Thu thập thông tin mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng với người có tiền án, tiền sự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dự thảo Luật nêu rõ, việc thu thập, cập nhật thông tin về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với những người có tiền án, tiền sự nhằm phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật thông qua hoạt động tố tụng hoặc hoạt động xử lý vi phạm hành chính.

Dự thảo Luật Căn cước công dân (đang được Chính phủ đề nghị đổi tên thành Luật Căn cước) trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong phiên họp chiều 18-8 đã bổ sung nội dung cấm giữ giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật tại khoản 2.

Đồng thời bổ sung 1 khoản quy định cấm hành vi “sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của cơ sở hạ tầng thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước” như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Vẫn theo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý được Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đại diện cơ quan thẩm tra trình bày tại phiên họp, ý kiến băn khoăn về cơ sở để thực hiện và tính bảo mật đối với thông tin được bổ sung cập nhật theo chính sách mới, tại điều 10 dự thảo Luật đã quy định chỉ cập nhật các trường thông tin trong thực tế quản lý đã rõ, được sử dụng thường xuyên (24 trường thông tin, trong đó 6 trường thông tin bắt buộc, các trường thông tin còn lại sẽ được cập nhật, chia sẻ qua các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và qua cung cấp tự nguyện của người dân) để đưa vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ, chứng thực dữ liệu công dân… bảo đảm thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Về hình thức, phương pháp thu thập, cập nhật thông tin, tại điều 11 và điều 17 của dự thảo Luật đã quy định cụ thể việc thu thập, cập nhật thông tin của công dân từ tàng thư căn cước và các cơ sở dữ liệu hiện có, chỉ thu thập thông tin từ công dân trong một số trường hợp chưa có thông tin trong các cơ sở dữ liệu và trên cơ sở công dân tự nguyện cung cấp; việc thu thập, cập nhật thông tin về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với những người có tiền án, tiền sự để phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật thông qua hoạt động tố tụng hoặc hoạt động xử lý vi phạm hành chính, cơ quan quản lý căn cước không thu thập trực tiếp từ người dân.

Đối với các trường thông tin khác như email, số điện thoại, nghề nghiệp... là không bắt buộc, được thu thập qua quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính nhằm phục vụ chính lợi ích của người dân.

Bên cạnh đó, để có căn cứ thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ, bảo mật cơ sở dữ liệu, khoản 2, điều 11 dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, cụ thể như sau: “Hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, pháp luật về an ninh mạng và pháp luật về an toàn thông tin mạng”.

Theo cơ quan thẩm tra, mặc dù có thể còn nguy cơ nhất định, nhưng trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành và các nguồn lực được Chính phủ đầu tư hiện nay, hệ thống thông tin, tài liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được kiểm soát an ninh mạng tốt nhất, được bảo vệ ở mức cao nhất, hạn chế thấp nhất rủi ro và sự cố ngoài ý muốn. UBTVQH yêu cầu Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư, tăng cường năng lực về chuyên môn và kỹ thuật, bảo đảm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được bảo vệ an toàn ở mức tối đa.

Liên quan các trường thông tin trên căn cước công dân, điều 11 và điều 17 dự thảo đã quy định cụ thể việc phân loại trường thông tin bắt buộc cập nhật, trường thông tin thu thập từ người dân trên tinh thần tự nguyện và quy định rõ việc thu thập, cập nhật, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước và cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Trong đó có quy định rõ cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan liên quan và người dân kiểm tra, thu thập, cập nhật thông tin còn thiếu, có thay đổi hoặc sai sót để bảo đảm tính chính xác và thống nhất trong các cơ sở dữ liệu.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.