Sáng nay 'mây đĩa bay' trở lại núi Bà Đen: Dân mạng thích thú chia sẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng nay 19.5, hình ảnh 'mây đĩa bay' lại xuất hiện trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh), dân mạng thích thú chia sẻ.

Theo đó, hình ảnh "mây đĩa bay" được cho là xuất hiện trên đỉnh núi Bà Đen sáng nay, được một fanpage có gần 300.000 lượt theo dõi chia sẻ. Sau đó, bài viết được nhiều người quan tâm, bình luận.

Cư dân mạng bày tỏ sự thích thú khi thường xuyên quan sát được những đám mây có hình thù thú vị trên đỉnh núi Bà Đen.

"Mây đĩa bay" trên đỉnh núi Bà Đen Tây Ninh sáng nay 19.5. ẢNH: LINH PHAN
"Mây đĩa bay" trên đỉnh núi Bà Đen Tây Ninh sáng nay 19.5. ẢNH: LINH PHAN

Chia sẻ với Thanh Niên, chị Phan Thị Trúc Linh (36 tuổi) sống ở TP.Tây Ninh cho biết khoảng 6 giờ 30 phút sáng, sau khi đưa con đi học, chị mua đồ ăn sáng. Khi di chuyển trên đường Huỳnh Tấn Phát, chị bất ngờ phát hiện "mây đĩa bay" xuất hiện trên núi Bà Đen.

"Dù nhiều lần thấy được hiện tượng này, nhưng đám mây sáng nay đẹp, tôi liền dừng xe để chụp. Những đám mây này không phải lúc nào cũng xuất hiện, nên mỗi lần xuất hiện tôi đều chụp lại làm kỷ niệm, gửi cho mọi người", chị chia sẻ.

Cách đây không lâu vào ngày 8.5, khi lãnh đạo của các phái đoàn Phật giáo và đại biểu của đại lễ Vesak 2025 đang trồng 108 cây bồ đề trên đỉnh núi Bà Đen sau lễ tôn trí xá lợi Phật, mây ngũ sắc đôi bất ngờ xuất hiện sau tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn khiến người chứng kiến bất ngờ.

Chị Linh cho biết mình từng chứng kiến nhiều đám mây thú vị trên bầu trời Tây Ninh. ẢNH: LINH PHAN
Chị Linh cho biết mình từng chứng kiến nhiều đám mây thú vị trên bầu trời Tây Ninh. ẢNH: LINH PHAN

Những đám "mây đĩa bay" xuất hiện trên núi Bà Đen được giới khoa học gọi là mây dạng thấu kính, đó là những đám mây cố định hình thành chủ yếu ở tầng đối lưu, thường song song với hướng gió. Nhìn bên ngoài, ta thấy giống như một chiếc thấu kính hoặc đĩa bay.

Theo các tài liệu, 3 loại mây dạng thấu kính chính gồm mây trung tích (Altocumulus) dạng thấu kính đứng, là các khối mây có cấu tạo hình cầu thành lớp hay các đường. Mây tầng tích (Stratocumulus), giống thấu kính phẳng hoặc quả hạnh nhân. Loại mây này hình thành do sóng hấp dẫn từ gió đi qua chướng ngại vật tạo ra.

Còn mây ti tích (Cirrocumulus) là những đám mây mịn có dạng thấu kính. Chúng thường hình thành ở các đỉnh của sóng, có thể khá dài và thường có ranh giới rất rõ ràng, đôi khi nảy sinh hiện tượng mống mắt. Loại mây này hình thành khi không khí ổn định bị đẩy lên trên, phần lớn là do địa hình tạo ra (ví dụ như ngọn núi).

"Mây đĩa bay" được khoa học gọi là mây dạng thấu kính. ẢNH: ĐINH THANH (XÌ THANH)
"Mây đĩa bay" được khoa học gọi là mây dạng thấu kính. ẢNH: ĐINH THANH (XÌ THANH)

Loại mây dạng thấu kính mà ta thấy trên đỉnh núi Bà Đen ở Tây Ninh thuộc loại mây trung tích, tiếng Latin là Altocumulus lenticularis. Nó là một đám mây dạng thấu kính, có thể giống đĩa bay hoặc bị nhầm với "vật thể bay không xác định".

Mây trung tích dạng thấu kính thường hình thành khi không khí ẩm, ổn định va chạm với một vật thể đứng yên lớn, chẳng hạn như một tòa nhà hoặc một ngọn núi. Chúng có nhiều khả năng hình thành nhất khi hướng chúng di chuyển vuông góc với hướng gió.

Hiện tượng mây giống đĩa bay trên núi Bà Đen ở Tây Ninh không phải hiện tượng bất thường. Nhiều người thấy thích thú vì thỉnh thoảng mới nhìn thấy mây dạng này.

Theo Cao An Biên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc mở rộng lần thứ 30

Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc mở rộng lần thứ 30

Sáng 16/5, Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc mở rộng lần thứ 30 với chủ đề “Phát huy truyền thống báo chí cách mạng, tiên phong chuyển đổi số, đồng hành cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới” do Báo Hà nội mới tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.