Theo Báo cáo Viễn cảnh kinh tế toàn cầu tháng 6-2018 vừa được Ngân hàng thế giới công bố, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể sẽ đạt 6,8% năm 2018 và giảm xuống còn 6,5% năm 2019.
Ảnh minh họa |
Theo dự báo Ngân hàng thế giới, năm 2018, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn đạt mức cao 3,1%, nhưng sau đó sẽ giảm dần trong 2 năm tới do tăng trưởng giảm tại các nền kinh tế phát triển, tốc độ hồi phục tại các nền kinh tế mới nổi và xuất khẩu nguyên vật liệu đi dần theo chiều ngang.
Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển sẽ tăng trưởng 2,2% năm 2018, giảm xuống còn 2% năm 2019 do các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm dần kích cầu. Mức tăng trưởng chung tại các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển dự kiến sẽ tăng và đạt mức 4,5% năm 2018, sau đó lên 4,7% năm 2019 do tốc độ hồi phục tại các nước xuất khẩu nguyên vật liệu và giá nguyên vật liệu sẽ cân bằng dần sau đợt tăng giá năm nay.
Theo ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng thế giới, nếu các nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng như dự đoán trong năm nay thì hàng triệu người có thể thoát nghèo, nhất là tại các nước tăng trưởng nhanh khu vực Nam Á.
Đối với các khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Ngân hàng thế giới cũng dự báo, tăng trưởng các nước đang phát triển trong khu vực sẽ giảm nhẹ từ mức dự đoán 6,3% năm 2018 xuống còn 6,1% năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mức suy giảm nhẹ tốc độ tăng trưởng trong khu vực chính là quá trình tái cơ cấu tại Trung Quốc.
Nếu không tính Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng các nước dự kiến giảm từ 5,4% năm 2018 xuống còn 5,3% năm 2019. Viễn cảnh này được đưa ra căn cứ vào dự đoán giá nguyên vật liệu tăng nhẹ nhưng mức cầu toàn cầu sẽ giảm nhẹ, và điều kiện vốn toàn cầu sẽ dần thắt chặt.
Tăng trưởng tại Trung Quốc dự kiến sẽ giảm từ 6,5% năm 2018 xuống còn 6,3% năm 2019. Các chính sách quản lý và cẩn trọng vĩ mô cũng như chính sách tài khóa dự kiến sẽ thắt chặt.
Trong các nước xuất khẩu nguyên vật liệu, Indonesia dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 5,2% năm nay và 5,3% sang năm nhờ tiêu dùng tăng trên cơ sở lương tăng. Malaysia dự kiến sẽ giảm tăng trưởng từ 5,4% năm nay xuống còn 5,1% trong năm 2019 theo tiềm năng.
Trong số các nước nhập khẩu nguyên vật liệu, Thái Lan dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 4,1% năm nay nhờ tăng cường xuất khẩu nhưng sẽ giảm xuống còn 3,8% năm 2019 do tiềm năng không còn nhiều.
Dự đoán Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm nay, giảm xuống còn 6,5% năm 2019.
Minh Ngọc/vnmedia