Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên chủ trì tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy |
Dự hội nghị tại điểm đầu cầu tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy; các Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Nội vụ quán triệt nội dung Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; nội dung Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; Nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị; xác định rõ đối tượng, lộ trình sắp xếp và phải bảo đảm sự đồng thuận của người dân. Khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, phù hợp với thực tiễn địa phương (kể cả các đơn vị hành chính đã bảo đảm tiêu chuẩn). Không bắt buộc thực hiện sắp xếp (trừ trường hợp địa phương có nhu cầu sắp xếp) đối với các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn trước, ổn định từ lâu, có vị trí biệt lập, có các yếu tố đặc thù và các đơn vị hành chính nông thôn đã được quy hoạch thành đơn vị hành chính đô thị.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy |
Căn cứ tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, đặc thù vùng, miền để tiếp tục thực hiện sắp xếp. Theo đó, đến năm 2025, hoàn thành sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% theo tiêu chuẩn quy định. Đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% theo tiêu chuẩn quy định. Đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% theo tiêu chuẩn quy định.
Đến năm 2030, hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% theo tiêu chuẩn quy định. Đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% theo tiêu chuẩn quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn quy định.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành quán triệt, hướng dẫn các nội dung quan trọng như: quy định về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; hướng dẫn công tác lập dự toán, định mức chi; việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện sắp xếp; rà soát, điều chỉnh và cung cấp số liệu diện tích tự nhiên theo kết quả kiểm kê đất đai của từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; việc rà soát, chỉnh lý hồ sơ địa chính sau khi sắp xếp đơn vị hành chính do thay đổi đường địa giới hành chính và tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là việc làm bắt buộc để bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả. Trước đây, việc sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách chưa kịp thời; chất lượng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu so với quy định; việc sắp xếp các cơ quan, công sở còn dôi dư chưa đáp ứng yêu cầu… Đó là những hạn chế trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính trong thời gian qua, cần rút ra bài học trong thời gian tới. Cấp ủy chính quyền, các tổ chức đoàn thể cần vào cuộc để tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Sắp xếp phải tiến hành bài bản, khoa học, không vội vàng, không cầu toàn và cũng không nóng vội. Phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ. Sắp xếp đơn vị hành chính phải tính đến yếu tố đặc thù, để thúc đẩy các mục tiêu đã đặt ra.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là việc khó, phức tạp, ảnh hưởng đến tâm, tư nguyện vọng của cán bộ, công chức doanh nghiệp và người dân. Chính vì thế khi thực hiện cần có quyết tâm cao, hành động mạnh, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, phải đảm bảo đời sống người dân khi sắp xếp các đơn vị hành chính. Trước tiên phải tạo sự đồng thuận ở các chủ thể có liên quan đến việc sắp xếp. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phải có trách nhiệm cao, kiên định về mục tiêu nhưng linh hoạt khi điều hành. Thực hiện sắp xếp phải có lộ trình để bố trí nhân lực, vật lực, lựa chọn lộ trình để sắp xếp. Quá trình thực hiện phải đáp ứng quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể cho thời gian tới, phát huy tối đa nguồn lực để hiện đại hóa bộ máy hành chính công. Việc sắp xếp phải tạo điều kiện thuận lợi hoạt động cho doanh nghiệp, người dân, đảm bảo về quốc phòng, an ninh, ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.