Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội tới các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị thống nhất đánh giá, năm 2023 là năm thực hiện đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Ngành đã chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng theo đúng định hướng tại Nghị quyết "tam nông" và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; nỗ lực vươn lên với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả".
Toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu đạt và vượt 5/6 chỉ tiêu Chính phủ giao, với nhiều điểm sáng, thành tích nổi bật.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng tốt đẹp tới các đại biểu và bà con nông dân, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. ẢNH: TRẦN HẢI/NDO |
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực, cố gắng kết quả, thành tựu mà ngành nông nghiệp đã đạt được, "vượt cơn gió ngược", được mùa, được giá, bội thu ở một số lĩnh vực, đạt thành tích cao hơn năm 2022, đóng góp quan trọng vào kết quả chung khá toàn diện của cả nước trong năm 2023.
"Nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế từ chỗ lúng túng, bị động, bất ngờ sang chủ động, tự tin, kịp thời, sáng tạo để tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn, thách thức. Ngành đã chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang tấn công, đột phá trong một số ngành, như gạo, rau củ quả, lập kỷ lục mới", Thủ tướng nhấn mạnh.
Vai trò, vị thế "trụ đỡ" của nông nghiệp càng ngày càng được khẳng định, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng trong nước, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát lạm phát (lương thực, thực phẩm, dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng hơn 33%, lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI), góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, gia tăng xuất khẩu, giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân; thúc đẩy xây dựng nền nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm, nông dân thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững trong bối cảnh mới.
Thủ tướng chỉ rõ một số điểm sáng quan trọng, nổi bật của ngành nông nghiệp trong năm qua.
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và xây dựng, hoàn thiện thể chế, tập thể Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã đoàn kết, đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện, bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt để triển khai quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2023.
Bộ đã tập trung xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều đề án, chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển ngành (chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn; đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030; chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; chính sách phát triển thủy sản...); cũng như tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế (Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival tôm Cà Mau...).
Bộ chủ động đề xuất với lãnh đạo Chính phủ trực tiếp làm việc với Bộ, với Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản, Hiệp hội Thủy sản để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, xử lý công việc. Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho ngành lâm sản, thủy sản được giải ngân nhanh, hiệu quả.
Thúc đẩy chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, công nghiệp hóa nông nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Nhiều địa phương thực sự đã "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể" trong phát triển nông nghiệp, điển hình như Sơn La.
Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,83% (mức cao nhất trong nhiều năm gần đây, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao là 3%). Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 53,01 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD. Trong đó, 6 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Đặc biệt một số ngành hàng có bước phát triển vượt bậc, đạt mức xuất khẩu cao kỷ lục và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, như: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%.
Việc phát triển, mở cửa thị trường gắn với sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị được chú trọng; chuyển đổi số, thương mại điện tử được quan tâm triển khai. Điểm nổi bật trong công tác xúc tiến thương mại quốc tế là Bộ đã chủ động ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU; bên cạnh đó đã linh hoạt thích ứng chuyển hướng và đồng thời coi trọng thị trường nội địa. Tăng cường giao dịch qua sàn thương mại điện tử để hỗ trợ các địa phương kết nối, kịp thời tiêu thụ nông sản.
Lần đầu tiên Việt Nam thí điểm bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon cho Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp, thu về 1.200 tỷ đồng; là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thời gian tới.
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được thực hiện kết hợp văn hóa truyền thống từng địa phương tạo sản phẩm đa dạng, phong phú; số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên đến nay đã đạt trên 11.000 sản phẩm (tăng hơn 2.000 sản phẩm so với năm 2022).
Bộ, ngành đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm. Gạo Việt Nam đạt danh hiệu ngon nhất thế giới, đây là sự kiện có nhiều ý nghĩa.
