viện trợ cho Ukraine có thể sẽ tiếp tục.“Chúng tôi sẽ gửi thêm một số vũ khí. Chúng tôi phải làm vậy. Họ cần có khả năng tự vệ. Họ đang bị tấn công rất dữ dội. Chúng tôi sẽ phải gửi thêm vũ khí, chủ yếu là vũ khí phòng thủ”, ông đề cập đến vấn đề Ukraine khi ăn tối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ vũ khí và hỗ trợ khác cho Kiev, theo thống kê của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR).

Phát biểu trên của ông Trump hoàn toàn khác so với tuần trước. Khi đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump bất ngờ tạm dừng các đợt chuyển giao tên lửa và đạn dược cho Ukraine với lý do lo ngại kho dự trữ vũ khí của Mỹ đang cạn kiệt.
Tuy nhiên, có cơ sở để cho rằng chính quyền Trump đã phóng đại mức độ ảnh hưởng của việc viện trợ Ukraine đối với kho vũ khí của Mỹ và có thể đây chỉ là cái cớ để họ hạn chế dòng vũ khí chuyển cho Kiev.
Việc Mỹ tạm dừng viện trợ một cách đột ngột và không báo trước khiến Kiev gặp khó khăn trong phòng thủ, nhất là nỗ lực giữ các vị trí ở miền Đông trước các đợt tấn công liên tiếp của Nga. Nó cũng làm suy yếu vai trò trung gian hòa giải của ông Trump trong cuộc xung đột Nga- Ukraine.
Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 4/7, ông Trump cũng điện đàm với ông Zelensky, mà theo tổng thống Ukraine đó là cuộc trao đổi “tốt nhất và hiệu quả nhất” giữa hai bên. Ông Zelensky tiết lộ, hai bên thảo luận về các vấn đề liên quan tới hoạt động phòng không đồng thời đánh giá cao sự sẵn sàng giúp đỡ của Washington đối với Kiev.
Trên thực địa, lúc này quân đội Nga tiếp tục tiến hành dồn dập các cuộc không kích nhằm vào Kiev và các thành phố khác của Ukraine bằng số lượng lớn thiết bị bay không người lái (UAV) và tên lửa.
Phát biểu ngày 7/7, ông Zelensky cho biết, khu vực Pokrovsk tiếp tục chứng kiến các đợt giao tranh ác liệt nhất, ngoài ra xung đột vẫn diễn ra ở các khu vực khác thuộc vùng Donetsk, cũng như tại tỉnh Sumy và Kharkiv.
Tổng thống Ukraine nhấn mạnh tầm quan trọng của các chiến dịch tấn công tầm xa nhằm vào các mục tiêu quân sự Nga ở sâu trong lãnh thổ nước này. Ông đánh giá sự phối hợp của quân đội Ukraine, Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) và các lực lượng tình báo góp phần tăng cường năng lực tấn công tầm xa, giúp Ukraine tiến gần hơn tới mục tiêu chấm dứt chiến sự. Gần đây, trong hai ngày 5 - 6/7, hàng loạt sân bay tại Moscow. St.Petersburg, Nizhny Novgorod của Nga đã đóng cửa – hậu quả sau các đòn không kích của Ukraine.
Bên cạnh việc tăng cường hoạt động quân sự, Tổng thống Zelensky thông báo tuần tới sẽ là thời điểm then chốt với Ukraine khi nước này dự kiến ký kết nhiều thỏa thuận mới với các đối tác quốc tế, liên quan tới quốc phòng và tái thiết đất nước.
“Chúng tôi đang chuẩn bị những quyết sách và thỏa thuận mới với các đối tác để tăng cường sức mạnh của Ukraine, cả về năng lực phòng thủ lẫn khả năng phục hồi”, ông Zelensky nói.
Trong đó có việc ngày 9/7, Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) ra phán quyết vụ Ukraine và Hà Lan kiện chống lại Nga. Vụ kiện cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại các vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng và trong quá trình Nga tiến hành chiến dịch quân sự.
