Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về bình đẳng giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mục tiêu tạo bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương trong tỉnh đã tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh-cho hay: Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp trong tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn xã hội về bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ và trẻ em tiếp cận các chương trình, dịch vụ xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở, nước sạch... góp phần làm thay đổi nhận thức về giới giữa nam và nữ, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quốc Khánh-Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của ngành-cho biết: Ngành BHXH tỉnh hiện có 278 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có 16 nữ là cán bộ quản lý với các chức danh giám đốc, phó giám đốc, trưởng, phó các phòng nghiệp vụ. Với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, nữ công chức BHXH tỉnh không ngừng rèn luyện và nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng cũng như lãnh đạo cơ quan. Quy hoạch cán bộ nữ ngành BHXH tỉnh giai đoạn 2021-2025 có 56 người, chiếm tỷ lệ 36,1%.

 Công tác giải quyết việc làm cho lao động nữ được quan tâm. Ảnh: Đ.Y
Công tác giải quyết việc làm cho lao động nữ được quan tâm. Ảnh: Đinh Yến


Bên cạnh đó, thông qua việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế và chính sách đảm bảo an sinh xã hội, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Theo Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2021, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho trên 24.000 lao động, trong đó, lao động nữ chiếm tỷ lệ 51%; 67% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Song song với đó, công tác phối hợp thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, vận động, lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em cũng được chú trọng. Ông Vương Nhật-Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh-cho rằng: Bình đẳng giới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bảo đảm cho phụ nữ thực hiện tốt chức năng sinh và nuôi dạy con; 80% phụ nữ có thai được khám thai và tiêm phòng uốn ván trước khi sinh, 79% phụ nữ được tiếp cận dịch vụ y tế.

Với trách nhiệm của mình, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí địa phương tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức về giới thông qua nhiều hình thức; sản xuất các sản phẩm văn hóa, thông tin tuyên truyền phòng-chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em gái và phổ biến kiến thức về giới, bình đẳng giới phù hợp với từng độ tuổi; thực hiện tin, bài về chuyên đề bình đẳng giới. Bà Mai Thị Loan (làng O Ngo, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Mình thường xuyên nghe đài, xem ti vi, đọc báo để biết thông tin về bình đẳng giới. Đây là vấn đề được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Để thực hiện bình đẳng giới, các thành viên trong gia đình cần chia sẻ, gánh vác công việc cho nhau, không phân biệt việc đàn ông hay đàn bà”.

Bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao và phong trào xây dựng gia đình văn hóa cũng được quan tâm chỉ đạo và triển khai đồng bộ. Ông Ngô Tuyến-Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết: Các mô hình điểm về xây dựng gia đình “2 con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững” ngày càng được nhân rộng, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Tình trạng bạo lực trong gia đình đối với phụ nữ, trẻ em gái đã được khắc phục đáng kể.       

Tuy vậy, trên thực tế, công tác bình đẳng giới vẫn còn những ràng buộc, hạn chế. Theo đó, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại trong một bộ phận dân cư, gia đình; cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở một số địa phương và người dân chưa thực sự quan tâm đầy đủ tới các mục tiêu thực hiện bình đẳng giới; việc bố trí, sử dụng cán bộ nữ lãnh đạo quản lý còn thấp; chưa có chỉ tiêu đánh giá thực hiện Luật Bình đẳng giới thật rõ ràng, cụ thể.

Đánh giá về công tác bình đẳng giới trong thời gian qua, bà Rcom Sa Duyên nhìn nhận: Các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã được các đơn vị, cơ quan liên quan đẩy mạnh thực hiện và đạt được những kết quả nhất định. Khoảng cách về giới có chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Bản thân phụ nữ chủ động, tích cực phấn đấu tự vươn lên, góp phần xóa bỏ định kiến, phân biệt đối xử về giới. “Thời gian tới, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các ngành và địa phương thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp cũng như sự tham gia của cộng đồng để nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới. Bên cạnh đó, huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả mục tiêu chung, chỉ tiêu cụ thể về bình đẳng giới. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả công tác quan trọng này”-bà Duyên nhấn mạnh.

 

ĐINH YẾN
 

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.