Những năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên được hệ thống các Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH trong tỉnh giải ngân kịp thời, trở thành điểm tựa tài chính vững chắc giúp hàng nghìn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường, nuôi dưỡng ước mơ xây dựng tương lai.
Theo chân cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Hoài Ân, chúng tôi đến thăm gia đình bà Đoàn Thị Lê Na (SN 1984, ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức), thuộc diện hộ cận nghèo. Năm 2023, con gái lớn của bà là em Trần Kiều Ý Nhi trúng tuyển vào ngành Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Văn Hiến (TP Hồ Chí Minh). Niềm vui chưa trọn thì nỗi lo chi phí học tập đã hiện hữu, bởi thu nhập của hai vợ chồng bà chủ yếu từ lao động phổ thông, nuôi 4 con ăn học là điều không hề dễ dàng.
Được cán bộ Tổ Tiết kiệm và Vay vốn Chi hội Phụ nữ thôn Gia Trị hướng dẫn, bà Na đã mạnh dạn vay 160 triệu đồng từ chương trình tín dụng học sinh,sinh viên (HSSV) tại Ngân hàng CSXH huyện, thời gian vay 4 năm. Bà Na chia sẻ: “Nếu không có sự sẻ chia, tiếp sức từ vốn vay tín dụng HSSV, có lẽ con tôi phải bỏ học giữa chừng. Gia đình tôi rất biết ơn chính sách nhân văn này của Đảng và Nhà nước”.
![]() |
Nhờ nguồn vốn vay HSSV, bà Đoàn Thị Lê Na (ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân) (giữa) có điều kiện cho con gái được đến trường học tập. Ảnh: D.Đ |
Theo bà Nguyễn Thị Vẹn, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn Chi hội Phụ nữ thôn Gia Trị, từ năm 2023 đến nay, tổ đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện giải ngân 740 triệu đồng cho 12 hộ có con em đi học đại học, cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh. Trong đó có nhiều sinh viên đã tốt nghiệp ra trường, có việc làm, thu nhập ổn định và đang giúp gia đình trả dần gần hết khoản vay.
Tại huyện Vân Canh, nguồn vốn tín dụng HSSV cũng đang phát huy hiệu quả. Theo Ngân hàng CSXH huyện, tính đến ngày 26.6, tổng dư nợ của chương trình đạt hơn 6,22 tỷ đồng, với 112 hộ gia đình vay vốn cho con em tiếp tục học tập, không phải bỏ học vì khó khăn về kinh tế, góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách của tỉnh về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Gia đình bà Võ Thị Hiệp (SN 1980, ở khu phố Canh Tân, thị trấn Vân Canh) có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2019, con gái bà là em Trần Khánh Huyền (SN 2001) có giấy báo trúng tuyển vào chuyên ngành Ngôn ngữ Anh (khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Quy Nhơn). Đang lo không biết xoay xở thế nào, bà được giới thiệu, hỗ trợ vay tổng số tiền 77,5 triệu đồng từ chương trình HSSV của Ngân hàng CSXH huyện. Hiện con gái bà đã ra trường, có việc làm, thu nhập ổn định tại một trung tâm dạy tiếng Anh ở TP Quy Nhơn và đã trả nợ gần hết.
Theo Ngân hàng CSXH tỉnh, việc triển khai Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg (sửa đổi Quyết định 157/2007/QĐ-TTg) của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV đang nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Với mức cho vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/HSSV, thời gian trả nợ linh hoạt giúp giảm áp lực tài chính đáng kể cho các gia đình. Tính đến cuối tháng 6.2025, tổng dư nợ chương trình cho vay HSSV toàn tỉnh đạt hơn 954,1 tỷ đồng, với 15.131 hộ vay vốn. Qua theo dõi, phần lớn các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, tạo điều kiện cho con em theo đuổi con đường học vấn.
Ông Trần Quốc Quân, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết trước thềm sáp nhập giữa hai tỉnh Bình Định và Gia Lai thành tỉnh Gia Lai mới, Ngân hàng CSXH tỉnh luôn xác định việc đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho HSSV là nhiệm vụ ưu tiên. Đơn vị chỉ đạo cho các phòng giao dịch Ngân hàng CSXH trong tỉnh chủ động phối hợp với các địa phương, hội đoàn thể và ngành giáo dục để rà soát đầy đủ nhu cầu vay vốn của các hộ, nhất là tại những vùng còn nhiều khó khăn.
“Trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ bố trí hợp lý nguồn lực, đảm bảo việc giải ngân nguồn vốn tín dụng HSSV luôn thông suốt, không để xảy ra gián đoạn, với mục tiêu không để HSSV nào phải nghỉ học vì thiếu tài chính, giúp các em được đến trường, xây dựng vững chắc tương lai sau này”, ông Quân nói.
DUY ĐĂNG