Sau đó, ngày 10-11/7, Hội nghị quốc tế về tái thiết Ukraine sẽ diễn ra tại thủ đô Rome, Italy, là dịp để Kiev thúc đẩy hợp tác và tranh thủ thêm nguồn lực quốc tế cho quá trình phục hồi sau chiến sự.
Nga trước sau phản đối Mỹ và phương Tây viện trợ quân sự cho Kiev. Theo RT, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 7/7 tuyên bố thái độ của NATO do Mỹ đứng đầu, là nguyên nhân khiến Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.
Trong tuyên bố của mình, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh rằng cuộc xung đột chỉ có thể kết thúc nếu Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và cộng đồng quốc tế công nhận "thực tế lãnh thổ mới".
Thay đổi bất ngờ- “đặc sản” của ông Trump
Ngày 20/1, ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Mỹ sau chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử vào ngày 5/11/2024.
Từ khi quay lại vị trí quyền lực nhất Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump tiếp tục áp dụng chiến lược lãnh đạo dựa trên sự bất ngờ và quyết đoán tức thời.

Bên cạnh quyết tâm cải tổ toàn diện bộ máy chính quyền với những bổ nhiệm nhân sự gây chấn động, ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump đã công bố chính sách thuế đối ứng nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại hàng hoá cũng như khôi phục ngành sản xuất của Mỹ.
Theo đó, ông Trump đã áp mức thuế tối thiểu 10% đối với hầu hết hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ và đánh thuế cao hơn với gần 60 đối tác thương mại lớn.
Đến ngày 9/4, ông thông báo tạm hoãn các mức thuế cao hơn trong 90 ngày để tạo điều kiện cho các nước đàm phán. Trong thời gian này, hàng hoá của gần 60 đối tác thương mại lớn sẽ chịu mức thuế 10%.
Hôm 7/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ ít nhất 14 quốc gia sẽ phải chịu mức thuế quan cao bắt đầu từ ngày 1/8.
Những quyết định đột ngột làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc từ các đối tác thương mại cũng như trong nội bộ nước Mỹ, CNN nhận định.
Về ngoại giao, cuộc cãi vả nảy lửa giữa ông Zelensky và ông Trump khi tổng thống Zelensky tới Nhà Trắng bàn về thoả thuận khoáng sản hồi tháng 4, là ví dụ điển hình về sự hỗn loạn của ông Trump và chính quyền của ông.
Rồi việc tỷ phú Elon Musk, đồng lãnh đạo Ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE) triển khai các biện pháp cắt giảm mạnh mẽ bộ máy hành chính, sa thải hàng loạt nhân viên, đã khiến hàng triệu người dân và doanh nghiệp phụ thuộc vào trợ cấp chính phủ rơi vào tình trạng bất định.
Sau đó xảy ra bất đồng giữa ông Trump và ông Musk về dự luật to lớn và đẹp đẽ. Phản đối dự luật, dù ông Musk đã xin lỗi vì cho rằng đã chỉ trích thaí quá ông Trump nhưng ngày 5/7 vừa qua, tỉ phú công nghệ Elon Musk đã chính thức tuyên bố thành lập Đảng Nước Mỹ (America Party), tạo nên làn sóng tranh luận sôi nổi trong giới quan sát chính trị.
Việc Tổng thống Trump điều hành đất nước dựa trên phong cách đầy tính bất ngờ, có thể kéo theo hậu quả khó lường về nhiều mặt.
Trên hết, các đồng minh phương Tây đang ngày càng bất mãn với chính sách của ông Trump, nguy cơ suy giảm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ là điều khó tránh khỏi, CNN nhận định.
Những động thái của Tổng thống Trump không chỉ gây tổn hại đến quan hệ mà còn có thể đẩy các đồng minh vào thế phải tìm kiếm đối tác mới, bao gồm Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Giới quan sát cho rằng nếu xu hướng này tiếp diễn, thế giới có thể sẽ điều chỉnh lại trật tự kinh tế và chính trị theo hướng không còn đặt Mỹ làm trung tâm, để rồi chính nước Mỹ sẽ phải đối diện với những hệ quả dài hạn khó lường.