Tết ở vùng tâm dịch Ayun Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày cận Tết Nguyên đán 2021, thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) vẫn đang bị phong tỏa. Điều này đồng nghĩa người dân thị xã sẽ đón Tết cổ truyền khác hẳn với mọi năm, không cần mâm cao, cỗ đầy, chỉ mong được bình an. Giữa tâm dịch, những câu chuyện đẹp về tình người vẫn được lan tỏa. 
Không khí Tết trầm lắng
Không khí Tết tại thị xã Ayun Pa những ngày này khá trầm lắng. Dịch Covid-19 đến bất ngờ, toàn thị xã bị phong tỏa khiến sức mua những ngày cận Tết giảm hẳn. Chợ hoa mọi năm tại đường Nguyễn Huệ, đường Lê Hồng Phong (nối dài) đã bị hủy bỏ.
Người dân vẫn đi chợ nhưng thay vì sắm Tết thì chỉ mua những nhu yếu phẩm cần thiết. Nhiều quầy hàng bán quần áo tại chợ vắng người mua. Các cửa hàng tạp hóa, bánh kẹo vẫn bày bán nhưng cũng rất ít khách. Chỉ có sự xuất hiện của những bó lá chuối, dây lạt gợi nhắc việc gói bánh tét, bánh chưng đón Tết.
Chị Hồ Thị Trinh-chủ quầy hàng quần áo tại chợ Ayun Pa-cho biết, tầm này mọi năm, quầy bán quần áo của chị đông nghẹt khách, từ trẻ em đến người lớn bởi ai cũng muốn có bộ quần áo mới đi chơi Tết. Năm nay, do tình hình dịch nên thị xã thực hiện giãn cách xã hội, dừng tất cả hoạt động chúc Tết truyền thống, nhà nào ăn Tết nhà ấy nên chẳng ai còn thiết tha đến việc đi mua đồ. Hàng quần áo của chị cũng vì thế mà thưa vắng người mua, có khi cả ngày chẳng có vị khách nào.
Theo chị Trinh, lượng khách tới quầy quần áo chỉ bằng 1/10 năm ngoái. Quần áo lấy về dự trữ trước Tết nhiều, đóng cửa thì sợ bụi bặm, chuột gặm, thành thử vẫn gắng mở cửa mong thu hồi được một phần vốn đã bỏ ra.
Điểm bán hoa của anh Bùi Tiến Sơn trên đường Lý Thái Tổ thưa vắng bóng nười mua.Ảnh.Vũ Chi
Điểm bán hoa của anh Bùi Tiến Sơn trên đường Lý Thái Tổ vắng bóng người mua. Ảnh: Vũ Chi
Chợ hoa năm nay đã bị hủy bỏ, toàn thị xã chỉ có lác đác vài điểm bán cúc chậu nhưng cũng thưa vắng người mua. Anh Bùi Tiến Sơn bán hoa trên đường Lý Thái Tổ cho hay: "Dù đã bày bán 2 ngày nhưng mới tiêu thụ được gần 10 chậu, chủ yếu là người quen ủng hộ. 5 năm bán hoa Tết, chưa năm nào tôi thấy thị trường ảm đạm như năm nay. Những năm trước, tôi thường lấy khoảng 100 chậu hoa bán Tết. Năm nay, thương người trồng hoa tại thị xã nhưng cũng chỉ dám ủng hộ nhà vườn 50 chậu. Giá bán giảm mạnh, miễn phí vận chuyển nhưng cũng không có mấy người mua".
Tết là dịp để con cháu đoàn viên, sum vầy. Nhưng năm nay, nhiều gia đình tại thị xã Ayun Pa có con cháu đi học, đi làm ăn xa không thể trở về ăn Tết, một phần lo sợ dịch bùng phát, một phần vì sợ sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết trở lại nơi làm việc sẽ phải thực hiện biện pháp cách ly để phòng-chống dịch. Vì vậy, không khí Tết tại các gia đình cũng trở nên trầm lắng hơn. Có dọn dẹp nhà cửa, có gói bánh chưng, bánh tét nhưng không rộn ràng như mọi năm.
Bà Phạm Thị Cúc Hoa (tổ 2, phường Đoàn Kết) bộc bạch: “Nhà tôi có 4 người con đều làm việc và lập gia đình trong TP. Hồ Chí Minh. Mọi năm, cứ 30 Tết là chúng trở về quê ăn Tết, anh chị em phân chia nhau dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn ghế, mua bông hoa trang trí, không khí gia đình rộn ràng hẳn. Năm nay, vì lo sợ dịch nên chúng đành hủy vé đặt trước, ở lại nơi làm việc đón Tết. Ai cũng buồn cả nhưng đều động viên nhau cùng cố gắng, hết dịch lại về. Mọi năm, tôi gói 30 cây bánh tét thì năm nay chỉ gói 5 cây thôi, chủ yếu cúng ông bà. Nhà cửa có một mình nên cũng dọn sơ thôi. Chỉ mong dịch mau hết để con cháu được sum vầy”.
Những món quà Tết ấm tình người
