Thay đổi tư duy 'săn lùng' người tài

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một trong những điểm mới của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức sẽ trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 sắp tới là chính sách đối với người có tài năng.
 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trong lần trình bày về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức. ẢNH: GIA HÂN
Làm rõ khái niệm “người tài”
Trong đó, nội dung chính là giao Chính phủ quy định chi tiết về cơ chế, chính sách phát hiện, chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng. Dự thảo luật cũng quy định, căn cứ vào quy định của Chính phủ, người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức quy định chế độ sử dụng, đãi ngộ người có tài năng áp dụng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng quy định cho phép những người có tài năng có thể được xét tuyển vào công chức mà không cần phải thi tuyển.
Giải thích về đề xuất này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, mới đây cho hay quá trình thực hiện luật Cán bộ, công chức từ năm 2010 tới nay, cho thấy các quy định hiện hành vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Các quy định về thu hút nhân tài chủ yếu mới chỉ ưu tiên về tuyển dụng đầu vào mà chưa tạo cơ chế, môi trường làm việc độc lập, cạnh tranh, sáng tạo để người tài có điều kiện phát huy tài năng, sở trường trong công tác”, ông Tân cho hay.
Phó chủ tịch Quốc hội (QH) Đỗ Bá Tỵ đề nghị cần phải quy định rõ khái niệm, định nghĩa “thế nào là người có tài năng”; đồng thời, dù không quy định chi tiết, nhưng cũng phải đưa ra được các nguyên tắc để thu hút, sử dụng người tài.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách QH Nguyễn Đức Hải cho rằng phải phân biệt rõ giữa người có tài năng về quản lý nhà nước và người có tài năng trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật hay nghệ thuật vì 2 lĩnh vực rất khác nhau. Từ đó, ông Hải cho rằng luật chỉ nên tập trung quy định liên quan tới công chức còn ở doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp sắp tới sẽ tự chủ tài chính thì nên để tự giải quyết vấn đề thu hút người tài.
Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thanh Hải thì đề nghị luật phải làm sao “cởi trói” mạnh hơn nữa cho người đứng đầu trong công tác nhân sự để có thể thu hút được những người có tài năng. Dẫn trường hợp Trường đại học Bách khoa (Hà Nội), nơi mình từng công tác đang phải chật vật tìm cách giữ các giảng viên giỏi nhưng không giữ được vì dù trường có cơ chế tự chủ tài chính, đã trả mức lương tới 17 - 18 triệu đồng/tháng, nhưng các doanh nghiệp bên ngoài sẵn sàng trả lương tới 200 triệu đồng/tháng để thu hút, bà Hải cho rằng, cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ của chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề.
“Tại sao cơ quan ngoài nhà nước làm được? Đó là do cơ chế. Không bao giờ lại có chuyện người này làm kém mà lương lại cao, người kia giỏi mà lương lại thấp. Tất cả đều được đánh giá đúng trên vị trí, năng lực”, bà Hải nhấn mạnh và mong muốn Chính phủ có những đề xuất mạnh mẽ để giải quyết tình trạng hiện nay vì “những người giỏi bây giờ không muốn vào các cơ quan nhà nước nữa”.
Người tài chủ yếu đến “xin”, ít cơ quan nào phát hiện
Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển thì phân tích quan trọng nhất là phải quy định thế nào để thu hút được người tài năng vào cơ quan nhà nước. Theo ông Hiển, trước hết phải phát hiện, đào tạo ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức để nâng cao trình độ, trở thành những người làm việc có chất lượng hơn. Ngoài ra, phải phát hiện và tuyển dụng được những người có tài năng thực sự.
“Phần lớn người tài năng đến xin chứ ít cơ quan nào phát hiện. Rồi khi phát hiện được người tài, đưa về thì chúng ta lại đặt ra vấn đề quy trình; rồi nghi ngờ sao lại bổ nhiệm nhanh như vậy. Cứ như thế thì làm sao tuyển dụng được”, ông Hiển nói và cho biết, những cơ quan có kinh nghiệm sẽ tự tìm kiếm, phát hiện người tài chứ không ai đợi người tài đến nộp hồ sơ.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ, môi trường Phan Xuân Dũng so sánh: “Ở nước ngoài, người ta đi tìm người giỏi, săn lùng người giỏi, còn ở VN thì người giỏi đi lùng chúng ta”.
Dẫn trường hợp một người vừa tốt nghiệp thạc sĩ xuất sắc ở Anh đã được 23 công ty tìm phỏng vấn, ông Dũng cho biết: “Khi họ chọn được người rồi thì họ chủ động hoàn chỉnh hồ sơ chứ không phải giấy tờ công chứng này nọ rồi tên thiếu chữ “Thị” cũng hạch sách người ta...”. Ông Dũng nói thêm: “Tất nhiên, cơ chế của chúng ta khác nhưng tôi nghĩ cũng cần phải thay đổi dần cách tiếp cận vấn đề này”.
Lê Hiệp (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

(GLO)- Sáng 29-10, Cục Quản lý thị trường Gia Lai phối hợp với Cơ sở sản xuất nước chấm Tương Việt Hoa Sen Tây Nguyên tổ chức trao mô hình sinh kế và khánh thành bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo tại làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.