Bên cạnh những kết quả, Thủ tướng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế của ngành, như chưa gỡ được thẻ vàng IUU, một số vấn đề tồn đọng kéo dài như dự án hồ chứa nước Bản Mồng…
Nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng cần quán triệt quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Khi gặp khó khăn, vướng mắc thì tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn; phải hết sức bình tĩnh, bản lĩnh, sáng tạo, đoàn kết để tháo gỡ.
Phải thực sự đoàn kết, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò làm chủ và tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của Nhân dân. Chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương, các bộ ngành, giữa các chủ thể trong ngành nông nghiệp.
Công khai, minh bạch, đẩy mạnh cải cách thủ tục theo hướng thuận lợi nhất, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, làm tốt công tác truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận, tranh thủ sự ủng hộ của Nhân dân. Phân cấp, phân quyền tối đa đi đôi với phân bổ nguồn lực thực hiện, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Phát huy tính tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay khối óc của mình, dám nghĩ, dám làm, chủ động, kịp thời, không trông chờ, ỷ lại.
Năm 2024, Thủ tướng yêu cầu Bộ, ngành không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, không chủ quan, lơ là, cũng không cũng không bi quan, lo sợ trước những diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức, tình hình luôn thay đổi. Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp phát huy tinh thần tấn công, đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành cao hơn (khoảng 3,5-4%), xuất khẩu nông lâm thủy sản từ 55 tỷ USD trở lên…
Nhấn mạnh những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu trước hết, cần quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, thực hiện phương châm chỉ đạo, điều hành năm 2024 của Chính phủ là "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".
Coi trọng, tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ hai, tập trung cho đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, coi đây là động lực mới, đòi hỏi khách quan, lựa chọn đúng đắn, ưu tiên nguồn lực để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại; làm mới những động lực tăng trưởng cũ và bổ sung những động lực tăng trưởng mới. Trước mắt, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho ngành nông nghiệp và phát triển thị trường tín chỉ carbon.
Thứ ba, tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, nhất là 3 quy hoạch ngành quốc gia còn lại (Quy hoạch lâm nghiệp; Quy hoạch bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cho tàu cá).
Thứ tư, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ để đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".
Thứ năm, tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển mạnh mẽ, hợp lý, phù hợp, phát triển hệ thống hợp tác xã, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; tổng kết lý luận về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tổng kết thực tiễn, bám sát thực tiễn, nhu cầu của thị trường, nhân rộng các mô hình hiệu quả cao, những cách làm hay để điều chỉnh sản xuất phù hợp nhằm mang lại giá trị gia tăng và thu nhập cho người sản xuất.
Thứ sáu, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp; chú trọng khâu chọn, tạo giống; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Thứ bảy, làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường mới, đồng thời coi trọng thị trường nội địa, có chiến lược đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
Thứ tám, phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; tập trung giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ "thẻ vàng IUU" trong năm 2024, ngăn chặn và xử lý nghiêm tầu cá khai thác trái phép ở nước ngoài; nghiên cứu, đề xuất trích lập Quỹ phát triển hạ tầng thủy sản để có thể tập hợp, huy động được nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng thủy sản.
Thứ chín, tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; hoàn thành kế hoạch năm 2024 thực hiện Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025". Theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, cần chủ động chỉ đạo sản xuất và triển khai công tác phòng, chống thiên tai bảo đảm kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thứ mười, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng nông thôn mới phải đi đôi với tạo điều kiện phát triển kinh tế nông thôn, tạo điều kiện nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của từng vùng miền, gắn với đô thị hóa, tránh làm theo phong trào, hình thức, lãng phí.
Mười một, đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế để phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời chủ động đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, bảo vệ hàng hóa nông sản Việt Nam, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Năm 2024 tiếp tục được dự báo là có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức có thể nhiều hơn; ngành nông nghiệp phải đối mặt với khó khăn, thách thức, nhất là biến đổi khí hậu, nhưng Thủ tướng tin tưởng với truyền thống đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao ở Trung ương cũng như ở địa phương, với kinh nghiệm và thành quả của năm 2023, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và người dân, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển hơn, nhanh hơn, bền vững hơn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023.