Trước diễn biến phức tạp của dịch, tại thị xã Ayun Pa, nhiều ban ngành, đoàn thể đã tổ chức gói bánh chưng, bánh tét cùng nhiều phần quà ý nghĩa gửi đến cán bộ, chiến sĩ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh cũng như người dân trong các khu cách ly tập trung. Phần quà tuy nhỏ nhưng là tấm lòng, là tình cảm của các cấp, các ngành, cùng đông đảo người dân gửi đến lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch cùng những người dân đang cách ly, mong họ có một cái Tết ấm áp giữa mùa dịch.
Từ sự ủng hộ của các Mạnh Thường Quân, Ủy ban MTTQ thị xã đã trích một phần kinh phí phân bổ về 2 phường Sông Bờ và Đoàn Kết để gói 500 chiếc bánh chưng, bánh tét làm quà tặng cán bộ, chiến sĩ tại 12 chốt kiểm dịch và hơn 300 người đang cách ly tập trung. Công việc được tiến nhanh chóng nhờ có sự chung tay của các cán bộ phường cùng đông đảo người dân. 
Bà Nguyễn Thị Hạ Chi-Chủ tịch UBND phường Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa, bìa phải) cùng người dân gói bánh tét nghĩa tình. Ảnh.Vũ Chi
Cán bộ và người dân phường Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa) gói bánh tét tặng lực lượng chống dịch và người dân trong khu cách ly. Ảnh: Vũ Chi
Bà Nguyễn Thị Hạ Chi-Chủ tịch UBND phường Đoàn Kết-cho biết: Nhận được sự phân công, lực lượng cán bộ phường nhanh chóng triển khai công việc. Mỗi người một việc, người đi chợ mua nguyên liệu, người đi mượn xoong nồi, lấy củi, người đi xin lá chuối…Thấy vậy, nhiều bà con đã tình nguyện góp sức, góp thêm kinh phí, góp thịt để những cây bánh đậm đà hơn. Chỉ trong 10 giờ, 250 cây bánh đã hoàn thành đem nấu để ngày 29 tháng Chạp, bánh kịp đến tay tất cả các chốt kiểm dịch và khu cách ly.
Ông Nguyễn Thanh Giàu (tổ 1, phường Đoàn Kết) tâm sự: “Biết phường tổ chức gói bánh chưng nghĩa tình nên tôi tình nguyện tham gia, mong đóng góp một chút công sức cùng mọi người vượt qua dịch bệnh. Mình còn rất may mắn vì được đón Tết cùng gia đình. Hy vọng cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch cùng người dân trong khu cách ly vững vàng trước khó khăn, sớm đẩy lùi dịch bệnh”.
Những chiếc bánh chưng, bánh tét tình nghĩa đã ra lò, chuẩn bị vận chuyển đến các khu cách ly và các điểm chốt phòng chống dịch.Ảnh.Vũ Chi
Những chiếc bánh chưng, bánh tét chuẩn bị được gửi tặng các khu cách ly và các điểm chốt phòng chống dịch. Ảnh: Vũ Chi
Trung úy Nguyễn Thanh Nam-Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an thị xã Ayun Pa) chia sẻ: Nhận được món quà Tết là những chiếc bánh chưng, bánh tét, anh em cán bộ, chiến sĩ vô cùng hạnh phúc. Đây là món quà động viên tinh thần rất lớn, giúp anh em có thêm động lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Còn anh Võ Đăng Khoa, hiện đang cách ly tại Trường THCS Dân tộc Nội trú thị xã Ayun Pa không giấu nổi hạnh phúc khi nhận được bánh chưng từ các cán bộ trong khu cách ly. Anh Khoa cho hay: "Tết này là cái Tết vô cùng đặc biệt với chúng tôi. Ở trong khu cách ly, cùng nhau ăn chung chiếc bánh chưng, bánh tét, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn tình nghĩa đồng bào. Cảm ơn sự quan tâm của tất cả mọi người".
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Mẹ mất, em Thái Thị Mỹ Diệu (ở giữa) trở thành trụ cột gia đình và chăm sóc 2 em. Ảnh: N.N

Xót lòng 3 trẻ mồ côi

(GLO)- Mẹ qua đời, cha bỏ nhà đi , em Thái Thị Mỹ Diệu (SN 2006, hẻm 174 Nguyễn Văn Cừ, tổ 7, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) phải bỏ dở việc học để chăm sóc 2 em nhỏ.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Đak Đoa về việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Đak Đoa: 42/148 hộ hỗ trợ nhà ở, đất ở được cấp giấy CNQSDĐ

(GLO)- Sáng 16-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Đak Đoa về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.