Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm: Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Số lượng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Gia Lai khá nhiều, chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ nên việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, toàn tỉnh hiện có 318 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong số đó chỉ có 4 cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại các huyện: Krông Pa, Đức Cơ, Ia Grai và Chư Sê. Số còn lại là cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Thành phố Pleiku có nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhất tỉnh với 68 cơ sở. Toàn bộ các cơ sở này đều có quy mô nhỏ lẻ, hoạt động tự phát trong các khu dân cư nên khó đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Trần Văn Đăng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku-cho biết: Hiện nay, công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là vì lực lượng thú y viên của đơn vị mỏng nên khó bố trí nhân lực kiểm soát giết mổ tại cơ sở.

Bên cạnh đó, các cơ sở thường giết mổ gia súc, gia cầm vào ban đêm với nhiều khung giờ khác nhau nên rất khó kiểm soát. Thành phố cũng chỉ có 12/22 xã, phường có cán bộ chuyên môn về thú y, còn lại là kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm từ đầu vào đến đầu ra là ưu tiên hàng đầu trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: N.D

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm từ đầu vào đến đầu ra là ưu tiên hàng đầu trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: N.D

Tương tự, ông Lưu Hoài Hưng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông-cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện chỉ có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô nhỏ lẻ. Khó khăn hiện nay là cán bộ thú y ở một số xã thiếu và yếu, chủ yếu kiểm soát ở các chợ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm từ đầu vào đến đầu ra là ưu tiên hàng đầu trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Vì vậy, ngày 28-7-2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 449/QĐ-UBND phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Trong đó, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở giết mổ động vật tập trung đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Uyên Ny-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê-cho biết: Trên địa bàn huyện có 1 cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại thôn Kê (thị trấn Chư Sê) hoạt động ổn định từ nhiều năm nay. Mỗi ngày, cơ sở này cung cấp ra thị trường khoảng 29-30 con heo. Việc giết mổ tập trung đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm…

Dù vậy, hoạt động giết mổ gia súc thường diễn ra vào ban đêm, trong khi lực lượng thú y của đơn vị mỏng lại thực hiện nhiều nhiệm vụ phòng-chống dịch bệnh. Hơn nữa, hoạt động giết mổ nhỏ lẻ chưa được kiểm soát chặt chẽ dễ dẫn đến nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong chăn nuôi.

Cơ sở giết mổ gia súc tập trung huyện Chư Sê. Ảnh: N.D

Cơ sở giết mổ gia súc tập trung huyện Chư Sê. Ảnh: N.D

Còn Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông thì cho hay: “Hiện tại, UBND huyện đã quy hoạch khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, mời gọi doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, chưa có đơn vị nào vào đầu tư dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm từ gốc đến ngọn”.

Trao đổi với P.V, ông Thái Văn Dũng-Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết: Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhưng đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp mà không đề cập đến các tổ chức, cá nhân.

Cũng theo ông Dũng, người tiêu dùng chưa hình thành tư duy sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được cơ quan chuyên môn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và chứng nhận an toàn thực phẩm nên cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn tồn tại. Từ đó, các địa phương khó kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

“Thời gian tới, Chi cục sẽ đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm và các điểm buôn bán thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến các tổ chức, hộ gia đình giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ cần đưa gia súc, gia cầm vào các cơ sở giết mổ tập trung để đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng, hạn chế dịch bệnh xuất hiện gây thiệt hại cho người chăn nuôi”-ông Dũng cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.