Trên đường đưa chúng tôi tới tham quan mô hình trồng ổi Ruby rộng 1 ha của gia đình chị Yến, ông Đinh Hvư-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Bắc cho biết: Đây là mô hình trồng cây ăn trái đầu tiên của xã có sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện vào năm 2024. Đặc biệt, trong những năm qua, bên cạnh canh tác ổi theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị cho sản phẩm và đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, chị Yến còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm trồng ổi theo hướng an toàn và bao tiêu sản phẩm cho các hộ trồng ổi trong xã, góp phần giúp các hộ có thu nhập ổn định.

Tranh thủ thời tiết mát mẻ, chị Yến cùng chồng thu hoạch ổi để gửi cho khách hàng. Chị Yến cho biết: Trước đây, trên diện tích này, vợ chồng chị trồng rau màu nhưng thu nhập không ổn định. Năm 2019, sau khi học hỏi được các kiến thức, kỹ thuật trồng và chăm sóc ổi Ruby của người dân các tỉnh miền Tây, vợ chồng chị quyết định mua 100 cây ổi giống về trồng thử nghiệm trên diện tích 1 sào. Sau một thời gian trồng, nhận thấy giống ổi Ruby thích nghi với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng tại địa phương, cây sinh trưởng và phát triển tốt, nhanh cho thu hoạch nên giữa năm 2020, gia đình chị quyết định chuyển toàn bộ diện tích còn lại sang trồng ổi Ruby theo hướng hữu cơ.
Theo đó, vợ chồng chị tự ủ phân bò với các chế phẩm sinh học để bón cho vườn cây và tự làm chế phẩm sinh học từ ớt, rượu, gừng để phòng trừ sâu bệnh cho cây ổi. Ngoài ra, khi quả ổi đạt đường kính 2,5-3 cm, vợ chồng chị dùng bao quả chuyên dụng bao trái lại để tránh bị sâu và côn trùng gây hại. “Tuy quy trình canh tác này tốn nhiều công nhưng gia đình không phải tốn tiền mua thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, ổi có độ giòn, ngọt cao và an toàn cho người tiêu dùng”-chị Yến cho hay.

Để ổi cho năng suất và chất lượng đạt cao, ngay khi ổi ra trái nhỏ, chị bấm bớt ngọn để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả, giúp tránh bị rụng quả non gây giảm năng suất; đồng thời, giúp kích thích ổi ra hoa mới. Nhờ vậy, vườn ổi của gia đình chị cho ra quả quanh năm. Theo đó, bình quân mỗi năm, gia đình chị thu được gần 20 tấn ổi và bán được với giá từ 14-18 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình chị lãi khoảng 250 triệu đồng.
Cũng theo chị Yến, nhờ chất lượng cao, an toàn nên sản phẩm ổi của chị được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Những năm gần đây, sản phẩm ổi Ruby của chị còn được khách hàng tại tỉnh Bình Định và TP Hồ Chí Minh mua sỉ với số lượng lớn để về bán lại. Để có nguồn hàng ổn định, vài năm gần đây, chị đã liên kết, hỗ trợ kỹ thuật trồng ổi Ruby theo hướng hữu cơ với 7 hộ dân trong và ngoài xã. Đồng thời, chị nhận bao tiêu sản phẩm giúp các hộ yên tâm canh tác.
Anh Nguyễn Văn Hùng (làng Jro Ktu Đak Yang) phấn khởi chia sẻ: Được chị Yến hỗ trợ kỹ thuật, tôi chăm sóc gần 4 sào ổi đạt hiệu quả. Qua theo dõi, ổi được trồng theo hướng hữu cơ phát triển tốt, ít bị sâu bệnh. Mới đây, vườn ổi đã cho thu bói được hơn 1 tấn quả và được chị Yến bao tiêu sản phẩm nên gia đình rất yên tâm”.
Còn anh Nguyễn Trung Phi (thôn Tân Lập, xã Tân An, huyện Đak Pơ) thì cho hay: “Gia đình tôi có 4 sào ổi trồng từ năm 2020. Nhờ được chị Yến hướng dẫn kỹ thuật trồng ổi theo hướng hữu cơ nên cây ổi sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Với diện tích này, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu hơn 7 tấn ổi. Nhờ được chị Yến hỗ trợ về đầu ra sản phẩm nên gia đình tôi có thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Đình Nhỏ-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đak Pơ-cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 300 ha cây ăn trái, chủ yếu là ổi, thanh long, nhãn... Thời gian qua, nông dân trên địa bàn huyện đã có sự chủ động trong tìm tòi, nghiên cứu các kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái theo hướng an toàn để nâng cao giá trị sản phẩm. Trong đó, hộ chị Nguyễn Thị Yến ở xã Yang Bắc đã áp dụng các phương pháp tự nhiên trong kiểm soát sâu bệnh và côn trùng gây hại để bảo vệ cây trồng, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tuyên truyền, vận động các hội viên, nông dân trên địa bàn tiếp tục áp dụng các kỹ thuật trồng cây ăn trái theo hướng an toàn để nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, tích cực hỗ trợ nông dân quảng bá sản phẩm để có đầu ra ổn định.