Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong việc tăng giá điện, Chính phủ phải giải thích xem Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực có làm đúng hay không, vì họ đang làm theo quyết định, lộ trình của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. ẢNH GIA HÂN
Sáng 8.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 34, cho ý kiến về báo cáo bổ sung về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019.
Một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến thảo luận tại phiên họp là việc tăng giá điện đang làm nóng dư luận trong những ngày qua.
Tại sao lại chọn thời điểm dùng nhiều điện nhất để tăng giá?
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá, việc tăng giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế… là những rủi ro lạm phát, có thể ảnh hưởng bất lợi đến ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.
“Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động của việc tăng giá này đối với chỉ số giá tiêu dùng CPI, cũng như các mặt kinh tế - xã hội”, ông Thanh nói.
Phát biểu ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, báo cáo của Chính phủ thiên quá nhiều về kinh tế mà chưa đề cập nhiều tới các vấn đề xã hội đang nổi lên, được dư luận quan tâm.
Về vấn đề tăng giá điện, bà Nga cho biết, hiện nay, dư luận, cử tri bức xúc việc tăng giá xăng, giá điện và rất hoanh nghênh Thủ tướng đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ kiểm tra, Bộ Công thương cũng có đoàn kiểm tra về vấn đề này.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, vấn đề là lâu nay, dư luận vẫn hoài nghi về tính minh bạch của quản lý điện và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Do đó, Chính phủ cần kiểm tra để giải đáp cho dư luận, cử tri.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp sáng 8.5. ẢNH GIA HÂN
Theo bà Nga, có nhiều vấn đề cần giải trình rõ, như cơ sở tăng giá điện; trong cơ cấu giá điện thì cái nào hợp lý cái nào không hợp lý, hay phương pháp tính giá điện bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt có phù hợp với giai đoạn hiện nay nữa hay không?
“Nhiều gia đình ít người, chỉ hai ông bà già, hết sức tiết kiệm cũng sử dụng không dưới mức thấp nhất là 50 kWh”, bà Nga dẫn ví dụ, đồng thời đề nghị Bộ Công thương, EVN phải làm rõ, có phải trên thế giới càng dùng nhiều điện giá càng tăng hay không?
Một vấn đề khác, bà Nga cho rằng, Chính phủ, Bộ Công thương và EVN chọn thời điểm tăng vào thời điểm nóng nhất, người tiêu dùng dùng điện nhiều nhất, cộng với giá mức dùng điện là càng dùng nhiều giá càng cao, thì dư luận yêu cầu phải trả lời câu hỏi tại sao tăng vào thời điểm dùng nhiều nhất?
“Chúng tôi chưa có đánh giá, nhưng đề nghị phải kiểm tra để trả lời dư luận”, bà Nga nói.
Bộ Công thương, EVN không dám tự làm ?
Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, vấn đề tăng giá điện “đơn giản” vì Thủ tướng đã có quyết định về khung và lộ trình tăng giá điện, cơ chế tính giá điện cũng đã có.
Theo bà Ngân, vấn đề hiện nay là xem điều hành giá điện có đúng các quyết định đã được Thủ tướng ban hành hay không để công bố cho nhân dân yên tâm.
“Tôi đi tiếp xúc cử tri, tôi nói là chắc chắn việc tăng giá này, Bộ Công thương phải thực hiện theo đúng cơ chế và báo cáo Chính phủ, chứ làm sao Bộ Công thương dám làm hay một mình EVN tự làm được?”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.
Do đó, theo Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ phải lên tiếng giải thích, chứ không chỉ công bố lập đoàn thanh tra.
“Phải giải thích coi họ làm đúng hay không, vì họ đang làm theo lộ trình, quyết định của Chính phủ”, bà Ngân nói thêm.
Lê Hiệp (Thanh Niên)